Nhà thơ Lữ Tùng Anh (tên thật Nguyễn Vân Trình) sinh năm 1950 tại Quảng Ngãi – tác giả của hai câu thơ một thời rất được yêu thích tại miền Trung: “Óc tim cô đặc hồn thi sĩ/ Vắt tặng cho đời mấy giọt thơ”.
Các tác phẩm của Lữ Tùng Anh đã in như: Vũng sầu (1968), Huế buồn (1969), Ra đi giã từ hơi thở (1970), Trái sầu chín từ nỗi chết (1971)… Từ sau 1975 đến nay, ông cho ra đời thêm 12 tập thơ.
Lữ Tùng Anh theo học trung học ở Huế. Tốt nghiệp đại học tại Đà Lạt. Từ năm 1974, ông ra trường dạy ở trường dòng Minh Đức rồi gắn bó với nghề dạy học tại Đà Lạt và Bảo Lộc. Hiện ông lâm bệnh ngặt nghèo và sống nhờ học trò tại Bảo Lộc.
Cuối đời quạnh quẽ
Nhắc đến Lữ Tùng Anh, không thể không nhắc đến Trần Hữu Nghiễm. Đó là đôi bạn và là cặp nhà thơ bài trùng một thời từng để lại những dấu ấn khá thú vị dưới những mái trường trung học dọc các tỉnh thành miền Trung. Thời ấy, chưa có internet, nhưng cả hai là những người tiên phong tiếp cận độc giả nhanh nhất bằng cách tự in thơ, tự tổ chức phát hành vào tận lớp của các trường học (xin thầy cô cho năm mười phút để giới thiệu về tập thơ và rao bán, thu tiền). Nhà thơ Lê Minh Quốc có lần nhắc lại trong một bài viết (Thuở mơ thành thi sĩ): “Đến nay, tôi vẫn còn giữ nhiều tập thơ quay ronéo tương tự, đáng chú ý nhất là tập Trái sầu chín từ nỗi chết của Lữ Tùng Anh. Anh chàng này từ Đà Lạt xuống Đà Nẵng và bán tập thơ này tại trường Tây Hồ, lúc đó, tôi đang học lớp 7”.
Thời ấy, ở tuổi hoa niên, Lữ Tùng Anh và Trần Hữu Nghiễm chưa phải là những tác giả khẳng định tài năng, nhưng chắc chắn họ là những người yêu thơ hơn bản thân, làm thơ, lo tiền in thơ, bán thơ, tặng thơ cho bạn bè quen, cả không quen… Thơ của họ nhìn đời với tâm trạng chán chường giữa tiếng đạn bom, đôi lúc thể hiện sự cuồng điên và buông thả: “Tuổi hoa niên điên cuồng bốc cháy/vùi mình vào đám lửa mê say/ rồi từ đó như ngựa quen đường cũ/ con thả hồn buông lỏng dây cương” (Lữ Tùng Anh)
Sau 1975, Trần Hữu Nghiễm giã từ xứ Huế vào Nam và lập nghiệp tại Cà Mau. Trước khi bị bệnh hiểm nghèo kéo dài hai năm, mất vào tháng 9.2000, Trần Hữu Nghiễm có khoảng trên dưới 20 năm gắn bó với tỉnh Cà Mau, phục vụ trong ngành giáo dục TP.Cà Mau và thơ anh được biết đến nhiều hơn trên các báo, tạp chí các thi tuyển trên cả nước. Trong khi đó, suốt mấy chục năm qua, Lữ Tùng Anh khá lặng lẽ với vai trò người thầy ở các thành phố cao nguyên, rồi TP.Hồ Chí Minh. Ông vẫn làm thơ, in thơ khá nhiều nhưng chủ yếu vẫn tặng biếu như trước kia, chứ không phổ biến rộng rãi.
Chiều nhớ mẹ Chiều hôm nay, mây giăng trên đỉnh núi LỮ TÙNG ANH |
Cuối đời nghiệt ngã, nhà giáo - nhà thơ Lữ Tùng Anh sống không nhà cửa, không gia đình. Những ngày tháng ở Sài Gòn với cuộc mưu sinh vật vã, không còn đi dạy, ông làm bảo vệ, bán bánh mì... Hơn một năm qua, ông rơi vào tình cảnh bạo bệnh hiểm nghèo.
Kể lại thời điểm nguy kịch nhất, Lữ Tùng Anh nghẹn ngào nói, một lần lên cơn đau đột ngột, ông cố lết xuống bậc cầu thang của căn gác tìm điện thoại gọi cho học trò. Tội nghiệp cậu học trò đang làm việc ở Trị An, nghe thầy ốm đã chạy hàng mấy chục cây số để vào đưa thầy đi cấp cứu. Thế là đi từ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, rồi Chợ Rẫy… Không có tiền viện phí, phải nằm ngoài hành lang. May mắn sao, một anh học trò cũ gặp ông. Thấy hoàn cảnh của thầy, người học trò này đã gọi báo tin cho các bạn cùng chia sẻ. Họ đã đóng góp cho thầy hơn 19 triệu đồng. Và cùng lúc đó có một ma sœur vào thăm các bệnh nhân nghèo đã giúp cho ông thêm để đủ 21 triệu đồng trả tiền viện phí.
Trong vòng tay học trò
Những ngày nằm viện, nhà thơ Lữ Tùng Anh được học trò cũ đã thay nhau chăm sóc. Cuối cùng, một giải pháp duy nhất là khi ông xuất viện, họ đã đưa ông về thành phố Bảo Lộc. Nơi đây, gia đình anh Đức Tuấn, một phụ huynh tốt bụng chuẩn bị cho ông một chỗ ở yên tĩnh, thoáng mát, và đầy đủ tiện nghi. Mỗi ngày gia đình anh Tuấn bới xách cơm nước cho ông.
Chị Hiệp Kim, một học trò cũ của nhà thơ Lữ Tùng Anh tại Đà Lạt kể lại: “Tôi đến thăm ông tại Bảo Lộc vào một buổi sáng nắng ấm áp. Ông có vẻ bất ngờ, ngạc nhiên khi nhận ra tôi. Nhìn ông vẫn còn tươi tỉnh, lòng tôi rất vui. Vẫn giọng nói hiền lành, trầm ấm, mặc dù trong người ông đang mang căn bệnh ung thư quái ác đang hành hạ ông. Và tôi thấy được nụ cười trên môi ông. Có lẽ một cái hạnh phúc nho nhỏ mà lâu rồi ông mới có được... Tôi đến thăm ông mang theo một chút quà, tình cảm của các bạn Đà Lạt với người thầy đang gặp hoàn cảnh quá khó khăn. Cũng thật tình cờ nơi đây tôi gặp thầy Hùng hiệu trưởng ngôi trường mà ông từng dạy học. Nhà thơ Trần Ngọc Trác, hai vợ chồng nhà thơ Quang Ngân, họa sĩ Lê Hoàng. Đặc biệt hơn tôi được làm quen với anh Phạm Đức Tuấn, phụ huynh học sinh, là người đang cưu mang ông trong những năm tháng này. Sự hiện diện đông đủ của mọi người là món quà tinh thần làm cho người bệnh vui. Nhưng quan trọng hơn cả là tình người mà tôi cảm nhận nơi đây. Nay ông trở về với sự bảo bọc của các bậc phụ huynh và sự yêu thương quý trọng của học trò – như người ta vẫn thường nói: “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Có lẽ đúng vậy! Ông là người thầy mẫu mực, yêu thương học trò tận tâm với nghề, nên bây giờ, những em học trò ngày nào đang trả nghĩa cho thầy.
Nhắc đến học trò, ông thật sự xúc động và ông đã khóc. Tôi cũng lặng người theo giọt nước mắt của ông. Những giọt nước mắt của người thầy. Giọt nước mắt ngọt ngào cho tình nghĩa thầy trò. Giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi hiểu tâm trạng ông lúc này. Ông bảo, tôi không nghĩ rằng giờ phút này tôi lại được sống trong sự chăm sóc bảo bọc của phụ huynh và học sinh. Cái tình của em Phong, em Nghĩa nuôi thầy những ngày trong bệnh viện... Tất cả mọi thứ ông nhận từ học sinh là sự yêu thương và kính trọng.
Nói về bút danh Lữ Tùng Anh của mình, nhà thơ thường giải thích: chữ lữ ở đây có ý nghĩa lữ hành. Tùng có ý là cây tùng cây bách… Dù cho phiêu bạt thế nào đi nữa, ông vẫn tin tưởng mình luôn đứng vững hiên ngang giữa đất trời. Hiện ông đang cố gắng hoàn thành một tập thơ mới, để tạ ơn đời, tạ ơn bạn bè, thân hữu, những người đã cưu mang ông trong những ngày khốn khó… Ông hy vọng quỹ thời gian còn lại của mình đủ để ông ra mắt tập thơ mang tên “Thi tập cuối cùng”.
TRẦN TRUNG SÁNG