Lớp học vì môi trường

QUỐC HƯNG 23/12/2016 09:22

Chương trình học đường tái chế rác thải thành vật dụng có ích vừa được khởi xướng tại Thái Lan.

Một học sinh Thái Lan phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng rác. Ảnh: Bangkokpost
Một học sinh Thái Lan phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng rác. Ảnh: Bangkokpost

Trước khi tham gia khóa học vì môi trường, Nong Nana, học sinh lớp 4 tại Trường Tiểu học Praram 9 Kanjanaphisek chưa bao giờ nghĩ rằng những thứ rác thải bỏ đi được tái chế thành vật dụng có ích trong cuộc sống hay thực phẩm thừa thành nguyên liệu chế biến. Nong Nana bắt đầu ý thức được rằng nhiều loại rác thải như bao bì ni lông sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu và cuộc sống con người. “Em muốn góp phần cho thế giới được xanh hơn” - Nong Nana nói. Nong Nana hiện đến trường với đồ dùng thân thiện môi trường từ bữa ăn hàng ngày ở trường như chén, bát, đĩa thay vì gói đựng đồ ăn bằng nhựa, dùng một lần luôn được bán sẵn ở các cửa hiệu.

Trường Praram 9 Kanjanaphisek thuộc huyện Huai Khwang là một trong 6 trường tại Thái Lan thuộc Cơ quan hành chính thành phố Băng Cốc quản lý, tham gia dự án Xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. Trường học bao gồm các lớp giảng dạy biện pháp phân loại, quản lý và tái chế rác thải. Cô giáo Sudarat Suppasan của Trường Praram 9 Kanjanaphisek cho biết, dự án được thực hiện từ nhiều tuần qua với 1.185 học sinh tham gia, giúp nâng cao ý thức của các em về trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Đáng mừng, hầu hết các em đều tự giác và tham gia các hoạt động của dự án một cách sôi nổi và nhiệt tình.

Punnika Cheewakarun, một học sinh 12 tuổi rất tự hào khi em có thể học được nhiều biện pháp sáng tạo để biến rác thải thành vật dụng sử dụng được. Punnika Cheewakarun cho hay, trước đây em không hiểu rằng tại sao chúng ta phải phân loại rác thải. Thực tế, việc làm đó rất quan trọng. Punnika Cheewakarun nói thêm: “Chúng em được dạy cách phân loại rác thải trước khi cho vào thùng theo từng loại, ví như loại rác thải nào dễ phân hủy và có thể tái chế được hay rác thải không thể tái chế được”. Hoạt động ý nghĩa này giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm thú vị như: số tiền thu được từ việc bán rác thải có thể tái chế góp phần bổ sung thức ăn ở trường, trồng cây vào các chậu nhựa, tái chế rác thải sinh học thành dung dịch tẩy rửa… Punnika Cheewakarun hy vọng mình có thể truyền đạt lại kiến thức đã học ở trường cho từng thành viên trong gia đình và những người hàng xóm, ít nhất là mọi người sẽ quan tâm hơn về môi trường.

Các trường học tham gia dự án trên đều bố trí một số thùng rác để các em học sinh tự nguyện gom và phân loại rác thải. Các trường học cũng đang thực hiện việc tái chế rau củ quả. Như, nước ép từ miếng thơm bỏ đi có thể làm thành nước rửa chén, giặt giũ, rửa tay, lau sàn nhà. Sản phẩn này được bán tại các chung cư quanh trường học. Không chỉ ở Thái Lan, các chương trình học đường tương tự hiện được nhân rộng tại nhiều trường học trên thế giới. Qua đó giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như khuyến khích sự sáng tạo của các em. Mới đây, một nhóm học sinh phổ thông trung học ở Italia đã phát minh ra một máy bán hàng tự động có thể nghiền các loại vỏ hộp bằng nhựa và biến chúng thành vỏ ốp lưng cho điện thoại thông minh.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lớp học vì môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO