Lỏng lẻo phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Thăng Bình - Bài 1: Lúng túng dập dịch (clip)

ĐOÀN ĐẠO - THANH THẮNG 06/08/2019 15:15

(QNO) - Trong khi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thăng Bình vẫn đang diễn biến phức tạp, khó khoanh vùng khống chế thì từ giữa tháng 7.2019 đến nay, nhiều địa phương của huyện lúng túng trong việc dập dịch, tiêu hủy heo nhiễm bệnh. Điều này không những khiến dịch lây lan nhanh mà còn kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là ô nhiễm môi trường.

Tại một hố tiêu hủy ở xã Bình Tú, trong khi chờ đầy xác heo mới được lấp đất thì có heo vẫn còn sống. Ảnh: ĐẠO THẮNG
Tại một hố tiêu hủy ở xã Bình Tú, trong khi chờ đầy xác heo mới được lấp đất thì có heo vẫn còn sống. Ảnh: ĐẠO THẮNG

Chôn lấp gần nguồn nước

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, tính đến chiều 31.7.2019, toàn tỉnh có 14/18 huyện, thị xã, thành phố có heo nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, Thăng Bình là địa phương có số lượng heo mắc bệnh nhiều nhất với hơn 43.250 con (toàn tỉnh là hơn 54.000 con), đã tiêu hủy 2.225 tấn heo hơi.

Theo khảo sát của nhóm PV Báo Quảng Nam điện tử trong những ngày gần đây, một số địa điểm gần các kênh mương ở xã Bình Quý, Bình Định Bắc, Bình An, Bình Trung có nhiều xác heo đang phân hủy. Tại một điểm chôn lấp ở xã Bình Triều, chúng tôi phát hiện xác heo được vứt lộ thiên ngay tại những khu vực miệng hố, bốc mùi hôi thối.

Mời độc giả xem clip nguy cơ ô nhiễm môi trường từ heo chết:

Tại hiện trường điểm chôn lấp thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc), mùi hôi bốc ra nồng nặc do hố chưa được lấp đất (chờ mang heo đến tiếp tục tiêu hủy). Đứng tại quốc lộ 14E, người đi đường có thể cảm nhận được mùi hôi thối này. Điều đáng nói, điểm chôn lấp chỉ cách con suối Ngọc Khô chưa đầy 500m. Nếu việc xử lý tiêu độc khử trùng không đảm bảo thì chẳng ai dám khẳng định suối Ngọc Khô không bị ô nhiễm. Và dịch bệnh có thể theo con nước phát tán tiếp đến các địa phương lân cân dọc con suối.

Trong khi đó, nhiều hộ dân ở thôn Vân Tây (xã Bình Triều) thì lo ngại khi bãi chôn xác heo ở tổ 9 nằm gần với bể lọc nước sạch của địa phương, đồng thời cũng là nơi đầu nguồn nước của hàng chục hộ dân. Có nhà cách điểm chôn lấp heo khoảng 100m, ông Lê Lợi (79 tuổi, thôn Vân Tây) bày tỏ: “Chúng tôi rất lo sợ uống phải nguồn nước không đảm bảo vệ sinh”.

Quy trình lỏng lẻo

Chuyện khống chế, dập dịch ở các địa phương huyện Thăng Bình còn khá lỏng lẻo, không đảm bảo theo các quy định cũng là một phần nguyên nhân dịch chưa thể kiểm soát tốt ở địa phương này. Không chỉ việc vứt xác heo ra môi trường một cách vô tội vạ, công tác vận chuyển heo đi tiêu hủy, quy trình chôn lấp cũng cho thấy sự cẩu thả.

Một điểm tiêu hủy ở xã Bình Triều còn vương vãi xương heo. Ảnh: ĐẠO THẮNG
Một điểm tiêu hủy ở xã Bình Triều còn vương vãi xương heo. Ảnh: ĐẠO THẮNG

Liên quan đến việc thu tiền vận chuyển heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT mà trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và thú y làm việc ngay với chính quyền của huyện Thăng Bình (trực tiếp đến cấp xã), yêu cầu dừng ngay lập tức việc thu tiền của người dân. Đây là việc làm hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật hiện hành và rất phản cảm, đi ngược với những chỉ đạo của UBND tỉnh trong thời gian vừa qua.

Tại xã Bình Tú, điểm chôn lấp heo dịch bệnh duy nhất của xã là dọc theo đường Bắc Sa (thôn Tú Nghĩa) - giáp ranh với xã Bình Triều. Chưa nói đến hệ lụy lâu dài nhưng việc lựa chọn địa điểm chưa phù hợp khiến người đi đường phải chịu đựng mùi xú uế nồng nặc. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong các ngày 31.7, 1.8, điểm chôn lấp trên không hề lót bạt ni lông (theo quy định chôn lấp) trước khi đổ heo xuống hố.

Ngoài ra, công tác vận chuyển heo đi chôn lấp của người dân ở các địa phương còn sơ sài, không được đậy bạt, khử trùng phương tiện chở heo đi tiêu hủy. Tại một số hố chôn có tình trạng heo… còn sống. Một điều quan ngại nữa là, khi bỏ xác heo xuống hố, các đội phòng chống dịch không lấp hố ngay mà đợi heo đầy hố mới lấp lại. Chính vậy, nhiều “hố chờ” ở Bình Triều, Bình Định Bắc, Bình Tú… đều phơi những xác heo trương sình, bốc mùi.

Clip chôn lấp heo không đúng quy định:

Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, theo các quy định về phòng chống dịch động vật thì các vấn đề nêu trên là không đảm bảo. “Việc trang bị đồ bảo hộ cho các đội phòng chống dịch, trang bị thuốc tiêu độc khử trùng, dụng cụ liên quan… thì địa phương phải trích ngân sách ra thực hiện để phòng chống dịch an toàn. Riêng đối với cái gọi là “hố chờ” thì sai hoàn toàn theo quy định về chôn lấp xác động vật chết do dịch bệnh. Bởi không chôn lấp ngay mà đợi đến ngày hôm sau thì chuyện heo bốc mùi hôi thối là nhỏ, mà chuyện lớn là mầm bệnh sẽ phát tán vào không khí” - ông Nam nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỏng lẻo phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Thăng Bình - Bài 1: Lúng túng dập dịch (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO