Lòng tin là vấn đề liên quan đến tâm lý, tâm trạng con người và xã hội. Thời xa xưa đã đặt ra chuyện đó và đến bây giờ con người vẫn còn băn khoăn, lý giải, tìm kiếm. Thời nào càng hỗn mang, hỗn độn, lẫn lộn thật/giả, xấu/tốt, thì càng khó có lòng tin vì khó tìm bằng chứng. Và rằng, nếu dẫn lời Đức Chúa Trời, thì đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.
Tuy thế, ta hy vọng vào một nền kinh tế xanh - sạch nhưng cơ sở để bảo đảm và bằng chứng để có lòng tin thì chưa thuyết phục được người tiêu dùng. Ví như nước Việt sản xuất lúa gạo để cung cấp cho nhiều nước trên thế giới (đứng thứ nhì về xuất khẩu) nhưng hạt gạo của ta vẫn bị nghi ngờ về chất lượng, nhất là chuyện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Gần đây, chuyện thịt bẩn, rau bẩn cũng bị phanh phui khá nhiều. Nhân Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam vừa được công bố, báo chí cũng rộ lên những bàn luận chung quanh quy định phạt tù rất nặng với người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Dịp này, những khuyến cáo về sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm sạch cũng đưa ra các mô hình trình diễn khá hấp dẫn. Tuy nhiên, vì sống trong môi trường bị vẩn đục, lẫn lộn tốt xấu, không dễ gì tạo lập lòng tin chỉ với một ít mô hình. Nhật ký xã hội của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có những ghi chú đáng lưu ý: “Một thói quen của lớp người già chúng tôi là hay so cuộc sống hôm nay với cuộc sống của cái thời gọi là bao cấp. Ví dụ hồi trước không có hàng, nay cái gì cũng sẵn. Nhưng ngay lập tức lại có một sự so sánh khác. Xưa, mua được cái gì thì mừng; còn hôm nay mua xong vẫn chưa hết lo, không biết chất lượng hàng mua ra sao, và mình có mua hớ, mua phải thứ giá đắt”.
Điều đáng lo ngại là tâm lý xã hội xuất hiện trạng thái nghi ngờ chất lượng nhiều thứ, không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng. Cũng theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, có một số điều lo lắng như: 1/ Cầm trên tay thứ hoa quả mua được, vừa ăn vừa sợ: liệu bà con mình có quá tay trong cái việc sử dụng thuốc trừ sâu, đến mức ăn vào đến mai đau bụng và lâu dài tích thêm một thứ bệnh vào người? 2/ Sau khi khám bệnh, căng mắt nhìn cái đơn thuốc bác sĩ vừa kê, không biết có phải thuốc bắt buộc phải mua cho khỏi bệnh, hay chỉ là bác sĩ kê vào để vui lòng dân bán thuốc, còn bản thân mình thì sẽ bại hoại vì dốc hết nửa tháng lương mới mua nổi? Và liệu có thứ thuốc nào đã quá hạn mà vẫn mang bán, thứ nào đã bị cấm nhưng cả người bán thuốc lẫn người kê đơn không biết? 3/ Nhìn vào bảng điểm con cái đi học về, thấy toàn điểm tốt, chỉ mừng được một lúc lại lo ngay được: nhiều trường các thầy các cô cho như vậy cốt là để bảo đảm tỷ lệ thi đua của trường còn thực ra con mình dốt vẫn hoàn dốt, liệu mình có rơi vào trường hợp đó hay không?v.v.
Những điều lo lắng nêu trên dẫn đến khả năng lòng tin bị lung lay. Thậm chí, một mặt nào đó khiến ta hoang mang khi đặt những câu hỏi tiếp theo. Vì sao mỗi năm Việt Nam nhập hàng trăm nghìn tấn thuốc và hóa chất để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong khi kêu gọi người trồng trọt nên dùng hữu cơ, sản xuất sạch hơn? Tại sao người ta bất chấp tất cả để thu lợi nhuận trong khi tàn phá môi trường ngày một dữ dội hơn, để rồi lãnh hậu quả đến sức khỏe, tính mạng? Vì sao người ta chỉ lo dạy con trẻ cách kiếm tiền mà thiếu quan tâm về đạo đức, hướng đạo về trách nhiệm xã hội của công dân? Nhiều câu hỏi như vậy đặt ra bao suy ngẫm về giá trị đời sống, từ kinh tế, văn hóa, đạo đức... khi lòng tin thay bằng nỗi ngờ vực quá nhiều. Cũng vì thế, có người cảm thán: “Nước quá trong thì không có cá. Người tốt quá thì không ai chơi”.
Thời nay, muốn làm người tốt, việc tốt và để người ta tin là không dễ. Nhưng nếu chấp nhận để điều bình thường trở thành bất thường và ngược lại, thì đời sống còn ý nghĩa gì. Tuy vậy, lòng tin để xây dựng một đời sống, xã hội tốt đẹp không thể có khi dừng ở ý định, ý tưởng hay mà cần chuỗi hành động và chỉ có được sau một quá trình. Có thể, cần bắt đầu hành động như những nhân vật khởi nghiệp trong “Cuộc phiêu lưu của hạt giống” phát trên VTV gần đây, với cách xây đắp lòng tin được gieo trồng cho nền sản xuất sạch, môi trường sạch.
Một suy tư còn giá trị: “Bạn có thể bị lừa dối nếu bạn tin tưởng quá nhiều, nhưng bạn không thể tồn tại nếu bạn không có lòng tin” (Frank Crane).
NGUYỄN ĐIỆN NAM