Đã được 3 vụ mùa, hơn 10 hộ dân ở thôn Võng Nhi (xã Cẩm Thanh, Hội An) canh tác lúa hữu cơ. Chuyện từ cánh đồng lúa hữu cơ chỉ 7.000m2 này đặt ra câu hỏi: đâu là “tọa độ” cho một không gian sinh thái mà lâu nay chính quyền Hội An khuyến khích phát triển?
Bà Lê Thị Bốn (tổ 1, thôn Võng Nhi) cho biết, ruộng lúa hữu cơ của bà chỉ có 1 sào. Như mọi người, năm đầu tiên được hỗ trợ toàn bộ phân giống; từ năm thứ 2 trở đi không nhận được hỗ trợ nữa.
Bà nói: “Lúa thường chỉ 6 - 7 nghìn/kg nhưng lúa sạch là 14 nghìn. Quá lời. Nếu tôi tham gia sự kiện (nhà hàng “Cánh Đồng” thuê diện tích trên của người dân tổ chức sự kiện, giới thiệu lúa sạch, trình diễn chợ quê…- PV) thì họ trả tôi 1 buổi 400 nghìn đồng.
Nếu vụ đó gặt, trừ chi phí, tôi thu vô 3 triệu đồng, thì chỗ thuê ruộng tôi để làm sẽ trả tôi 4 triệu. Chừ tôi chỉ ưng có thêm ruộng để làm, nhưng đành chịu”. Còn anh Phan Tuấn Vân (trú thôn Võng Nhi), nói: “Lợi nhuận cao rất rõ. Tôi làm chỉ 220m2 vụ đông xuân là lời 2,2 triệu đồng, cái lớn hơn là giữ được môi trường”.
Canh tác lúa này nông dân không được sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ 11 hộ tham gia? Anh Nguyễn Văn Nhân (phụ trách kỹ thuật của mô hình trồng lúa hữu cơ tại thôn Võng Nhi) giải thích: “Có mấy lý do, thứ nhất, nông dân không tin là làm được, bởi họ sợ không dùng thuốc trừ sâu thì ốc bươu vàng, sâu bệnh, cỏ sẽ nhiều; dùng phân chuồng thì mất thời gian rải, trong khi phân hóa học thì rải 1 sào chỉ mất mấy phút. Dân không chịu phá bờ để liên cư liên địa, dù rằng mình sẽ cắm cọc ranh giới cho họ…
Nhưng cái chính là hình như vướng cơ chế, chứ về mặt kỹ thuật, tụi em chuyển giao trăm phần trăm, không hề bí mật, với mong muốn không chỉ bà con được hưởng lợi từ làm lúa về kinh tế, dịch vụ, mà cái quan trọng hơn là họ chạm được cảm xúc tích cực với lúa sạch, thấy được rằng mình hoàn toàn sống tốt và vui với việc này…”.
Cũng theo anh Nhân, tại Võng Nhi đang thí điểm trồng lúa ngủ đông, tức loại giống không cần ủ ra mầm mới đi gieo. Giống này là lúa địa phương Quảng Nam, gửi ra Thái Bình, tại đó có một công ty chuyên xử lý giống.
Khi xử lý xong, cất bỏ trong bao bình thường, muốn đem gieo lúc nào cũng được, không lệ thuộc vào thời tiết, thời gian, tránh được chuyện giống lúa thường đưa xuống nếu gặp lụt hay không có nước, sẽ chết. Điểm đặc biệt nữa là giống này gieo trên ruộng không cày.
Anh Nhân nói: “Đây là xu hướng của thể giới, cày sẽ giết chết vi sinh dinh dưỡng, quan trọng hơn là làm phát tán khí CH4 gây hiệu ứng nhà kính. Không cày bừa sẽ giảm chi phí cho bà con, đất sẽ tốt hơn vì dinh dưỡng trong đất không mất.
Thế giới đang theo xu hướng trao đổi tín chỉ carbon thì tại sao mình không mạnh dạn làm để đem ra chứng nhận với thiên hạ là cứ đến du lịch ruộng lúa ở đây, sẽ thấy nông dân mình làm được? Đây cũng là cách gián tiếp quảng bá, tạo thu nhập cho bà con”. Thực tế cho thấy, cây giống này đang phát triển bình thường trên ruộng lúa của anh Phan Tuấn Vân.
Vậy vướng cái gì? Ông Phan Xuân Thanh (chủ dự án trồng lúa hữu cơ tại thôn Võng Nhi) cho biết, điều quan trọng nhất chính là chính quyền phải dẫn dắt câu chuyện sinh thái. Nếu chính quyền nhìn nhận tốt về việc này, định vị rõ ràng, rằng xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm để đi xa hơn nữa, từ trồng trọt đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ rồi làm du lịch.
“Phải xác định là làm lúa sạch ở Hội An không đem ra cạnh tranh với thị trường, bởi cạnh tranh thì sẽ thất bại, mà sản phẩm này sẽ dùng chế biến sâu về thực phẩm, phục vụ nhu cầu cho khách du lịch. Hãy xem cây lúa là một thương hiệu quảng bá cho câu chuyện làm nông nghiệp sinh thái. Nó phải là một sản phẩm du lịch.
Một khi đã xác định rõ ràng như thế thì cách tiếp cận hỗ trợ sẽ khác, không nhìn nhận là hỗ trợ nông nghiệp nữa mà phải từ góc độ du lịch. Nói chuyện cơ chế thì cũng khó, ví dụ quy định hiện tại chỉ hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ từ 1ha trở lên, mà đây chỉ có 7.000m2. Còn nông dân ít tham gia, chuyện này không khó hiểu…” - ông Thanh chia sẻ.
Phải nói lại rằng, chính quyền chứ không ai khác là người dẫn dắt câu chuyện này. Đưa ra chiến lược phát triển sinh thái thì cần thử đặt ra 5 năm, 10 năm tới làm gì? Trả lời được câu hỏi này thì mới biết sẽ đi tới đó hay không.
Một khi chưa/không xác định được “tọa độ” cùng quá trình vận hành cho nó rơi chính xác, thì mỗi người phải tự xoay xở trong khả năng của mình để đạt được ao ước về câu chuyện sinh thái nông nghiệp.
Hội An hiện có 15ha lúa sạch. Vì sao ít? Câu trả lời là cái lắc đầu “khó lắm” từ một người có trách nhiệm!