Những vướng mắc trong việc luân chuyển giáo viên là mối quan tâm lớn của huyện
Nhiều vướng mắc trong việc luân chuyển đã được cán bộ, giáo viên Tây Giang phản ánh đến Đoàn công tác của HĐND tỉnh.Ảnh: P. GIANG |
Loay hoay “đi, ở”
Cô Nguyễn Thị Kim Thương, giáo viên trường Tiểu học A Tiêng chia sẻ: “Năm 2013 đã là đợt thứ 3 tôi làm hồ sơ xin chuyển công tác về TP.Tam Kỳ. Hai lần trước, hồ sơ đều bị từ chối với lý do không có hộ khẩu gốc tại thành phố. Chồng tôi đang công tác tại Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, nhà cửa đều ở Tam Kỳ, cá nhân tôi đã công tác tại miền núi hơn 12 năm. Sức khỏe không đảm bảo, lại khó khăn trong việc chăm lo cho gia đình nhưng đến nay tôi vẫn chưa được giải quyết luân chuyển theo nguyện vọng”. Được biết, cô Thương là một trong số 49 giáo viên của huyện Tây Giang có nguyện vọng luân chuyển công tác về đồng bằng trong năm 2013 (theo Nghị quyết số 146/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa VII về luân chuyển cán bộ giáo viên ngành GDĐT). Vấn đề loay hoay “chuyện đi, ở” vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các giáo viên đang công tác tại các huyện miền núi.
Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, từ năm 2010 đến nay, địa phương đã thực hiện luân chuyển 76 cán bộ, giáo viên từ miền núi về đồng bằng; tiếp nhận 3 cán bộ, giáo viên lên công tác; hợp đồng tuyển mới 151 cán bộ giáo viên các bậc học từ mầm non đến THPT vào công tác. Đợt luân chuyển cán bộ giáo viên theo nội dung Nghị quyết 146, toàn huyện có 49 giáo viên (trong đó có 2 giáo viên ngoại tỉnh) đủ điều kiện nhưng chưa được luân chuyển công tác. Trước đó, năm 2012, toàn huyện có 42 giáo viên làm hồ sơ xin luân chuyển, trong đó có 8 giáo viên đủ điều kiện nhưng chưa thể luân chuyển theo quy định. Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GDĐT huyện Tây Giang, địa phương tiếp nhận giáo viên luân chuyển không đồng ý với lý do không có nhu cầu tiếp nhận hoặc các giáo viên này không có hộ khẩu gốc tại nơi chuyển đến. “Đơn cử như TP.Tam Kỳ, rất nhiều giáo viên có nguyện vọng luân chuyển công tác vẫn chưa được tiếp nhận trong khi các giáo viên ở các địa phương khác đều được giải quyết tương đối nhanh chóng” - ông Tín cho biết.
Ông Bùi Công Hai - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, toàn tỉnh có 868 giáo viên nằm trong lộ trình luân chuyển, nhưng hiện tại vẫn còn hơn 250 trường hợp chưa thể giải quyết. Thủ tục tiếp nhận cũng như một số vướng mắc ở khâu tiếp nhận đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác luân chuyển, chưa thực sự tạo tâm lý ổn định cho giáo viên an tâm công tác tại miền núi.
Nhiều vướng mắc
Trong quá trình thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi của tỉnh theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh, cũng như Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với cán bộ, giáo viên diện luân chuyển ở Tây Giang cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Hiện tại, nhiều giáo viên vẫn chưa được hưởng các khoản trợ cấp, hỗ trợ theo nội dung các văn bản trên, thậm chí nhiều giáo viên đã luân chuyển công tác hơn 2 năm vẫn băn khoăn về việc nơi tiếp nhận hay nơi chuyển công tác sẽ chi trả trợ cấp… Cô Lê Thị Thu Thủy, trước đây là giáo viên trường Tiểu học A Tiêng, nay đã chuyển công tác về TP.Tam Kỳ, nói: “Theo Nghị định 61, tôi được hưởng trợ cấp chuyển vùng với số tiền tương đương 6,5 triệu đồng. Nhưng, đến nay tôi vẫn chưa được nhận số tiền trên, và cũng chưa biết sẽ liên hệ với đơn vị, cơ quan nào để nhận”.
Ngay cả UBND huyện Tây Giang cũng đang loay hoay với việc thực hiện Nghị định 61 và Nghị quyết 146, do nguồn kinh phí theo Nghị quyết số 146/2009/NQ-HĐND, Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND của tỉnh chưa được phân bổ để thực hiện. Nhiều khoản hỗ trợ khác như trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tàu xe, cước hành lý... (theo Khoản 3, Điều 9 của Nghị định 61) cũng chưa thể chi trả. Cũng theo Nghị định 61, cán bộ, giáo viên công tác ở miền núi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học được hưởng chế độ trợ cấp tham quan, học tập bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong nước ít nhất mỗi năm 1 lần. Tuy nhiên đến nay nguồn kinh phí thực hiện vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện kinh tế, xã hội ở miền núi còn nhiều khó khăn, chủ trương luân chuyển giáo viên ở miền núi là một chủ trương đúng đắn, kịp thời động viên tinh thần cho cán bộ, giáo viên cống hiến tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi. Theo ông Nguyễn Công Thành, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các bên liên quan để đảm bảo thực hiện các nội dung trong việc luân chuyển giáo viên. Những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết luân chuyển về đồng bằng số cán bộ quản lý, giáo viên đã đủ điều kiện, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện việc chi trả cho cán bộ giáo viên đã đủ thời gian công tác nhưng chưa luân chuyển cần được sớm khắc phục…
Phương Giang