(Xuân Đinh Dậu) - Xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút thêm nguồn lực xã hội vào sự nghiệp trồng người. Khi lớp học khang trang được đưa vào sử dụng, nhiều học sinh ví von, đó là những chỗ ngồi... nở hoa.
LÀ thôi không còn chỗ ngồi học tạm bợ, chạy mưa chạy nắng cho các bạn cấp 2. Là lớp học mắc thêm vài cái rèm dịu dàng, ngắt bớt ánh nắng gắt mùa hè miền Trung dọi vào chỗ ngồi cho các bạn cấp 1. Là có thêm cái ti vi để cô trò trường mẫu giáo cùng tập nhảy tập hát. Là thêm nhiều dụng cụ cho các buổi thực hành môn lý, môn hóa, môn sinh của các bạn cấp 3 sinh động hơn…
Chào mừng năm học mới. Ảnh: THẢO NHI |
Điểm sáng Điện Bàn
Thầy giáo Thiều Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Lý (thôn Na Kham, Điện Quang, Điện Bàn) không giấu được xúc động khi chứng kiến lễ nghiệm thu dãy phòng học mới của trường trong buổi chiều 21.12 sau gần 6 tháng thi công xây dựng. Ước mơ về một cơ ngơi dạy học khang trang cho gần 300 em học sinh trên địa bàn xã giờ đã thành hiện thực. “Chúng tôi vui lắm. Bây giờ thì học sinh đã có chỗ để sinh hoạt ngoại khóa. Các tiết học thể dục cũng không còn phải lo sợ trời mưa nắng nữa vì đã có phòng đa năng”, thầy Đức chia sẻ. Với diện tích sàn gần 750m2, gồm hai tầng và 7 phòng (2 phòng học, 3 phòng chuyên, 1 phòng truyền thống và 1 phòng đa năng), dãy phòng mới hoàn thành đã nâng tổng số phòng học của trường Tiểu học Trần Thị Lý lên 17 phòng. Có được kết quả này chính nhờ sự hỗ trợ của các nguồn lực xã hội, cụ thể là sự ủng hộ kinh phí từ VietinBank. Theo đó, trong tổng số 3,65 tỷ đồng xây dựng trường, VietinBank đã đóng góp 2 tỷ đồng, số tiền còn lại được trích từ ngân sách thị xã.
Cũng từ nguồn hỗ trợ của VietinBank, tháng 11 vừa qua Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng (khối phố Hà My Trung, Điện Dương) đã được khởi công xây dựng với thiết kế 2 tầng, 10 phòng học, tổng kinh phí khoảng 4,95 tỷ đồng, riêng VietinBank hỗ trợ 3,5 tỷ đồng. Ông Đinh Hùng Liên – Chủ tịch UBND phường Điện Dương nhìn nhận, ngôi trường hoàn thành sẽ góp phần giải quyết được vấn đề bức thiết nhất hiện nay là sự quá tải lớp học do dân số cơ học tăng nhanh. “Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp thì việc huy động xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng giáo dục là rất quan trọng, nhất là với các phường vùng đông như Điện Dương do số người cư trú lao động từ các nơi đến đông nên áp lực về trường lớp rất cấp thiết” - ông Liên nhìn nhận.
Ngoài 2 trường tiểu học này, một dự án khác cũng trong quá trình phê duyệt thiết kế là Trường THCS Lê Văn Tám (Điện Tiến) do Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam hỗ trợ 3,5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn, kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa dành cho giáo dục những năm qua khá quan trọng, qua đó góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống trường học đạt chuẩn trên địa bàn thị xã. “Ngoài 8,5 tỷ đồng của doanh nghiệp ủng hộ cho 3 dự án trên, mỗi năm còn có hàng tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn xã hội hóa khác nhau dành cho các trường như làm tường rào, cổng ngõ, mua sắm trang bị thiết bị trường học… khó thể thống kê hết được” - ông Ngọc nói.
Huy động tổng lực
Quảng Nam dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số trường đạt chuẩn quốc gia Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây (2010 - 2015), bên cạnh nguồn ngân sách 940 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác xây dựng trường chuẩn cả tỉnh đã lên tới 240 tỷ đồng. Nhờ đó, Quảng Nam hiện là tỉnh dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên về xây dựng trường chuẩn quốc gia với tổng số 453 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 57,2%. |
Trong tổng nguồn vốn khoảng 250 tỷ đồng đầu tư xây mới và nâng cấp cơ sở vật chất trường học… trên địa bàn thị xã Điện Bàn từ năm 2010 đến nay, số tiền huy động từ xã hội hóa đã gần 35 tỷ đồng. Có thể kể đến một số công trình được đầu tư xây dựng chủ yếu từ tiền hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp như Trường Mẫu giáo Điện Hồng (Trường Lê Công Anh Đức) kinh phí 6,2 tỷ đồng; Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống, Điện Thắng Trung (2 tỷ đồng); Trường Mẫu giáo Phan Triêm, Điện Quang (2,2 tỷ đồng); Trường Mẫu giáo Điện Tiến (1,5 tỷ đồng)….
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, đề án phát triển giáo dục thị xã hiện nay và những năm đến đã xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường học trên địa bàn thị xã theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn thì việc huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa rất quan trọng. “Trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học chủ yếu là ngân sách sự nghiệp giáo dục, nên bên cạnh lồng ghép nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, thị xã đã xác định việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là quan trọng. Từ đó triển khai các giải pháp huy động nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học hoàn thiện trong những năm tới” - ông Hà cho biết.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh nhà luôn đón nhận sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương và toàn xã hội. Thành quả đạt được cho đến hôm nay của sự nghiệp GD-ĐT đất Quảng có sự đóng góp to lớn của người dân, các bậc phụ huynh và toàn xã hội, giúp cho ngành nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, môi trường sư phạm ngày càng khang trang, nhất là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
VĨNH LỘC - XUÂN PHÚ