Nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước giúp nông dân nâng cao nhận thức, kỹ năng, vai trò, trách nhiệm của mình trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, từ tháng 5 đến 11.2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều lớp học đồng ruộng cho nông dân, thu được kết quả tích cực.
Đây là hoạt động nằm trong dự án: “Tập huấn, đào tạo lớp học đồng ruộng cho nông dân (FFS)”, thuộc Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Các lớp học được tổ chức tại 13 xã gồm Bình An, Bình Quý, Bình Phục, Bình Giang, Bình Trung (huyện Thăng Bình); Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Hòa (huyện Núi Thành); Hương An, Quế Phú, Quế Cường (huyện Quế Sơn); Đại Thắng, Đại Phong (huyện Đại Lộc) với gần 400 học viên tham dự.
Các học viên được giảng dạy lý thuyết gắn với hình ảnh trực quan. Thông qua lý thuyết, học viên thảo luận những vấn đề cần quan tâm, cán bộ kỹ thuật gợi ý cho học viên thảo luận làm sáng tỏ vấn đề với phương châm “lấy người học làm trung tâm”. Sau mỗi buổi học, các học viên lập kế hoạch cho buổi học tiếp theo. Ngành chức năng đã chọn ruộng thực hành ngay tại cánh đồng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) ở các thôn, xã hưởng lợi từ dự án.
Tại các lớp học kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến, cán bộ kỹ thuật đã chọn 1 hộ nông dân/lớp để làm thực hành từ các khâu ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh để bón cho lúa; thực hành hướng dẫn bà con bón phân hợp lý cho lúa, quản lý nước, quản lý dịch hại tổng hợp, phòng trừ sâu bệnh hại... Kết quả ruộng thực hành đạt năng suất bình quân 60 tạ/ha (gồm các giống lúa HT1, BC 15, KD 18….) cao hơn 4 - 5 tạ/ha so với ruộng đại trà của nông dân lân cận (45 - 55 tạ/ha). Ngoài ra, áp dụng theo mô hình thâm canh lúa tiên tiến chi phí đầu vào như giống, vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) của mô hình thấp hơn so với của bà con làm theo phương pháp truyền thống. Vì vậy, hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm truyền thống.
Còn tại các lớp kỹ thuật thâm canh cây bắp lai tiên tiến, học viên tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất như: hiểu được đặc điểm của các giống, bố trí thời vụ thích hợp; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, hạn chế bón phân chuồng tươi, đốt thân bắp gây ô nhiễm môi trường; biết quản lý nước, tưới tiêu tiết kiệm, quản lý dịch hại bằng biện pháp tổng hợp... Năng suất bắp trung bình đạt 61 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 5 tạ/ha (56 tạ/ha). Với giá bán 5.500 đồng/kg thì tổng thu từ mô hình là 33,5 triệu đồng/ha. Thu nhập đạt 21,38 triệu đồng/ha, lãi ròng 9,4 triệu đồng/ha.
Lớp học đã xây dựng được mô hình thực hành ngay tại ruộng sản xuất của nông dân, các học viên tham gia. Thông qua lớp học, học viên tiếp thu được các tiến bộ kỹ thuật mới và áp dụng vào sản xuất như chọn thời vụ và bố trí thời vụ thích hợp; chọn giống tốt, xử lý hạt giống trước khi gieo, chú trọng khâu làm đất, lên luống; quản lý nước tưới, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lượng phân hữu cơ cho đất...
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn về mùa vụ, thời tiết, tuy nhiên nhờ vào sự cố gắng của ban tổ chức lớp học, các giảng viên, sự giúp đỡ tạo điều kiện của UBND các xã, lớp học đồng ruộng ở nhiều địa phương đạt được kết quả tích cực. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề nghị học viên hoàn thành khóa học này tiếp tục học hỏi, nghiên cứu tài liệu, trao đổi kinh nghiệm để có trình độ tay nghề thành thạo hơn, sớm áp dụng những kiến thức đã tiếp thu vào thực tế sản xuất của gia đình. Trung tâm sẽ tiếp tục mở thêm các lớp học giúp nông dân tiếp thu kiến thức và nâng cao trình độ, góp phần tích cực vào chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu tại địa phương đạt hiệu quả cao.