Lòng vui, khi đón các anh về...

ALĂNG NGƯỚC 19/07/2022 06:39

Miệt mài theo hành trình ngược núi, đến khi di vật lần lượt được xác định và tìm thấy, các thành viên trong đoàn khảo sát, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ huyện Tây Giang mới lóe lên niềm hy vọng. Nhưng, ẩn sâu trong từng đôi mắt, lại chất chứa bao nỗi niềm về thông tin các phần mộ liệt sĩ chưa đủ đầy, khiến họ trở thành khuyết danh.

Thành viên đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ huyện Tây Giang thắp hương trước các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy vào tháng 6.2022. Ảnh: B.X
Thành viên đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ huyện Tây Giang thắp hương trước các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy vào tháng 6.2022. Ảnh: B.X

Đại úy Cơlâu Ngọt - Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang nói với tôi, sau mỗi nguồn tin từ nhân dân về phần mộ liệt sĩ nào đó, ngay lập tức đơn vị xây dựng kế hoạch, xin chủ trương triển khai tìm kiếm.

Anh em đi từ năm này sang năm khác, với niềm tin là sớm tìm thấy những phần mộ liệt sĩ đang còn nằm sâu dưới lòng đất, để kịp đón các anh về an táng trước dịp 27.7 hằng năm.

Xuyên núi tìm mộ liệt sĩ

Hơn 5 năm tham gia đội tìm kiếm, Đại úy Cơlâu Ngọt nói, chưa có chuyến đi nào anh vắng mặt. Bất kể ngày nắng hay mưa, hễ có lệnh là anh em tức tốc lên đường. Do yêu cầu công việc nên nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thường diễn ra vào mùa khô, nhằm phát huy hiệu quả cuộc khảo sát, khai quật, cũng như đảm bảo an toàn cho người tìm kiếm.

Theo số liệu của Ban CHQS huyện Tây Giang cung cấp, đến nay, tổng số liệt sĩ được chôn cất trên địa bàn huyện là 231 hài cốt; trong đó có 67 hài cốt liệt sĩ của địa phương và 164 hài cốt liệt sĩ của đơn vị khác. Hiện vẫn còn khoảng 162 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập.

Nhưng ở miền núi, mùa nắng thường có mưa dông. Vì thế, mỗi chuyến đi lại càng thêm vất vả. Quyết tâm với “lời hứa của lòng mình”, anh em cán bộ chiến sĩ không quản ngại gian khó, đều đặn theo cuộc hành trình xuyên núi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Bởi trong thâm tâm mỗi người, công việc đó vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân đối với các anh hùng đã ngã xuống.

“Chuyến đi có khi kéo dài trong vài ngày hoặc cả tuần lễ. Nếu vị trí mộ liệt sĩ được xác định gần thì có thể về trong ngày, còn xa hoặc nằm trong rừng sâu, vị thế hiểm trở là phải ở lại. Ai cũng dốc hết sức lực để công việc được hoàn thành một cách sớm nhất, hiệu quả nhất” - Đại úy Cơlâu Ngọt chia sẻ.

Địa bàn miền núi hiểm trở, khó khăn trong công tác tìm kiếm là điều dễ hiểu. Chưa kể, nhiều nguồn tin sau khi được tiếp nhận, đến lúc trao đổi thêm với các nhân chứng, vị trí chôn hài cốt liệt sĩ trở nên rời rạc trong trí nhớ của các cựu chiến binh cao tuổi.

“Không bỏ cuộc!” - là câu nói như sự động viên lẫn nhau của các chiến sĩ và thành viên đội tìm kiếm. Minh chứng cho điều này, là trong suốt nhiều năm nay, kế hoạch liên tiếp được xây dựng và mở rộng địa bàn khảo sát, bước đầu cho kết quả khi lần lượt hài cốt liệt sĩ được tìm thấy.

Và đó cũng là động lực để các chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang tiếp tục làm tròn trách nhiệm sớm quy tập hài cốt liệt sĩ trở về an nghỉ cùng đồng đội ở nghĩa trang của huyện.

Các chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang cẩn thận bóc tách hài cốt liệt sĩ và di vật từ bùn đất trong một đợt tìm kiếm. Ảnh: B.X
Các chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang cẩn thận bóc tách hài cốt liệt sĩ và di vật từ bùn đất trong một đợt tìm kiếm. Ảnh: B.X

Tri ân

Trung tá Bríu Xia - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang kể, năm 2017, từ nguồn thông tin của các cựu chiến binh Đỗ Lan và Huỳnh Tấn Phú - nguyên chiến sĩ Đại đội 14, Trung đoàn 141, Sư 3 - những người trực tiếp chôn cất 17 liệt sĩ hy sinh tại Tây Giang vào tháng 4.1968, đơn vị đã phối hợp triển khai tìm kiếm, do Đại tá Nguyễn Hữu Thức - lúc đó là Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn.

Qua khảo sát thực địa và lời kể của các nhân chứng, vị trí cuối cùng được xác định chôn cất hài cốt các liệt sĩ là tại núi Crêệ (địa phận thôn Cr’toonh, xã A Vương). Tuy nhiên, qua tìm kiếm, chỉ phát hiện được 1 hài cốt; các năm sau đó, đơn vị vẫn tổ chức tìm kiếm khu vực xung quanh nhưng không phát hiện được thêm hài cốt liệt sĩ nào.

Mở rộng địa bàn tìm kiếm theo sơ đồ của các cựu chiến binh cung cấp, tháng 4.2022, đơn vị lập kế hoạch khảo sát và tổ chức đợt tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tại các xã A Vương, Bhalêê và A Nông.

Quá trình tìm kiếm kéo dài trong nhiều ngày, với 6 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, cách nhau 1 - 5m tại khu vực núi Crêệ. Chính quyền địa phương tổ chức lễ truy điệu và an táng các hài cốt liệt sĩ tại Đền thờ A Xoò (xã A Nông), chờ nghĩa trang của huyện hoàn thành sẽ tổ chức quy tập các phần mộ liệt sĩ về an nghỉ cùng đồng đội.

Trung tá Bríu Xia cho hay, tại các phần mộ chôn cất hài cốt liệt sĩ, đội tìm kiếm phát hiện thêm các di vật gồm: tấm tăng, võng, dây dù, thắt lưng, lược chải tóc… Nhiều di vật không còn nguyên vẹn và có dấu hiệu bị ô xy hóa.

Vì thế, quá trình tìm kiếm, các chiến sĩ hết sức cẩn thận, nhẹ tay bốc từng hài cốt nhằm tránh gây trộn lẫn giữa phần xương và các di vật, đảm bảo cho hài cốt liệt sĩ được nguyên vẹn nhất.

“Cứ mỗi hài cốt được tìm thấy, anh em đều có chung nghẹn ngào cảm xúc. Sự kỳ vọng cứ thế tiếp nối, bởi ai cũng cầu mong tìm được thêm các hài cốt liệt sĩ còn nằm dưới lòng đất, để sớm đón các anh trở về” - Trung tá Bríu Xia nhớ lại.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lòng vui, khi đón các anh về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO