Lớp học của người khiếm thị

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 04/08/2019 17:06

Có một lớp học khá đặc biệt, bởi 12 học viên đều là người khiếm thị. Họ đến lớp học với mong muốn được học chữ nổi braille và kỹ năng tự đi bằng chính đôi chân mình.

Trên bảng chữ nổi, các học viên khiếm thị mày mò dò từng con chữ. Những phép tính, hay những bài thơ, bài văn được người khiếm thị tiếp thu bắt đầu từ đó. Thầy giáo đứng lớp ở đây cũng khá đặc biệt, ông là Trần Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thăng Bình cũng đồng cảnh ngộ. Từ khi tham gia giảng dạy lớp, ông Trần Thanh Hùng đã cố gắng truyền đạt kiến thức cho học viên bằng tâm huyết của mình. Theo ông Trần Thanh Hùng, trước đây, người mù bị mù mắt hiếm có cơ hội học chữ. Còn bây giờ, từ sự hỗ trợ của cộng đồng, người mù có cơ hội học chữ, học nghề để hòa nhập. Tuy nhiên, việc dạy học cho người mù khá khó khăn. Bởi không thể nói một lần, đọc một lượt thì người khiếm thị hiểu, mà phải thực hiện nhiều lần. “Bản thân tôi cũng là người khiếm thị, do vậy phải cố gắng truyền đạt cho học viên hiểu để họ nhanh chóng tiếp thu chữ nổi. Ngày xưa, người mù thường bị thiệt thòi. Còn bây giờ, hội viên người mù đã có thể học chữ dễ dàng hơn” - ông Hùng nói thêm.

Không chỉ được học chữ nổi, 12 học viên còn được học kỹ năng phục hồi định hướng di chuyển. Theo bà Phạm Thị Lê - chuyên viên Hội Người mù tỉnh, giáo viên lớp học, đối với những người mù, trước kia muốn đi ra đường phải cùng đi với người sáng nhưng đôi lúc không có người sáng, họ phải tự đi theo quán tính của mình và phải dùng gậy. Tuy nhiên đi theo quán tính rất dễ xảy ra tai nạn. Do vậy, việc dạy cho người mù kỹ năng phục hồi định hướng di chuyển là điều cần thiết để người mù đi an toàn, không gây tai nạn. Bà Phạm Thị Lê chia sẻ: “Theo phương pháp định hướng, người mù cầm gậy cách đầu gậy 20cm. Khi đi phải đi vào lề phải, nếu bước chân phải trước thì đầu gậy đưa về phía trái và ngược lại. Đối với những tuyến đường nông thôn lồi lõm, người mù phải dùng đến gậy hỗ trợ. Lúc đó, người mù phải đứng thẳng, song song với mặt đất và đưa đầu gậy quét về phía trước để nhận dạng mặt đường như thế nào rồi mới bước đi. Chúng tôi dạy cho người khiếm thị biết được những kỹ năng như vậy để ra đường an toàn hơn và không phải phụ thuộc nhiều vào người sáng”.

Lớp học nghề chữ nổi do Hội Người mù huyện Thăng Bình tổ chức khai giảng vào tháng 5.2019. Lớp có 12 học viên là người khiếm thị ở các xã, thị trấn tham gia. Trong vòng 3 tháng, người khiếm thị được làm quen với chữ nổi; phổ biến kiến thức chữ Braille; ôn tập Tiếng Việt; tập huấn về công tác hội năm 2019; luyện Tiếng Việt, đọc nhanh và viết nhanh; phổ biến chữ Braille và ôn tập kiểm tra cuối khóa. Toàn bộ kinh phí do Hội Từ thiện Vietnamese Professional Association tại California, Hoa Kỳ tài trợ khoảng 40 triệu đồng. Bạn Nguyễn Minh Tuấn (xã Bình Trị) cho hay, ấn tượng nhất khi tham gia lớp học này là được học kỹ năng phục hồi định hướng di chuyển. Bởi lâu nay, Tuấn vẫn đi theo quán tính, chưa từng dùng đến kỹ năng. Do đó, từ sau lớp học nghề này, Tuấn có thể tự đi bằng đôi chân của chính mình, mà không phải dựa vào người sáng dẫn đường.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lớp học của người khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO