Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của sinh viên mới ra trường, nhiều đối tượng đã lừa đảo để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là giới thiệu mình có quen biết với các quan chức hoặc đang làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp, có mối quan hệ rộng rãi, có thể xin việc làm…
Đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC 44) Công an tỉnh thụ lý vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Võ Thị Hạnh, tạm trú ở khối phố 7, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ gây ra trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012 đến thời điểm bị bắt, Hạnh lừa đảo nhiều người với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Lợi dụng sự tin tưởng của một số người, Hạnh tự xưng mình là cán bộ của ngành điện lực nên hứa sẽ xin cho con em của họ vào làm trong ngành. Sau khi nhận hồ sơ, Hạnh yêu cầu mỗi người đưa cho Hạnh số tiền từ 40 triệu đến 140 triệu đồng để lo “thủ tục”. Khi lấy được tiền, Hạnh không liên hệ xin việc mà chiếm đoạt số tiền này để tiêu xài cá nhân.
Đối tượng Đào Hùng Cường. Ảnh: P.NAM |
Trước đó, vào tháng 7 năm ngoái, Công an TP.Tam Kỳ đã bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đào Hùng Cường, quê Quảng Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cường vào Quảng Nam bán hàng đa cấp và “nổ” mình là kỹ sư để lừa các cô gái nhẹ dạ cả tin xin việc làm giúp họ. Cường bảo công ty gã làm việc đang cần nhân viên kế toán, và muốn được nhận vào làm ở vị trí này phải tốn 50 triệu đồng, trước mắt phải chung chi 5 triệu để “phải không” với ban giám đốc. 4 cô sinh viên mới ra trường quê Thăng Bình đã chung tiền cho Cường nhưng chờ mãi vẫn không có việc làm. Các cô nghi ngờ và nhờ người thân báo công an. Thấy Cường có dấu hiệu phạm tội nên Công an TP. Tam Kỳ đã bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đào Hùng Cường về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Cường khai nhận, vì muốn có tiền để tiêu xài cá nhân, nên đã thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên.
Mới đây, nạn nhân D.T. - sinh viên một trường cao đẳng ở Quảng Nam cũng gửi đơn đến cơ quan chức năng trình báo mình bị lừa khi xin việc làm. Là sinh viên, muốn có thêm tiền để trang trải học hành nên T. tìm việc làm bán thời gian để vừa làm vừa học. T. được giới thiệu vào một công ty đa cấp có trụ sở ở TP.Tam Kỳ với lời giới thiệu “công việc tốt, thu nhập ổn định”. Để trở thành thành viên của công ty và có sản phẩm để bán, T. buộc phải đóng 26 triệu đồng. Đáng nói là sản phẩm này trên thị trường có giá chỉ trên dưới 200 nghìn đồng nhưng công ty đưa ra giá lên đến gần 2 triệu đồng! Sau khi biết công ty có dấu hiệu lừa đảo, T. muốn hủy hợp đồng và rút lại số tiền đã nộp thì không được công ty chấp nhận.
Qua những vụ việc nêu trên, có thể thấy chiêu thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để xin việc làm không mới, nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”. Điều gây khó khăn cho cơ quan điều tra là mặc dù trên thực tế, số người bị lừa xin việc làm khá nhiều nhưng không đến cơ quan chức năng trình báo, vì ngại và vì không có chứng cứ pháp lý. Bởi phần lớn đối tượng lừa đảo lợi dụng sự quen biết nên nhận tiền khi hứa hẹn xin việc làm nhưng không bao giờ có giấy tờ biên nhận.
THẢO DÂN