Luẩn quẩn giấy tờ tùy thân

CHÂU NỮ 22/11/2019 12:12

Ông La Gia Chức (SN 1947, tạm trú tại thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) phản ánh, cách đây 2 năm, ông đã có đơn đề nghị cấp chứng minh nhân dân (CMND) vì CMND cũ bị mất nhưng vẫn chưa được cấp do ông không có hộ khẩu thường trú. Cũng vì không có CMND hoặc bất cứ giấy tờ tùy thân nào, nên mặc dù một người quen ở xã Tam Phước đồng ý cho ông nhập vào hộ khẩu của người này và bản thân ông cũng có nguyện vọng như thế, song cuối cùng không thể thực hiện được vì muốn nhập hộ khẩu, ông phải có giấy tờ liên quan.

Công dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan chức năng. Ảnh: C.N
Công dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan chức năng. Ảnh: C.N

 Trao đổi với Báo Quảng Nam, ông La Gia Chức cho biết: Ông là người gốc Hoa, cha mẹ đã qua đời, không có con cái và anh chị em ruột, không có nhà cửa, không có chỗ ở cố định. Ông chỉ nhớ mang máng là đã được cấp căn cước công dân năm 1974 ở Sài Gòn(?). Ngày 30.12.2013, ông làm đơn báo mất căn cước trên đoạn được từ chợ Chu Lai đến Công ty Du lịch An Ny (thuộc địa bàn xã Tam Nghĩa, Núi Thành) nhưng do tuổi cao nên ông không còn nhớ số căn cước. Trong đơn xin cấp CMND gửi cơ quan công an, ông khai nguyên quán là phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ; nơi đăng ký hộ khẩu tạm trú là thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh...

Chung quanh câu chuyện của ông La Gia Chức, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Thúy - cán bộ Đội Quản lý hành chính Công an huyện Phú Ninh và được bà Thúy cho biết, ông Chức chưa đủ điều kiện để được cấp CMND vì chưa có hộ khẩu thường trú. Ông Chức cũng khai mình là người Hoa. Công an huyện Phú Ninh cũng đã liên hệ với bộ phận Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an tỉnh để được hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp của ông Chức nhưng vẫn chưa tháo gỡ được do ông không đủ điều kiện được cấp CMND theo quy định. Đồng thời Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64)  Công an tỉnh và Công an huyện Phú Ninh đã hướng dẫn Công an xã Tam Phước, ông Chức và chủ hộ (người đồng ý bảo lãnh cho ông Chức nhập hộ khẩu) phối hợp làm các thủ tục theo quy định để ông Chức có đủ điều kiện được cấp CMND. Tuy nhiên, bà Thúy cho biết, việc này rất khó. “Ông Chức tuổi đã cao, không nơi nương tựa và không có giấy tờ tùy thân, nên ông sẽ gặp khó khăn về nhiều mặt, nhất là khi đau ốm, nhập viện không có bảo hiểm y tế. Dù đã có người đồng ý bảo lãnh cho ông nhập hộ khẩu, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng rất muốn giúp đỡ để ông được cấp CMND nhưng theo quy định thì không thể được. Để được cấp CMND, ông Chức buộc phải có hộ khẩu thường trú” - bà Thúy chia sẻ thêm.

Đại tá Tô Dụng - Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 64) Công an tỉnh cho biết, theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an thực hiện quy định về CMND, đối tượng được cấp CMND là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Trường hợp ông La Gia Chức mang quốc tịch Trung Hoa, thủ tục đầu tiên ông phải có là quốc tịch Việt Nam. Sau khi được nhập quốc tịch, ông Chức phải đến Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội công an cấp huyện nơi ông đang sinh sống để được hướng dẫn đăng ký hộ khẩu thường trú và làm thủ tục cấp CMND theo quy định. Trong khi đó, để được nhập hộ khẩu vào nhà người quen, theo quy định của Luật Cư trú, công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Đối với  trường hợp của ông La Gia Chức, nếu xác định chỗ ở hợp pháp của ông là (ở nhờ) nhà người quen thì phải được người cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

“Tôi tuổi đã cao, sức yếu mà cứ mãi lẩn quẩn giữa chuyện nhập khẩu với xin cấp CMND khiến tôi rất mệt mỏi và không biết làm sao để có giấy tờ tùy thân. Chừ cơ quan chức năng có yêu cầu gì thêm thì tôi cũng chịu, không đi làm nổi” - ông Chức nói.

Đại tá Tô Dụng cho biết thêm, Quảng Nam còn một số trường hợp người Hoa có quốc tịch Việt Nam và ngành cũng đã xin ý kiến cấp trên tháo gỡ, xử lý vướng mắc này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Luẩn quẩn giấy tờ tùy thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO