1. Bà Nguyễn Thị Năm (quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) gần như không còn đủ sức để đứng. Suốt hai ngày liên tục đi trên chiếc xe máy cũ từ Đồng Nai về quê, bà cùng con gái và cháu ngoại chỉ mới đến được chốt kiểm soát phòng chống dịch Dốc Sỏi (xã Tam Nghĩa, Núi Thành).
Đứa cháu mới 5 tuổi, ngồi co ro trong manh áo mưa tiện lợi, dép đã rơi mất, những ngón chân quắp lại vì lạnh. Sau xe, chỉ có túi đồ cũ và lỉnh kỉnh sữa, thức ăn mà dọc đường họ được người dân tặng mang theo.
Tháng 6.2021, bà Năm cùng con gái và cháu vào Đồng Nai, làm nghề bán vé số. Được hai tuần, dịch Covid-19 bùng phát, họ ở luôn trong phòng trọ, sống nhờ những bữa cơm từ thiện. Không thu nhập, cả gia đình trải qua gần 4 tháng trời sống lay lắt, rồi quyết định về quê bằng xe máy khi tỉnh này đồng ý mở cửa cho người dân rời địa bàn.
“Không thể ở lại được nữa. Chả biết bao giờ có thể bán vé số lại, giờ hãy còn tiền nhà trọ suốt mấy tháng trời không trả được, nên phải về thôi. Con gái nó chạy suốt, mệt thì tìm chỗ hiên nhà nào vắng người ngồi nghỉ tạm, rồi lại đi” - bà Năm kể.
Tôi đi vào chốt, tìm hai chiếc ghế cho bà cháu ngồi tạm, trong lúc chờ con gái bà làm thủ tục khai báo y tế tại chốt kiểm soát. Mắt hai bà cháu đỏ hoe. Hai ngày liên tục, họ đã đi trong mưa, gần 900 cây số.
...trong cuộc thiên di đầy biến động và buồn của dòng người hồi hương, vẫn lấp lánh nhiều điều tử tế. Tử tế bằng tấm lòng, bằng sự sẻ chia, và cả sự hy sinh lặng thầm của những người nơi tuyến đầu.
Đã có thời điểm số người về từ các tỉnh phía Nam bằng xe máy qua hai chốt kiểm soát Dốc Sỏi và chân đèo Lò Xo (huyện Phước Sơn) lên gần 8.000 người mỗi ngày. Hầu hết là những phận nghèo ly hương.
Tôi gặp Hà Bá Lông (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cùng đoàn người H’mông đứng ngơ ngác ở vệ đường Hồ Chí Minh, khi chiếc xe của một thành viên trong đoàn bị tai nạn. Mười bốn người, chỉ có Lông bập bẹ được vài câu tiếng Kinh.
Thật khó tin họ đã đi từ Bình Phước về đến Phước Sơn, bằng những chiếc xe máy không còn gì để cũ, suốt hai ngày một đêm, không ngủ. Trong đoàn, có hai người phụ nữ đang mang thai, và một em nhỏ vừa hơn một tháng tuổi, chưa kịp được đặt tên… May mắn, đoàn của Hà Bá Lông được một nhà hảo tâm trên địa bàn Phước Sơn tặng luôn chiếc xe máy tốt để người bị nạn tiếp tục lên đường.
2. Chốt kiểm soát trở thành trạm dừng chân cho đoàn người hồi hương dằng dặc. Rất nhanh, thực phẩm, nước uống, có cả một ít thuốc, dầu gió… được mang đến đặt sẵn. Những “cửa hàng 0 đồng” chưa bao giờ vơi hàng hóa.
Những tiệm tạp hóa của tình thương. Cán bộ trực chốt Dốc Sỏi đến hỏi, bà Năm chỉ xin vài hộp sữa cho cháu gái, từ chối nhận đồ ăn vì đã được người dân cho bánh trái mang theo dọc đường trước đó.
“Đi về, tôi mới biết lòng tốt có ở muôn nơi. Chỗ nào cũng có người giúp. Nếu không có những người tốt đã tặng đồ ăn nước uống, tặng tiền cho chúng tôi đi đường, thật không biết sẽ còn cực khổ đến mức nào nữa” - bà Năm xúc động nói.
Tôi gặp chị Lương Thúy Hà, một chủ khách sạn ở TP.Hội An tại chốt kiểm soát Dốc Sỏi. Hai ngày liên tục, chị Hà từ Hội An đến chốt, gặp từng người hồi hương, tặng tiền cho bà con đi đường.
Trước đó, từ cuộc trao đổi nhanh trên mạng xã hội, chị và những người bạn tại TP.Hội An nhanh chóng lập một quỹ vận động và tìm đến để hỗ trợ cho người hồi hương. Chị kể, đọc tin tức trên báo, trên mạng xã hội về những người lao động từ phía Nam về quê bằng xe máy, tất cả đều muốn làm một điều gì đó giúp đỡ.
“Mọi người chuyển tiền đến, và mình liên lạc với chốt kiểm soát để đề nghị hỗ trợ bà con. Đồ ăn, thức uống ở chốt được nhiều nhà hảo tâm mua để sẵn, nên nhóm mình quyết định sẽ hỗ trợ tiền cho từng gia đình. Có đến tận nơi, gặp và nghe họ kể, mới biết còn nhiều người khó khăn lắm, khó khăn hơn mình tưởng tượng. Quá nhiều người khổ” - chị Hà tâm sự.
Và, không hẹn mà gặp, rất nhiều người tìm đến với bà con hồi hương, bằng vật chất lẫn tinh thần. Không khó để bắt gặp những dòng tin nhắn kêu gọi sửa xe máy, giúp chỗ nghỉ, tặng xăng xe, kêu gọi xe chở người về quê… từ mạng xã hội trở thành hành động ngoài đời thực. Rất nhiều những điều tử tế. Và người tử tế.
3. Suốt gần một tháng ròng, Thiếu tá N.H.V., chốt trưởng chốt kiểm soát đèo Lò Xo cùng đồng đội trực chiến tại chốt, vừa làm nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa hỗ trợ người dân về quê từ các tỉnh phía Nam. Chốt kiểm soát dựng dưới chân đèo ấy đón hơn 2.000 người đi bằng xe máy về quê mỗi ngày, có thời điểm con số tăng đột biến lên đến 5.000.
Và rủi ro đã đến. Chiều 9.10, Thiếu tá N.H.V. có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Anh được đưa đi điều trị tại Phòng khám Đa khoa Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) ngay trong chiều.
Tôi gọi điện cho Thiếu tá N.H.V., khi anh vừa được lấy xong mẫu máu. “Ngày nào chúng tôi cũng được test nhanh và định kỳ 3 ngày một lần test PCR theo quy trình. Và rồi tôi biết tin mình bị nhiễm Covid-19.
Làm nhiệm vụ, phải chấp nhận những rủi ro. Cuộc chiến nào cũng phải có hy sinh, nếu ai cũng sợ, ai sẽ là người làm việc đó. Một phần vì nhiệm vụ, một phần nữa là vì bà con về quê, đến chốt trong cảnh rét, đói, rất thương.
Giờ thì đã nhiễm rồi, nhưng nếu điều trị khỏi, cộng với việc đã tiêm vắc xin, tôi nghĩ kháng thể mình sẽ mạnh hơn, chẳng còn gì để sợ nữa. Nếu rời bệnh viện, được tiếp tục điều động, tôi sẽ lại lên chốt” - Thiếu tá N.H.V. nói qua điện thoại.
Có ai ngờ chiếc xe máy cũ kỹ, tài sản duy nhất sau bao năm mưu sinh nơi xứ người, bỗng trở thành “nền tảng” cho một chuyến trở về bất đắc dĩ. Song, trong cuộc thiên di đầy biến động và buồn của dòng người hồi hương, vẫn lấp lánh nhiều điều tử tế.
Tử tế bằng tấm lòng, bằng sự sẻ chia, và cả sự hy sinh lặng thầm của những người nơi tuyến đầu. Tử tế từ những bữa ăn, từ chỗ nghỉ tạm, từ những giúp sức dọc đường.
Đoàn cảnh sát giao thông, tình nguyện viên dầm mưa, đưa từng xe máy qua nước lũ trong đêm ở Nam Giang. Thợ sửa xe máy gọi nhau đến giúp thay dầu nhớt, sửa chữa xe, các bạn trẻ túc trực suốt ngày đêm nơi chốt kiểm soát để hỗ trợ…
Ba người, trong đoàn người thiên di dằng dặc ấy đã không may nằm lại bên đường tại Quảng Nam, sau tai nạn. Đại dịch mang đến quá nhiều mất mát, nhưng cũng chính từ trong cơn khốn cùng đại dịch, mới thấy hết ý nghĩa của hai tiếng “đồng bào”.
Họ không hề biết tuổi tên nhau sau lần gặp gỡ, nhưng đã trao nhau sự tử tế như một thứ sức mạnh để băng qua mưa ngàn thác lũ, qua chặng đường thiên lý gian nan, vượt qua những giới hạn của sức người.
Lòng tốt có ở muôn nơi. Sự tử tế không bao giờ mất, dẫu phải hiện hữu trong một cuộc hồi hương lịch sử thấm đẫm những nỗi buồn…