Quảng Nam ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến đề xuất dự án. Nhưng chính quyền và cơ quan quản lý tỏ ra thận trọng hơn khi lựa chọn các dự án để tránh những hệ lụy đáng tiếc, không tăng trưởng nóng như những năm về trước.
Tại vùng đông, Quảng Nam đang dành đất cho những dự án đầu tư chất lượng. Ảnh: T.D |
Đề xuất dự án năng lượng mặt trời
Công ty CP Bamboo Capital Group (BCG) đã đề xuất chính quyền Quảng Nam dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trên mặt nước các hồ hồi trung tuần tháng 9.2017. Ba mươi phút giới thiệu dự án và các thuyết minh cụ thể với nhiều hình ảnh hấp dẫn về viễn tượng một dự án đầu tiên về điện mặt trời sẽ có mặt tại Quảng Nam.
Bambo Capital Group viện dẫn các nguồn tin chính thức từ các bộ, ngành trung ương đánh giá hiện nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ… đang dần cạn kiệt. Các nhà máy nhiệt điện bị giới hạn do ô nhiễm. Các nhà máy thủy điện quá tải và có thể thiếu điện do thiếu nước, nhất là trong mùa khô hay làm cạn kiệt nguồn nước hạ du… Từ những dẫn chứng trên, cho thấy việc tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo thay thế nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai là điều cần thiết. Năng lượng điện mặt trời là một lựa chọn hợp lý khi thân thiện môi trường, không thải ra khí nhà kính và nguồn năng lượng dồi dào. Theo khảo sát, điều tra của nhà đầu tư, điều kiện tự nhiên của Quảng Nam rất thuận lợi cho việc phát triển năng lượng mặt trời. Hiện vùng đất này có nhiều nắng với số giờ nắng và bức xạ mặt trời lần lượt cao hơn trung bình cả nước là 30% và 50%. Hiện tại, hệ thống lưới điện tại địa phương ngày càng hoàn thiện với hơn 90% hộ dân được sử dụng điện lưới để sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, việc cắt điện không phải là hiện tượng hiếm gặp, gây không ít khó khăn cho cư dân địa phương và nhà đầu tư. Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch HĐQT BCG cho hay hiện Quảng Nam chưa có dự án ứng dụng điện năng lượng mặt trời. Một khi được chấp thuận đầu tư xây dựng và vận hành, dự án (nhà máy điện, nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ với tổng vốn đầu tư 221 triệu USD) sẽ tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước địa phương, tạo nên cảnh quan mới hấp dẫn về du lịch. Quan trọng nhất là dự án không tác động đến môi trường, không phát thải CO2, không tạo ra chất thải rắn và không chiếm đất nông nghiệp của dân địa phương.
Sức hấp dẫn của dự án điện mặt trời là điều không bàn cãi, phù hợp với những cơ chế của Chính phủ về khuyến khích các dự án năng lượng sạch. Cho dù dự án này không chiếm dụng đất vì sẽ đầu tư trên mặt nước và nhà đầu tư cam kết, khẳng định các thiết bị và nguyên liệu sử dụng cho các nhà máy không gây ô nhiễm, nhưng sự lựa chọn của nhà đầu tư là trên hai hồ Phú Ninh và Khe Tân đã buộc chính quyền và cơ quan quản lý cân nhắc.
Lọc vốn đầu tư
Giới đầu tư không lạ gì BCG – một công ty đa ngành hàng đầu Việt Nam với tiềm lực tài chính vững mạnh. Hồi tháng 6.2017 BCG đã ký kết 1 dự án phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại Long An với mức đầu tư gần 100 triệu USD, công suất 100MW. Dự án đề xuất tại Quảng Nam được hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tạo cảnh quan du lịch và đóng góp nhiều cho ngân sách. Đó là những yếu tố Quảng Nam đang rất cần. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng đây là dự án quá mới. Ngay các nhà quản lý cũng chưa hiểu hết nên sẽ rất khó để đưa ra kết luận có chấp thuận hay không, nhất là dự án lại đề xuất trên các hồ thủy lợi, vốn là những công trình bảo đảm đa mục tiêu, nên phải thận trọng. Chính quyền khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời. Nếu nhà đầu tư thuyết minh được lợi ích địa phương, sự chuẩn mực về môi trường của dự án thì sẽ có thể bàn thảo. Hiện tại chưa thể quyết định được.
Không chỉ thận trọng với dự án điện mặt trời mới mẻ này mà những năm gần đây, Quảng Nam đã xác lập mục tiêu rõ ràng là “lọc vốn đầu tư”. Kể từ hội nghị xúc tiến đầu tư được mở hồi tháng 3.2017 với 32 dự án đăng ký đầu tư và hơn 26.000 tỷ đồng từ các hợp đồng tín dụng được ký kết, Quảng Nam đã thực sự bùng nổ đầu tư. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, trong vòng 9 tháng qua, đã có thêm 882 doanh nghiệp gia nhập thị trường, 13 dự án FDI và 56 dự án đầu tư nội địa đã được cấp phép. Cho dù đứng trước áp lực cạnh tranh từ các tỉnh duyên hải miền Trung và số lượng nhà đầu tư đến đề xuất dự án ngày càng gia tăng, nhưng chính quyền chỉ chọn những nhà đầu tư chất lượng, những dự án động lực và cân nhắc, thận trọng, thẩm định kỹ các dự án đầu tư. Điều này có thể là một trong những động thái khắc phục những yếu kém của một thời khi việc cố chạy theo số lượng, sẵn sàng đưa ra những mức ưu đãi đầu tư quá hấp dẫn. Không cần thẩm tra dự án, năng lực tài chính của nhà đầu tư, dễ dàng cấp phép, tham dự vào một cuộc cạnh tranh không lành mạnh khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, du lịch vô giá của tỉnh có thể bị bán rẻ và tự làm suy yếu vị thế mặc cả của mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng địa phương không xúc tiến hay ồ ạt thu hút đầu tư. Chỉ chọn những dự án đầu tư chất lượng. Từ chối những dự án nhỏ lẻ, tổn hại tới môi trường trên cơ sở hỗ trợ tài chính, sinh kế cho người dân có thể có được một cuộc sống ổn định sau khi chuyển đổi. “Hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình, tác động tích cực lên mức sống của người dân chính là thước đo, là tiêu chí phê duyệt hay bác bỏ một dự án đầu tư. Không thể tăng trưởng bằng mọi giá. Phát triển, bảo vệ và làm lợi cho được phần mình mà dồn hết rủi ro cho con cháu mai sau thì chúng ta xây dựng và phát triển để làm gì?” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG