LTS: Làm thế nào để tăng tốc và phát triển bền vững là câu hỏi đang và sẽ tiếp tục đặt ra cho đất và người Quảng Nam trong tương lai. TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người của Liên hiệp quốc (UN - Habitat) tại Việt Nam; thông qua Báo Quảng Nam, góp những ý kiến bàn về tầm nhìn và chiến lược...
Đổi mới tư duy & hướng mở
Đất Quảng đã trải qua nhiều cuộc tiếp biến văn hóa; nhân dân rất anh hùng trong công cuộc giữ nước, có truyền thống hiếu học và học giỏi, đã lao động cần cù và kiên nhẫn nhưng vẫn còn nghèo. Vì sao vậy? Cần xem lại chiến lược phát triển và cơ cấu kinh tế!
Quảng Nam có lợi thế về phát triển du lịch và một số ngành công nghiệp; không có lợi thế về sản xuất lương thực. Nhưng qua nhiều thời kỳ, hướng chủ yếu vẫn là sản xuất lương thực tự cấp, tự túc với hiệu quả thấp, không bù đắp được chi phí bỏ ra, không có tích lũy để phát triển. Tất nhiên, cơ cấu kinh tế như vậy có những lý do khách quan mà trong quá khứ chưa thể giải quyết, bắt buộc phải chấp nhận.
Quảng Nam cần tích cực đổi mới giáo dục theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng TP. Tam Kỳ hát múa mừng xuân mới tại Quảng trường 24.3. Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Quảng Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy chưa nhiều nhưng có thể nói là rất quan trọng. Quan trọng là ở chỗ từ thực tiễn mà tiếp tục suy nghĩ và khẳng định về hướng đi, về chiến lược phát triển cho lâu dài. Từ một tỉnh thuần nông chủ yếu là tự cấp tự túc lương thực, đến nay là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và du lịch vào loại khá, thu ngân sách từ 130 tỷ đến nay đã đạt gần 8,5 nghìn tỷ, có thêm nhiều trường học và bệnh viện, đường ô tô và hệ thống lưới điện… Đạt được kết quả ấy là do hướng đi đúng và nỗ lực phấn đấu, có sáng tạo. Tất nhiên không tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm, cần nhìn rõ và sửa chữa kịp thời. Điều quan trọng hơn là sắp tới đây phải tiếp tục tiến lên một cách thông minh, vững chắc.
Nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng lâu dài đối với Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Có lẽ điều cần trước tiên là tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng, thường xuyên bồi đắp và phát huy tinh thần yêu quê hương, quyết chí vươn lên, không chịu nghèo khó và tụt hậu. Quảng Nam anh hùng, hiếu học và học giỏi, lẽ nào lại chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn và thua kém? Phải tính chuyện làm giàu! Giàu bằng lao động sáng tạo là đáng khuyến khích, đáng tự hào. Không phải nghèo mới cách mạng đâu. Không ganh ghét người giàu. Phải khuyến khích làm giàu. Làm giàu chính đáng là yêu nước, là sự phấn đấu đáng trân trọng cho công cuộc xây dựng quê hương. Yêu quê hương, ham học và học giỏi sao lại để quê hương nghèo và tụt hậu?
Khu kinh tế mở Chu Lai cần có thêm các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp điện tử. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất và lắp ráp ô tô của Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: MINH HẢI |
Chỉ có ra sức học hỏi và tư duy thì mới có thể phát triển. Người Quảng Nam không tự kiêu, tự mãn về truyền thống học giỏi của mình. Quảng Nam là vùng đất giàu về văn hóa trong giữ nước, nhưng chưa giàu văn hóa phát triển. Văn hóa phải hướng đến phát triển. Phát triển từng con người và phát triển cả cộng đồng. Bắt đầu từ văn hóa, trên nền tảng của văn hóa mới có thể phát triển bền vững. Nhân cách, trí tuệ và năng lực làm nên sự phát triển. Muốn phát triển thì tự mình phải đổi mới, thường xuyên, liên tục. Đổi mới một cách căn bản và toàn diện. Bắt đầu từ tư duy. “Quảng” là mở. Quảng Nam là vùng đất mở. Phải có tư duy thoáng mở để phát triển. Bảo thủ sẽ kìm hãm và tự trói mình trong vòng chật hẹp, không thể cất cánh. Theo lý thuyết hệ thống, chỉ có hệ thống mở mới hoàn thiện và phát triển được, vì nó được trao đổi chất liên tục với thế giới xung quanh, còn đóng kín thì chẳng những không phát triển được mà còn thoái hóa. Thế giới tự nhiên và xã hội đều như vậy. Từ đổi mới tư duy mà đổi mới cơ chế và cách làm để phát huy nội lực và sử dụng sức mạnh chung của đất nước, thời đại. Đổi mới để có sức mạnh lớn hơn hiện tại. Đó là vốn xã hội, vốn trí tuệ, loại vốn mà ngày nay được coi là quan trọng hàng đầu, loại vốn mà người Quảng Nam hiếu học có tiềm năng. Cần ra sức học hỏi thiên hạ, lắng nghe ai có cách làm hay là tìm đến học, khiêm tốn và cầu thị, đó không phải là sự yếu kém, mà biểu hiện của trí thức trưởng thành, của độ chín về văn hóa.
Quảng Nam đã có tầm nhìn và quyết định đúng về kinh tế mở và phát triển du lịch, nhất là ở Hội An. Kinh tế mở không phải là một ngành kinh tế, mà là một cách nghĩ, cách làm, mở về tư duy, mở về cơ chế. Những năm qua tuy chưa đạt sự phát triển như dự tính ban đầu, chủ yếu là do cơ chế chưa đủ mạnh, nhưng đã có thành công đáng kể. Cần tiếp tục đi theo hướng mở đã chọn, kiên trì và sáng tạo. Khu kinh tế mở Chu Lai cần có thêm các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp điện tử có giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Quảng Nam rất có lợi thế về phát triển du lịch. Từ kinh nghiệm của Hội An, cần bổ sung giải pháp, tiếp tục mở ra, dọc theo vùng ven biển, ven sông, tại các đảo biển và quanh các hồ lớn, lên miền núi ở những nơi có khí hậu mát mẻ vào mùa hè. Du lịch có giá trị gia tăng khá và đem lại thu nhập đáng kể cho xã hội. Du lịch còn kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ khác và hơn thế còn góp phần phát triển con người nhờ tiếp biến với các nền văn hóa khác, phong phú và tiến bộ. Có cách làm tốt thì có thể biến Quảng Nam thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Thực tế Hội An đã cho thấy điều đó. Với một thành phố rất nhỏ mà khách quốc tế đã vào hàng thứ tư của cả nước, chỉ sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh.
“Quảng Nam là vùng đất mở. Phải có tư duy thoáng mở để phát triển. Bảo thủ sẽ kìm hãm và tự trói mình trong vòng chật hẹp, không thể cất cánh… Từ đổi mới tư duy mà đổi mới cơ chế và cách làm để phát huy nội lực và sử dụng sức mạnh chung của đất nước, thời đại. Đổi mới để có sức mạnh lớn hơn hiện tại. Đó là vốn xã hội, vốn trí tuệ, loại vốn mà ngày nay được coi là quan trọng hàng đầu, loại vốn mà người Quảng Nam hiếu học có tiềm năng”. |
Du lịch phát triển tạo điều kiện để hình thành một trung tâm văn hóa ẩm thực cho khách trong nước và quốc tế. Quảng Nam đã có một số đặc sản, cần tiếp tục nâng cao, đồng thời học thêm kinh nghiệm phát triển các món ăn nổi tiếng của Huế, của miền Trung, miền Bắc và miền Nam. Thành công trong văn hóa ẩm thực chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả đáng kể. Hiện nay phở là sản phẩm của Việt Nam hiện diện rất nhiều nước trên thế giới. Phần lớn khách du lịch quốc tế sau khi đến Việt Nam ra về, hỏi họ thích cái gì nhất, họ trả lời là thích con người thân thiện, cảnh đẹp và phở. Ẩm thực có tỷ suất lợi nhuận cao, vòng quay của vốn nhanh và biến nhiều sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa xuất khẩu tại chỗ. Du lịch còn thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm văn hóa như âm nhạc, các vũ điệu, múa rối, kịch câm, hội họa… Du lịch cũng đem lại ý thức biết giữ gìn, tôn tạo và phát triển thêm các cảnh đẹp để hình ảnh quê hương ngày càng sâu đậm hơn trong ký ức của mỗi người.
Nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng lâu dài. Hiện tại hiệu quả nông nghiệp còn rất thấp. Giá trị sản phẩm trồng trọt của Quảng Nam còn thấp, mô hình cánh đồng đạt 100 triệu đồng/ha còn rất ít. Cần tích cực và kiên trì thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo thu nhập lớn, theo hướng nông nghiệp thực phẩm, nguyên dược liệu, hoa và cây cảnh. Thế giới đã có nhiều và trong nước cũng bắt đầu có những nơi, sản phẩm tạo ra giá trị hàng hóa 2 - 3 tỷ đồng/ha. Phía tây Quảng Nam với đặc điểm tự nhiên có nhiều yếu tố phù hợp với các loại cây làm thuốc. Trồng cây dược liệu và chế biến dược phẩm là ngành rất đáng lưu ý. Với khí hậu giao thoa cùng lúc của Nam - Bắc Hải Vân và Đông - Tây Trường Sơn rất đa dạng để có thể sản xuất các loài cây giống. Quảng Nam có thể nghĩ đến các trung tâm sản xuất giống cây con.
Điều quan trọng nhất vẫn là con người. Các trường trung học, cao đẳng và đại học ở Quảng Nam cần tích cực đổi mới giáo dục theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực. Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay đang lạc hậu về công nghệ so với trình độ trung bình của thế giới đến ba thế hệ. Quảng Nam cũng vậy. Cần tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ mới để nâng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, đảm bảo thành công cho sự phát triển.
Công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ và chắc chắn còn phát triển hơn nữa, sẽ làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người trên hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội. Với dự báo như vậy, cần hết sức lưu ý việc phát triển công nghiệp phần mềm, kể cả gia công số hóa. Đây là lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, suất đầu tư thấp, thị trường còn rộng lớn, chủ yếu là sử dụng tài nguyên chất xám, loại tài nguyên không mất đi mà còn tăng thêm trong quá trình sử dụng. Người Quảng Nam chăm chỉ học hành và cần mẫn trong lao động, lại đang là thời kỳ dân số Vàng thuận lợi cho phát triển lĩnh vực này. Dân số Vàng chỉ trong một thời kỳ nhất định, bỏ lỡ cơ hội thì thật đáng tiếc. Nếu giỏi thì sẽ giàu khi còn đang trẻ, nếu kém thì già rồi vẫn còn nghèo. Quảng Nam nên lưu ý câu chuyện này, tạo điều kiện và cơ chế cho các bạn trẻ phát triển; chú ý nhất là chuẩn bị nhân lực, nâng chất lượng đào tạo, nhất là về công nghiệp phần mềm, đáp ứng năng lực thực tế cho công việc.
TS. VŨ NGỌC HOÀNG
Tăng trưởng xanh & phát triển vùng
Báo cáo chuyên đề về Chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam cho lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh năm 2014, TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hiệp quốc (UN - Habitat) tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm nhìn định hướng: Tăng trưởng xanh và liên kết phát triển vùng là con đường cần lựa chọn cho tương lai...
Du lịch sinh thái thân thiện với môi trường là hướng đi mà Quảng Nam đang phát triển. Ảnh: MINH HẢI |
Theo TS. Nguyễn Quang, Việt Nam đang tìm mô hình phát triển mới với các giải pháp chiến lược để tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là phải lựa chọn tầm nhìn chiến lược, từ tăng trưởng kinh tế thông thường (với chiến lược đơn giản là để “theo kịp” các nước phát triển), tiến đến mô hình tăng trưởng kinh tế sáng tạo và thân thiện với môi trường (chiến lược quá độ). Do vậy, cần tái cơ cấu và cải thiện các cơ sở kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua đầu tư ngày càng tăng trong đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế. Điều này sẽ góp phần đối phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh, nghĩa là phải thực thi 3 nhiệm vụ chiến lược: (1) Giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; (2) Sản xuất xanh (công nghiệp hóa sạch và sử dụng tài nguyên hiệu quả); (3) Lối sống xanh và khuyến khích tiêu dùng bền vững.
Trong bối cảnh của Việt Nam và khu vực, Quảng Nam có nhiều lợi thế để chọn chiến lược tăng trưởng xanh. Lợi thế của Quảng Nam là nằm giữa các cực tăng trưởng ở khu vực duyên hải miền Trung như Dung Quất và Đà Nẵng; Có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với cửa ngõ kết nối ra thế giới/thị trường Đông Nam Á; Kinh tế biển là động cơ thúc đẩy cho tăng trưởng của khu vực duyên hải và quốc gia; Có tiềm năng lớn về các sáng kiến phát triển vùng (du lịch, phát triển hạ tầng). Thêm nữa, Quảng Nam có các nguồn lực phát triển, đáng lưu ý như: Nguồn lực văn hóa và tự nhiên dồi dào thuận lợi cho phát triển du lịch – thương mại – công nghiệp; Phát triển các trung tâm đô thị động lực thúc đẩy phát triển tỉnh; Các sáng kiến để phát triển với vai trò một trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Liên kết Vùng; Cơ cấu dân số Vàng (tỷ lệ người trong độ tuổi làm việc cao); Cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh và sự gắn kết xã hội để hiện thực hóa phát triển bền vững.
Các vấn đề phát triển chính của Quảng Nam đặt ra là: Huy động và sử dụng vốn hiệu quả trong nền kinh tế thị trường; Đa dạng hóa nguồn vốn, phát triển các cụm ngành và cụm đô thị động lực; Phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh của tỉnh, hỗ trợ phát triển các cụm ngành; Đảm bảo phúc lợi xã hội và các dịch vụ cơ bản với chất lượng cao. Như thế, mục tiêu chiến lược phải hướng tới là: Giảm một cách bền vững tỷ lệ đói nghèo; Giảm sự chênh lệch giữa các vùng trong đầu tư cơ sở hạ tầng cứng/mềm; Phát triển hạ tầng nhằm đạt được sự phát triển cân bằng và hiệu quả; Kết nối đô thị - nông thôn/hội nhập khu vực cho phát triển công bằng và tăng trưởng hiệu quả. Quảng Nam cần chú ý phát triển du lịch bền vững, quản lý các hoạt động kinh tế chủ chốt nhằm hạn chế sự suy giảm nguồn lực môi trường. Bên cạnh đó, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội luôn phải lồng ghép mục tiêu ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam luôn cần những nội dung xuyên suốt là: Xóa đói giảm nghèo; Bền vững về môi trường và xã hội; Liên kết Vùng; Phát triển nguồn nhân lực; Khuyến khích huy động các nguồn lực.
Quan điểm chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam cần được định hướng với 5 mục tiêu: (1) Tăng trưởng nhanh liên quan tới phát triển bền vững thông qua tạo công ăn việc làm, phát triển gắn kết các khu vực đô thị nông thôn, và giảm tác động tiêu cực của phát triển; (2) Phát triển tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh của địa phương, đồng thời sử dụng các cơ hội hội nhập và phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; (3) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy huy động nguồn lực đa ngành; (4) Con người là chủ thể quan trọng và là mục tiêu của phát triển bền vững.
Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ hệ thống chiến lược để tăng trưởng xanh và phát triển vùng. Trong đó, các chiến lược thúc đẩy nhằm tận dụng để nắm bắt cơ hội. Các chiến lược hỗ trợ tận dụng cơ hội để vượt qua điểm yếu. Các chiến lược vượt qua khó khăn nhằm sử dụng thế mạnh để đối phó với thách thức. Cuối cùng là các chiến lược phòng thủ làm giảm các nhược điểm và hạn chế thách thức. Theo đó, 6 nhóm giải pháp chiến lược cần thực hiện: (1) Phát triển các cụm ngành và cụm đô thị động lực; (2) Phát triển du lịch bền vững với mối liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng; (3) Phát triển hạ tầng cho tăng trưởng hiệu quả và giảm nghèo; (4) Quản lý môi trường tổng hợp và ứng phó với biến đổi khí hậu; (5) Phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng; (6) Quản trị địa phương hiệu lực và hiệu quả.
Tăng trưởng xanh và liên kết vùng là con đường có thể đưa Quảng Nam phát triển bền vững, trở thành vùng đất giàu và đẹp.(HỮU ĐỖNG - lược thuật)