Mồ côi cha, năm anh chị em chúng tôi lớn lên trong sự tảo tần của mẹ. Mẹ tôi là con thứ ba trong một gia đình gia giáo. Ông ngoại tôi là Lê Tấn Lãng, một thầy thuốc bắc nổi tiếng khắp vùng, là cháu của cụ cử nhân Lê Tấn Toán, thầy dạy của chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu.
Thuở nhỏ, mẹ có tên là Nhỏ, nên mọi người thường gọi cô Ba Nhỏ, và không biết có phải do tự hào về dòng tộc Lê Tấn ở Điện Dương thời bấy giờ có nhiều người học hành đỗ đạt nên ông ngoại đặt tên chữ cho con gái là Lê Thị Tấn.
Năm cha tôi hy sinh (tháng 4.1953), mẹ mới 38 tuổi, vừa sinh em tôi chưa đầy 2 tháng tuổi. Không biết bằng sức mạnh, niềm tin nào đã cho mẹ đứng vững trước nỗi đau mất mát, cùng những khó khăn của cuộc sống để nuôi dạy những đứa con còn thơ dại? Có lần mẹ bảo: “Cha con sinh năm Nhâm Tý - 1912, cầm tinh con chuột. Mẹ sinh năm Ất Mão - 1915, cầm tinh con mèo. Theo tử vi không chung sống được dài lâu, cha con đã vĩnh viễn đi xa, âu cũng là số phận! Các con phải chịu cảnh mồ côi cha. Và, trong khổ đau, mẹ tự nhận phần “lỗi” về mình!”.
Có người thương cảm bảo, thời con gái mẹ đẹp người, đẹp nết nhất làng, lại là con nhà khá giả, thỉnh thoảng được ông ngoại cho đi ngựa cùng xuống Hội An khi ông đi khám chữa bệnh cho các thân chủ.
Nhỏ nhắn, mảnh mai, lại là con gái cưng của gia đình khá giả, mẹ không quen việc ruộng đồng, cấy hái, nhưng bù lại, mẹ sáng dạ cần cù và chịu khó, đọc thông viết thạo (thời ấy ở vùng quê nghèo Điện Dương, ngay cả đàn ông cũng rất ít người biết chữ).
Nhiều thanh niên có học thức, con nhà tử tế ngỏ lời dạm hỏi, song mẹ đã phải lòng cha - một chàng trai mồ côi mẹ, hiền lành, học hành giỏi giang, bà con trong làng quý mến. Mẹ phải thay chồng làm lụng nuôi con, lặng lẽ sống không một lời than trách.
Ký ức tuổi thơ tôi hằn in dáng mẹ hao gầy, thức khuya may vá, dậy sớm tất bật chuẩn bị cho những chuyến đi xa vào tận Quảng Ngãi mua đường phổi, đường muỗng về bán, đồng thời kết hợp liên lạc với người em dâu để biết tin tức hai người em ruột: Lê Tấn Thuận, Lê Tấn Khiêm - đi bộ đội vệ quốc đoàn, tập kết ra Bắc, nghe đâu đã về lại chiến trường miền Nam năm 1959. Rồi những chuyến đi dài ngày ngược lên vùng rừng núi Tiên Phước để bán cá, ruốc khô và mua lại chè khô mang về bán ở đồng bằng. Với đôi bầu gánh trên vai gầy, mẹ tôi ngược xuôi lặn lội lên rừng, xuống biển buôn bán kiếm sống nuôi con.
Qua những chuyến đi về này, mẹ đã dò tìm ra hài cốt của cha tôi được người dân tốt bụng chôn cất ở một gò đất ven sông tại xóm nhỏ Hồng Triều (nay thuộc xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) và sau đó đưa về an táng tại quê nhà.
Trong cuộc sống khó nghèo chung thời ấy, với sự khéo léo xoay xở của mẹ, lại được gia đình cậu là Lê Tấn Nguyên (anh trai mẹ) cưu mang đùm bọc, anh em chúng tôi đều được học hành. Năm nào cũng vậy, chuẩn bị tết, mẹ bận bịu làm nhiều loại bánh mứt giúp nhà cậu. Cứ vào sáng 29 tháng Chạp mẹ đã làm xong các loại bánh in, bánh tét, bánh tổ và các loại mứt gừng, dừa, bí, cà rốt… chuyển xuống chiếc thuyền nhỏ bơi ngược sông Cổ Cò đến bến chợ Cầu giao cho nhà cậu Tấn Nguyên. Lúc đưa bánh mứt sang nhà cậu, mẹ thường dành một phần để lại ở nhà, nhờ thế mà ngày tết chúng tôi có bánh mứt đủ đầy. Không còn có cha, mẹ dồn tất cả tình thương cho con, nhưng mẹ nuôi dạy chúng tôi rất nghiêm khắc. Các anh, chị tôi dù đã lớn, nhưng làm trái điều mẹ dạy đều bị phạt đòn roi.
Năm 1964, quê tôi được giải phóng, song trước đó mẹ và anh tôi là Đinh Văn Mai đã tham gia hoạt động bí mật, nhận nhiệm vụ cách mạng giao từ các chú Văn Công Thành, Lê Sĩ Hùng… những cán bộ của tỉnh, huyện cử về nằm vùng bắt liên lạc với cơ sở kháng chiến cũ. Rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, mẹ tích cực tham gia công tác phụ nữ xã, nhà tôi trở thành trạm giao liên nối với thị xã Hội An. Anh tôi lên căn cứ theo học lớp y tá, trở về làm trưởng ban y tế xã, nhiệt tình và gan dạ, nhưng không may đã hy sinh trên đường công tác vào năm 1966, giữa những ngày quân viễn chinh Mỹ càn quét liên miên các xã vùng cát Điện Bàn. Nỗi đau chồng chết chưa nguôi, nay thêm nỗi đau mất con trai lớn dường như quá sức chịu đựng của mẹ. Thêm nữa, khi chiến tranh leo thang, bọn hội đồng lưu vong chạy vào Hội An, quận lỵ Hiếu Nhơn nay bám chân quân Mỹ - ngụy theo về trong những trận càn, nhận mặt bắt bớ nên mẹ phải lẩn tránh dưới bom rơi, đạn giặc như hầu hết thanh niên du kích không muốn rơi vào tay kẻ thù. Bằng suy nghĩ và những việc làm phục vụ cách mạng, mẹ quyết định cho tôi nghỉ học ở Trường Trần Quý Cáp - Hội An. Và mỗi lần địch càn quét phải lẩn tránh mẹ lại dẫn tôi theo cùng. Mẹ đã rèn luyện để tôi vững vàng hơn trước khi “cắt núm ruột” trao đứa con trai cuối cùng cho cách mạng vào đầu năm 1967, chỉ một tháng sau khi giọt máu duy nhất còn lại của anh tôi không thể chào đời vì một ca sinh khó. Hành trang tôi mang theo là lời mẹ dặn: “Con ra đi hữu thân hữu khổ, cố gắng để nên người”. Công ơn cha mẹ đã cho chúng con thân hình lành lặn, truyền dạy cho con ý chí, niềm tin để vượt qua gian khổ ác liệt của chiến tranh và dông bão cuộc đời.
Năm 1971, mẹ được tin tôi bị thương nặng. Âu lo, mẹ tưởng tôi đã chết. Lại thêm người con dâu hiền thục Lê Thị Kỉnh (vợ anh Mai) hy sinh trong đợt đi dân công tải gạo lên căn cứ Hòn Tàu. Quá buồn đau, hoảng loạn mẹ bị bệnh tâm thần, phải thuốc thang chữa trị và vào chùa tịnh dưỡng. Mẹ khỏi bệnh khi nhận được thư tôi gửi về. Sau Hiệp định Paris - 1973, không ngại hiểm nguy bị kẻ địch theo dõi rình rập, mẹ bí mật theo giao liên lên căn cứ, và đã gặp được con trai giữa vùng lau sậy Gò Nổi. Mừng rơi nước mắt, mẹ ôm tôi vào lòng, đêm đó mẹ ngủ cùng tôi trên chiếc võng kể chuyện làng xóm ai còn, ai mất trong những năm tôi xa cách quê nhà. Đúng như Chế Lan Viên đã viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”. |
Ở quê nhà, dù bom đạn cày xới ác liệt, mẹ vẫn kiên trung bám trụ, năng nổ tham gia công tác, nhiều lần may mắn thoát chết trong gang tấc vẫn quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời” làng xóm. Nhưng sau xuân Mậu Thân - 1968, xã bị địch cày ủi trắng, tập trung dân vào các khu dồn, mẹ rơi vào tay giặc, bị chúng đánh đập tra tấn dã man. Vẫn không khai thác được gì thêm ngoài những điều đã biết về quan hệ của mẹ với cách mạng, địch thả mẹ về sống tại Cẩm Hà. Tiếp tục liên lạc với cán bộ, du kích còn bám trụ ở quê nhà, mẹ thường xuyên cung cấp thực phẩm, thuốc tây giúp đỡ những người đồng chí, anh em và hy vọng biết đâu sẽ đến được với đứa con thân yêu của mẹ đang ở Gò Nổi hay vùng rừng núi xa xôi nào đó trên đất Quảng Đà. Năm 1971, mẹ được tin tôi bị thương nặng. Âu lo, mẹ tưởng tôi đã chết. Lại thêm người con dâu hiền thục Lê Thị Kỉnh (vợ anh Mai) hy sinh trong đợt đi dân công tải gạo lên căn cứ Hòn Tàu. Quá buồn đau, hoảng loạn mẹ bị bệnh tâm thần, phải thuốc thang chữa trị và vào chùa tịnh dưỡng. Mẹ khỏi bệnh khi nhận được thư tôi gửi về. Sau Hiệp định Paris - 1973, không ngại hiểm nguy bị kẻ địch theo dõi rình rập, mẹ bí mật theo giao liên lên căn cứ, và đã gặp được con trai giữa vùng lau sậy Gò Nổi. Mừng rơi nước mắt, mẹ ôm tôi vào lòng, đêm đó mẹ ngủ cùng tôi trên chiếc võng kể chuyện làng xóm ai còn, ai mất trong những năm tôi xa cách quê nhà. Đúng như Chế Lan Viên đã viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Sau ngày đất nước thống nhất - 1975, dù tuổi cao sức yếu, nhưng thương chiều con trai, mẹ lên Phong Thử - Điện Thọ sống cùng, để lại nhà cửa, ruộng vườn cho con gái. Khi tôi lập gia đình, mẹ ra ở Đà Nẵng, người không ngại ngần bán vé số kiếm tiền để đỡ đần cho con cháu lúc kinh tế khó khăn. Mẹ để dành miếng ăn ngon cho con, như bù lại những tháng năm con ở rừng gian khổ thiếu thốn. Ôi nước mắt chảy xuôi tình mẫu tử!
Mẹ ra đi ở tuổi 73, thế là đã 27 năm vĩnh viễn xa những đứa con và cháu còn lại, nhưng hình ảnh hiền từ, mẫu mực của mẹ không hề nhạt phai theo thời gian. Mẹ ơi, những hy sinh đóng góp của mẹ và gia đình ta cho kháng chiến dẫu âm thầm lặng lẽ, cũng đã được Nhà nước ghi nhận truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vào năm 2007. Và cùng với bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phước, vừa qua mẹ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ kính yêu ơi! Khi con ngồi viết những dòng này là lúc gia đình chuẩn bị ngày giỗ mẹ tại quê nhà. Con cháu xin được thắp nén hương lòng thành kính dâng lên hương hồn mẹ ở cõi vĩnh hằng nhân năm mẹ tròn 100 tuổi.
ĐINH VĂN MÃNH