Luân chuyển cán bộ, giáo viên giữa miền núi và đồng bằng: Nơi đến và đi đều khó

Xuân Phú 10/05/2013 09:42

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 146 (22.7.2009) của HĐND tỉnh, việc luân chuyển cán bộ, giáo viên (gọi tắt là giáo viên) từ miền núi về đồng bằng và ngược lại đều gặp nhiều khó khăn.

Đồng bằng thừa giáo viên

Nghị quyết 146 về luân chuyển giáo viên (GV) từ miền núi về đồng bằng và từ đồng bằng lên miền núi được thực hiện từ năm 2010. Theo ông Bùi Công Hai - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, qua 3 năm triển khai thực hiện (2010, 2011 và 2012), toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 614 GV từ miền núi về các huyện đồng bằng, thành phố trong tổng số 868 người thuộc đối tượng luân chuyển được thống kê trong danh sách theo đề án của UBND tỉnh. Về luân chuyển từ đồng bằng lên phục vụ giảng dạy ở miền núi, thời gian qua chỉ có 2 địa phương thực hiện là TP.Tam Kỳ với 15 GV tiểu học và THCS được điều động lên công tác tại huyện Nam Trà My và huyện Phú Ninh với 7 GV THCS lên làm nhiệm vụ tại huyện Tiên Phước. Nhìn chung, hầu hết GV luân chuyển từ miền núi về đồng bằng và ngược lại đã được các phòng GDĐT, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên bố trí công tác đúng với năng lực, sở trường của từng người để các thầy cô giáo tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Một lớp học ở vùng cao. Ảnh: X.P
Một lớp học ở vùng cao. Ảnh: X.P

Nghị quyết 146 nhằm giúp những GV có quá trình cống hiến cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc nhiều năm có điều kiện được về lại đồng bằng công tác theo nguyện vọng. Vì vậy, theo quy định của tỉnh, các huyện, thành phố phải có trách nhiệm tiếp nhận, phân công, bố trí công tác tất cả GV từ miền núi luân chuyển về. Trong 3 năm qua, các địa phương đều thực hiện nghiêm túc quy định này. Tuy nhiên, do không thiếu, thậm chí có địa phương đang thừa GV nên việc hàng năm phải tiếp nhận thêm người đã làm cho tình trạng thừa GV càng căng thẳng. “Nóng” nhất hiện nay chính là TP.Tam Kỳ. Là trung tâm tỉnh lỵ nên nhu cầu định cư và công tác tại thành phố này là rất lớn. Vì thế trong 3 năm qua, Tam Kỳ đã tiếp nhận 79 GV (10 mầm non, 27 tiểu học và 42 THCS) luân chuyển từ miền núi về trong tổng số 145 hồ sơ đăng ký. Theo ông Nguyễn Văn Lúa - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, thành phố đang chịu quá nhiều áp lực khi tiếp nhận GV. Trong khi số lượng GV đã vượt trên định mức quy định còn phải nhận thêm người, gây khó khăn trong việc bố trí công tác, kinh phí chi trả lương. “Việc luân chuyển GV thời gian qua chưa đảm bảo sự cân bằng giữa đến và đi. Tam Kỳ chỉ tiếp nhận chứ gần như không đưa đi dẫn đến áp lực lớn cho địa phương về việc dôi dư. Đó là chưa kể, nhiều trường hợp không nằm trong đối tượng luân chuyển về Tam Kỳ hay mua đất, mua nhà để hợp thức hóa rồi xin về cũng gây nên nhiều sức ép” - ông Lúa nói.

Không chỉ Tam Kỳ, một số huyện đồng bằng như Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn, Duy Xuyên… cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Theo ông Lê Tấn Trung - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, dù đã linh hoạt giải quyết theo nhiều phương án nhưng huyện vẫn không thể giải được bài toán thừa GV đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, 3 năm qua huyện Phú Ninh nhận 64 GV từ miền núi chuyển về khiến cho địa phương càng thừa thêm; ngược lại thiếu GV tiểu học nhưng lại không dám nhận vì không có kinh phí để trả lương. Do đó, năm 2012 huyện Phú Ninh trở thành huyện đầu tiên có văn bản đề nghị tỉnh cho địa phương không tiếp nhận GV THCS luân chuyển từ miền núi về để giảm bớt áp lực (tất nhiên đề nghị này không được chấp nhận).

Miền núi là “nơi tập sự”

Trong khi các địa phương đồng bằng đang lo lắng tình trạng thừa GV ngày một gia tăng khi thực hiện Nghị quyết 146 thì các huyện miền núi cũng mang nhiều “tâm sự” trước việc đội ngũ cốt cán ngành giáo dục của mình lần lượt ra đi. Theo ông Hồ Văn Ny - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, thực hiện theo quy định nên thời gian qua những  thầy cô giáo có nhiều năm công tác, kinh nghiệm giảng dạy ở miền núi lần lượt được chuyển về đồng bằng. Để bù lại khoảng trống mà họ để lại, địa phương phải tuyển GV mới ra trường. Rồi sau vài năm giảng dạy, đủ thời gian theo quy định, số này lại xin về đồng bằng. “Làm theo cách này thì không khéo trường học ở miền núi trở thành nơi thực tập cho GV đồng bằng. Do đó, sự hẫng hụt về chất lượng đội ngũ của giáo dục miền núi hiện nay và trong tương lai là điều không tránh khỏi” - ông Ny chia sẻ.

Nỗi lo của Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My là hoàn toàn có cơ sở; và không chỉ ông Ny, lãnh đạo nhiều huyện miền núi khác cũng bày tỏ lo ngại địa phương mình sẽ là “nơi tập sự” của GV trẻ. Có thể nói, sau thời gian bị “đóng băng”, thực hiện Nghị quyết 146, “dòng chảy” về đồng bằng trong đội ngũ GV ở miền núi đã được khai thông. Hơn 600 GV công tác lâu năm ở miền núi được luân chuyển trong 3 năm qua cũng đồng nghĩa với việc sự nghiệp trồng người nơi đây luôn phải thường trực vấn đề bổ sung GV trẻ mới ra trường để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Vì thế, lãnh đạo phòng GDĐT một huyện miền núi cho rằng, chất lượng giáo dục của miền núi đang bị ảnh hưởng, thậm chí hiện nay, tìm GV giỏi, nhiều kinh nghiệm để làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi thật khó. “Học sinh chúng tôi đang phải thường xuyên học tập với các thầy cô giáo trẻ chưa có kinh nghiệm giảng dạy thì mục tiêu nâng cao chất lượng đối với giáo dục miền núi, vùng dân tộc khó mà đạt được” - vị cán  bộ này nói.

Còn một lo ngại nữa mà các địa phương miền núi đề cập, đó là tình trạng GV năng lực không đáp ứng yêu cầu ở đồng bằng, lên miền núi để được vào biên chế rồi sau đó xin về. Vì vậy, các huyện miền núi kiến nghị nên để họ tuyển dụng GV mới có thể đánh giá đúng năng lực của từng người; đồng thời có sự ràng buộc giữa địa phương và GV, khắc phục được câu chuyện “lên để có công ăn việc làm và sau đó ngồi chờ về đồng bằng”. Riêng về đối tượng là cán bộ phòng GDĐT, nhân viên kế toán, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Công Thành, nên để họ được hưởng chính sách luân chuyển, tạo ra sự công bằng như tất cả GV. Hơn nữa, nếu không giải quyết cho đối tượng này thì rất khó trong việc điều động GV giỏi, cán bộ quản lý trường học giỏi về công tác tại phòng GDĐT.

Xuân Phú

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Luân chuyển cán bộ, giáo viên giữa miền núi và đồng bằng: Nơi đến và đi đều khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO