Đội ngũ giáo viên là các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Minh, cán bộ Hội LHPN xã Bình Minh (Thăng Bình) dù không có chuyên môn về sư phạm, nhưng bằng tâm huyết và sự đầu tư nghiên cứu đã tạo dựng được lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật tại địa phương.
Cô giáo đang dạy cho trẻ khuyết tật là cán bộ Hội LHPN xã Bình Minh. Ảnh: BIÊN TÂN |
Lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật tại xã Bình Minh học vào các thứ Ba, thứ Năm, thứ Sáu trong tuần. Hôm nào rảnh, các em được ba mẹ đưa đến Đồn Biên phòng Bình Minh để học. Ngược lại hôm nào ba mẹ các em bận, các chiến sĩ Đồn Biên phòng hoặc các chị trong Hội LHPN xã thay nhau đưa các em đến lớp. Chính vì sự nhiệt tình nên việc học của các em ngày càng tiến bộ. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng giảng dạy, các em đã học thuộc bảng chữ cái, đếm số từ 1 đến 10. Điều này làm ấm lòng các bậc phụ huynh. Ông Nguyễn Quang Điểu (tổ 3, thôn Hà Bình) cho biết: "Con tôi bị bệnh bại não từ lúc mới sinh ra. Gần 28 tuổi nhưng chưa bao giờ được đến trường. Vì vậy khi nghe có lớp học tình thương do Hội LHPN xã phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Minh, tôi phấn khởi cho con theo học. Qua thời gian học ở đây, tôi thấy con trai trở nên ngoan và lễ phép. Về nhà con biết hát những bài hát thiếu nhi, tâm trạng con tôi vui vẻ hơn, không bực bội như lúc ở nhà".
Bình Minh là một trong 4 xã biển của huyện Thăng Bình, người dân chủ yếu sống bằng nghề biển, đời sống còn nhiều khó khăn. Một số gia đình có con em khuyết tật do khó khăn kinh tế nên chăm lo cho các em - đặc biệt là việc học, còn hạn chế. Có những em được ba mẹ cho đến trường, nhưng vì không tiếp thu được kiến thức, không tập trung học tập, một số em sức khỏe yếu nên đành nghỉ học giữa chừng.
Theo bà Trương Thị Lâm - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh, bằng tinh thần trách nhiệm, tình cảm đối với trẻ khuyết tật, Hội LHPN xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Minh xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học tình thương miễn phí dành cho trẻ khuyết tật. Ban đầu khi lên kế hoạch, Hội LHPN xã có trách nhiệm khảo sát số lượng các em khuyết tật có đủ điều kiện về sức khỏe, năng lực tiếp thu và khả năng tự vận động. Sau khi đã nắm danh sách, Hội LHPN xã tiếp tục vận động các em đến lớp.
Lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật đi vào hoạt động vào đầu tháng 11.2018, đến nay có 8 em với những lứa tuổi khác nhau. Từ những buổi học đầu tiên, đến nay các em đã có nhiều tiến bộ. Trung úy Lê Văn Chính - Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Bình Minh - là người đồng hành từ những ngày đầu mở lớp đến nay. Các em trong lớp có hai dạng khuyết tật về trí tuệ và thân thể, lâu nay không được tiếp cận với con chữ nên rất lóng ngóng. Việc phát âm về chữ cái, nhiều em còn chưa rõ. Một lớp học gồm 8 em khuyết tật nhưng phải có 2 giáo viên, một người giảng dạy, người còn lại giữ trật tự. "Để dạy các em bài bản, trước khi mở lớp một tháng, tôi cùng các chị trong Hội LHPN xã gặp trực tiếp các thầy, cô giáo của Trường Mẫu giáo Bình Minh và Tiểu học Nguyễn Văn Cừ để học cách giảng dạy. Sau đó, bản thân cũng mày mò thêm trên internet về cách dạy trẻ khuyết tật. Từ đó giảng dạy phù hợp với các em hơn. Ở đây, chúng tôi không chỉ dạy cho các em con chữ mà còn hướng dẫn kỹ năng sống như sinh hoạt tập thể, hát múa, trang bị cho các em những kiến thức cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều em tiến bộ rất nhanh" - Trung úy Lê Văn Chính chia sẻ.
Theo Thiếu tá Lê Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Minh, với vai trò là đơn vị phối hợp, ngay khi lớp học tình thương được khai giảng, Đồn Biên phòng Bình Minh đã vận động kêu gọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị xây dựng Hũ gạo tình thương, tiết kiệm mỗi tháng 300.000 đồng để hỗ trợ các em trong việc học tập. Đồng thời phối hợp với Hội LHPN xã phân công cán bộ đứng lớp giảng dạy mỗi tuần và tổ chức đưa đón các em trong trường hợp không có người thân. “Trên cơ sở tổ chức lớp học tình thương cho trẻ khuyết tật ở xã Bình Minh, Đồn Biên phòng Bình Minh sẽ phối hợp với UBND xã, Hội LHPN xã tổ chức tổng kết, đánh giá. Đồng thời nhân rộng mô hình ra ở các xã khác như Bình Dương, Bình Nam và Bình Hải” - Thiếu tá Lê Văn Nam cho hay.
GIANG BIÊN- MINH TÂN