Dù đã thành lập đội đặc nhiệm chống sa tặc nhưng lòng sông Thu Bồn vẫn luôn đặt trong tình trạng báo động sạt lở, thất thoát tài nguyên từ hệ lụy tận thu cát trái phép.
Bến bãi kinh doanh cát ở phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Ảnh: TR.HỮU |
Phạt nặng nhưng vẫn tái phạm
Sông Thu Bồn, đoạn qua xã Duy Phước (Duy Xuyên), mấy năm nay lực lượng liên ngành địa phương đã lập trạm chốt chặn, xử lý các phương tiện ghe thuyền khai thác, vận chuyển cát trái phép. Tương tự, tại thị xã Điện Bàn có 4 trạm chốt chặn ở các xã Điện Ngọc, Điện Phương, Điện Phong, Điện Tiến và hiện đang làm thủ tục mở rộng thêm ở xã Điện Thọ. Thế nhưng, trước nhu cầu quá lớn về vật liệu xây dựng thông thường tại các dự án công trình trọng điểm, lợi nhuận cao từ nghề hút cát, các đối tượng đã bất chấp, lén lút “rút ruột” lòng sông. Chỉ cần bí mật truy quét là lực lượng chức năng có thể bắt quả tang sa tặc bất cứ lúc nào. Nhiều đối tượng đã bị UBND thị xã Điện Bàn xử phạt hành chính về hành vi khai thác cát trái phép. Điển hình, ông Thân Dũng (SN 1973, khối Bằng An Đông, phường Điện An) bị xử phạt 40 triệu đồng do đã khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường mà không có giấy phép với khối lượng lên đến 18m3. Tương tự, ông Tăng Văn Cư (SN 1971, thôn Triêm Đông 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) bị xử phạt 40 triệu đồng. Điều đáng nói, trước đó UBND thị xã Điện Bàn cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với ông Tăng Văn Cư do khai thác trái phép với khối lượng 8,4m3, có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Theo thống kê của UBND thị xã Điện Bàn, trên địa bàn hiện có 128 phương tiện được đăng kiểm, 21 bến bãi tập kết cát dọc sông, thành lập trạm kiểm soát đường sông ở một số xã để kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát. Năm 2015, riêng tổ chốt chặn xã Điện Phong tạm giữ và xử phạt vi phạm hành chính 33 trường hợp khai thác cát trái phép, với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng địa phương xử phạt ít nhất 8 trường hợp với số tiền hơn 240 triệu đồng. Dù là khu vực không đảm bảo điều kiện để quy hoạch thăm dò, khai thác như nằm trong luồng tàu chạy, sát bờ sông, hành lang an toàn cầu, nơi gần với đất sản xuất của nhân dân,… hạ du sông Thu Bồn qua địa phận thị xã Điện Bàn lâu nay vẫn là “điểm nóng” của tình trạng khai thác cát trái phép. Phần lớn các đầu nậu, đại lý cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn đều mua lại cát từ các tàu thuyền khai thác trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo tiết lộ của một chủ công trình xây dựng, một số dự án, công trình mua cát trôi nổi trên thị trường vì giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp hơn mua ở nơi có nguồn gốc xuất xứ.
Kiểm soát tài nguyên
Hiện nay, tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501, Công ty CP An Thịnh, Công ty CP Xây dựng và vật liệu Phước Lợi, Công ty TNHH Đại Việt và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Gia Lộc. Tuy nhiên, có một thời gian các doanh nghiệp đều không cắm mốc thực địa khai thác, tận thu vượt độ sâu, công suất cho phép. Ông Phạm Ngọc Anh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Điện Bàn cho rằng, để siết chặt quản lý đơn vị đã yêu cầu các doanh ngiệp được cấp phép phải khai thác đúng thời gian quy định, đúng số lượng ghe thuyền cho phép; sử dụng phương tiện đường thủy nội địa có đăng ký, đăng kiểm và có chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện vận tải đường thủy nội địa; hoạt động khai thác phải có giám đốc điều hành mỏ.
Về “công trường cát” nhộn nhịp bất thường ở các bến bãi kinh doanh mua bán đi qua xã Điện Minh, theo lý giải của Phòng Tài nguyên và môi trường Điện Bàn, các bến bãi này đã ký kết hợp đồng mua bán cát lòng sông với 5 công ty được cấp thẩm quyền cho phép khai thác lòng sông tại 7 khu vực mỏ trên địa bàn để cung ứng cho thị trường. Năm 2016, do đập ngăn mặn thời vụ cho sản xuất nông nghiệp tại đoạn sông Tứ Câu được triển khai thi công sớm; vì vậy việc vận chuyển cát bằng phương tiện giao thông đường thủy ra Đà Nẵng không lưu thông được nên phải vận chuyển bằng đường bộ. Cạnh đó, nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ tăng cao. Do đó, khối lượng cát mua của các công ty được cấp phép về tập kết tại các bến bãi này nhiều hơn so với lúc bình thường.
Hai năm trở lại đây, nhiều chủ phương tiện khai thác cát lậu tái phạm nhiều lần nhưng chỉ mới dừng lại ở mức xử lý hành chính. Điều này chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Trong khi đó, vướng mắc trong quản lý tài nguyên khoáng sản là đến nay chưa lập quy hoạch các bến bãi tập kết cát sỏi bài bản và chưa xây dựng khu vực tạm giữ phương tiện đường thủy để phục vụ công tác xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trái phép. Sở NN&PTNT đang tập trung khảo sát mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát lòng sông đến tình trạng chuyển đổi dòng chảy, sạt lở, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến các công trình khác. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đề xuất, phía hạ du sông Thu Bồn từ thôn Vân Ly (xã Điện Quang) về phía TP.Hội An phải cấm tuyệt đối khai thác, không cho đơn vị cá nhân nào tổ chức thăm dò vì thực tế 10 năm nay lũ lụt không đủ lớn để đưa phù sa về. Phía thượng nguồn cần thiết phải quy hoạch mỏ nhưng cơ quan chức năng phải đánh giá lại trữ lượng. “Cát ở lòng sông thì không thể múc lên rồi đem phục vụ cho việc san nền đường ở các dự án giao thông trọng điểm, vì như thế rất lãng phí. Cho nên cần thiết xem xét lại mục đích sử dụng cát cho hiệu quả” - ông Úc nói.
TRẦN HỮU