Lớp tập huấn đàn, hát dân ca: Đốm lửa giữ phong trào

10/12/2012 23:21

Sau hơn một năm tổ chức các lớp tập huấn đàn, hát dân ca cho 30 xã điểm nông thôn mới trên toàn tỉnh, nhiều hạt mầm văn nghệ dân gian đã nẩy chồi, thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển.

alt
Các học viên diễn báo cáo tại buổi tổng kết lớp dạy đàn, hát dân ca năm 2012.Ảnh: LÊ QUÂN

Thu hút giới trẻ

Một buổi tập luyện, anh Trần Văn Lâm (25 tuổi, ở xã Bình An, Thăng Bình) bắt đầu từ sau buổi chợ rau và kết thúc khi đàn trâu cần người dắt về chuồng. Chỉ sau 10 ngày được đào tạo tại lớp tập huấn tại thị trấn Hà lam do các nghệ sĩ Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam đứng lớp, anh Lâm đã có thể đánh được vài làn điệu dân ca cơ bản. Trong lớp tập huấn tại Thăng Bình, cùng lứa với anh Lâm còn có các bạn khác như Tân, Lộc. Để tìm những thanh niên như anh Tân, Lâm hay Lộc cho lớp đàn, hát dân ca như ở Thăng Bình là điều không khó. Những người trẻ có thể đăng ký để tham gia nhóm học đàn. Anh Lâm chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ ở nhà giúp việc đồng áng cho gia đình, thời gian rỗi thì bù khú bạn bè. Từ khi đi học đàn, cứ muốn ngày dài thêm ra để có thời gian tập luyện”. Khi được hỏi về căn nguyên tìm đến đàn bầu, Lâm cho biết hoàn toàn do tình cờ, thấy Tân (bạn cùng lứa) đăng ký tham gia lớp tập huấn nên đi theo. Lúc đầu chỉ tưởng chơi vậy thôi, ai ngờ hóa ra đam mê, ngày nào không được “kéo” tính... tình... tang... thấy khó chịu trong người.

Ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, những lớp tập huấn đàn và hát dân ca trong thời gian gần đây chính là cơ hội phát huy những yếu tố văn hóa dân gian và bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương. Khi vận động được người dân tham gia tích cực, cùng với sự giúp sức của chính quyền, ngành chức năng, tự thân họ sẽ biết nên làm gì để tiếp tục duy trì và phát huy vốn quý văn hóa của địa phương mình. Bà Lê Thị Phương (Tam Phước, Phú Ninh) chia sẻ: “Tôi mê điệu dân ca khu V từ nhỏ. Nếu có cách nào để làm lan rộng những giai điệu đặc sắc của địa phương mình đến nhiều vùng, nhiều người thì quá hay. Lớp trẻ vẫn có nhiều người rất mê những giai điệu này”. Đợt tập huấn vừa rồi tại huyện Phú Ninh, 5 câu lạc bộ (CLB) của xã Tam Phước và 9 CLB của các xã khác trên địa bàn huyện đều cử người tham gia. Trong đó có đến 1/3 thành viên ở độ tuổi từ 17 - 21. Điều này cho thấy, nếu có cách tuyên truyền hiệu quả sẽ cuốn hút thanh niên tìm về với chính bản sắc của quê hương.

Tham dự buổi tổng kết lớp tập huấn đàn, hát dân ca do Sở VH-TT&DL vừa tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng, xây dựng nông thôn mới là hành trình lâu dài, phải làm sao để trong tiến trình đó văn nghệ dân gian nói chung, đàn hát dân ca nói riêng có không gian sinh hoạt, người dân có sân chơi của mình. Đặc biệt, phải làm cho phong trào đàn hát dân ca trở thành một hoạt động thường xuyên. “Từ bây giờ nên đầu tư hỗ trợ người dân, làm sao để dân ca trở thành nét đặc sắc riêng của xứ Quảng” . (Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

Tương tự, ông Đặng Công Dung - Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước nói: “Mười ngày tập huấn đàn, hát dân ca là đốm lửa nhen lên phong trào ca hát tại địa phương. Những buổi tập luyện như vậy đã khơi gợi niềm đam mê để người dân biết tôn trọng và giữ gìn vốn liếng bản sắc văn hóa của cha ông. Giới trẻ cũng nhờ vậy mà hiểu biết sâu hơn về văn hóa quê hương”.

Hướng đến xã hội hóa

Tuy nhiên, những tín hiệu vui trong đợt tập huấn vừa qua chưa đủ tạo niềm tin trong lòng những người luôn trăn trở với công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian. Bởi theo nhiều người, sợ rằng sau buổi tập huấn, xa hơn là sau khi kết thúc chương trình xây dựng nông thôn mới, liệu còn ai đứng ra tổ chức những cuộc chơi văn nghệ dân gian, dù quy mô nhỏ. Theo ông Nguyễn Hoàng Bích, tuy học viên trẻ nhiều, nhưng so với số lượng yêu cầu vẫn còn quá ít. “Để phong trào đàn, hát dân ca ở Quảng Nam phát triển mạnh, bền vững, ngoài chủ công là ngành văn hóa cần có sự kết hợp của nhiều cơ quan ban ngành, đặc biệt là các địa phương. Xã, phường, thị trấn nên tổ chức định kỳ hằng năm các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, mở các cuộc thi sáng tác ca khúc dân ca, đặt lời dân ca... Như thế mới mong những thành quả đạt được của các buổi tập huấn vừa qua không bị bỏ quên” - ông Bích nói.

Có một cách làm khá hay từ TP.Tam Kỳ, đó là tạo nguồn thu nhập cho những CLB dân ca ở thành phố. Từ kinh phí hỗ trợ ban đầu, CLB của mỗi xã, phường sẽ tự “xã hội hóa”, tìm mạnh thường quân hoặc mỗi thành viên góp một ít kinh phí tập luyện, sau đó sẽ tổ chức những buổi diễn lấy nguồn thu trang trải cho lần sau. Điều đáng mừng là khi tạo được “thương hiệu”, các CLB này được các địa phương “mời” đi biểu diễn, nhờ đó tạo được nguồn thu. Hay như CLB dân ca bài chòi ở xã Điện Quang (huyện Điện Bàn) thường được các địa phương, tộc họ ở Đà Nẵng mời biểu diễn vào các dịp lễ hội. Ông Lê Văn Trực (ở thôn Phú Tây, thành viên CLB) chia sẻ, sau các buổi lưu diễn, CLB không những có nguồn kinh phí để hoạt động mà các thành viên còn có thêm khoản thu nhập. Ông Nguyễn Ngọc Duy - Phó phòng Văn hóa Tam Kỳ nói: “Hiện tại, các CLB văn nghệ trên địa bàn thành phố đã xã hội hóa một phần, tương lai sẽ hoàn toàn xã hội hóa. Nhiệm vụ của người làm văn hóa chính là tạo và tìm thêm không gian, đất diễn để các CLB có đất sống và có thể sống được”.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lớp tập huấn đàn, hát dân ca: Đốm lửa giữ phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO