"Luật rừng" trên đất vàng - Bài 1: Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC 18/04/2014 08:09

Mọi cửa ngõ, lối mòn vào bãi vàng 39 (thuộc xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn) đã được canh gác cẩn mật, người lạ khó tiếp cận hiện trường. Sự thật là “vàng tặc” đã làm thay nhiệm vụ của các lực lượng chức năng là kiểm soát người, phương tiện vào cửa rừng này.

“Vô phận sự miễn vào”

Để bảo mật tuyệt đối thông tin, chúng tôi không nhờ người địa phương dẫn đường vào các bãi vàng. Vượt qua sông Nước Mỹ khô cạn, có vô số lối mòn kiểu con lươn bò dẫn vào rừng phòng hộ Đắk Mi – nơi có nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 đóng chân. Cả chục đường mòn, vì sợ lạc nên chúng tôi phải lấy điện thoại ra chụp lại cảnh, mô tả để nhờ anh em chỉ dẫn. Hơn 30 phút “trực tuyến” qua điện thoại, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đường vào bãi vàng 39 (xã Phước Hòa) nhanh nhất. Từng lặn lội một tuần trong các bãi vàng âm u giáp với biên giới Việt - Lào, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nhưng lần này trong tôi vẫn len lỏi cảm giác bất an. Cả khu rừng ẩm ướt, chằng chịt dây leo bụi rậm, không một bóng người. Leo núi hơn vài cây số, rê từng bước nặng nề, mồ hôi vã như tắm, có lúc ý nghĩ rút lui thoáng xuất hiện trong đầu, nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng vào được tận nơi. Từ trong lán trại đơn độc giữa rừng, một gã thanh niên để tóc dài, thân hình xăm chi chít xồng xộc bước ra quát: “Ai cho tụi bay vào. Người của S. “râu” mới vào đây đã bị chúng tao thu súng rồi. Tao nói trước, không có quay phim chụp ảnh gì ở đây hết”. Chúng tôi phân bua: “Đây có phải là khu vực cấm, mấy anh đâu có quyền. Nếu bên trong không khai thác vàng, mắc mớ chi phải chốt giữ ở đây?” Người thanh niên tự giới thiệu tên Dũng (quê Thanh Hóa) cho biết: “Sếp Q. “bớp” bảo vậy, không cho người lạ vào. Đất nào cũng có luật hết. Mời anh xơi nước rồi về, bên trong chưa làm gì cả. Khi nào có sự đồng ý của sếp, tao mới cho vào”.

Một lán trại trái phép và cổng treo bảng “vô phận sự miễn vào” tại bãi 39 – xã Phước Hòa. Ảnh: H.P
Một lán trại trái phép và cổng treo bảng “vô phận sự miễn vào” tại bãi 39 – xã Phước Hòa. Ảnh: H.P

Mọi ngóc ngách vào bãi 39 đã được “vàng tặc” canh gác cẩn thận nên chúng tôi không thể nào vào được hiện trường, mà theo người dân địa phương phản ảnh là tàn phá vô tiền khoáng hậu ở vùng tây xứ Quảng. Bên lán trại chứa lương thực, thực phẩm phục vụ cho phu vàng khai thác dài ngày, 2 thanh niên theo dõi từng động tác nhất cử nhất động của chúng tôi. Để đánh lạc hướng, tôi ngồi xởi lởi nói chuyện xã giao, để ông bạn đồng nghiệp có thời gian quay phim, ghi lại những tiết lộ của đối tượng canh phòng. Qua lời kể của “vàng tặc”, chủ bãi vàng 39 này là của Q. “bớp”. Biệt danh Q. “bớp” là ai, ông này có thế lực như thế nào mà thuê người vào giữ cả bãi vàng trái phép, thì chỉ có người dân địa phương và cán bộ của huyện Phước Sơn mới nắm tường tận. Thông tin từ người dân, ở bãi 39 có hàm lượng vàng lớn, nhiều năm nay, không ít doanh nghiệp “dòm ngó” xin được cấp giấy phép hoạt động nhưng vượt quá thẩm quyền của tỉnh. Một thời gian dài, người của S. “râu” – một ông trùm thổ phỉ khét tiếng trên đất Phước Sơn đã thâu tóm bãi vàng này. Thế nhưng, sau khi chính quyền đưa lực lượng đến truy quét gắt gao, tình trạng khai thác trái phép đã tạm lắng xuống. Lợi dụng cơ hội này, nhờ sự “tạo điều kiện” của địa phương, Q. “bớp” đã thuê người nhảy vào chiếm lãnh địa, đẩy phe S. “râu” ra ngoài. Ông Nguyễn Viễn – Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường thông tin, do thiếu kinh phí truy quét bãi 39 thường xuyên nên địa phương đã cho Q. “bớp” vào bỏ chi phí thuê người giữ bãi. Ông Viễn không nắm cụ thể là UBND huyện Phước Sơn cho người vào giữ bãi bằng miệng hay văn bản, có điều từ ngày “thống trị” bãi này, người của Q. “bớp” đã ngày đêm tận thu vàng trái phép.

Bất thường

Xác định 6 xe múc trong khu “rừng cấm”
Trong đợt truy quét từ ngày 25.3 đến 6.4, đoàn công tác liên ngành của huyện Phước Sơn đã phát hiện 6 tổ làm vàng trái phép tại xã Phước Đức, phá hủy 15 máy nổ, 7 lán trại. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh vẫn còn 6 xe múc ở khu vực suối Đắk Ring, khe Lào thuộc địa phận huyện Nam Giang. Kiểm tra khu vực bãi Đá (xã Phước Hiệp) phát hiện tổ làm vàng có 10 lao động khai thác vàng lậu…

Nếu tính từ bờ sông Nước Mỹ lên bãi vàng 39, đường mở chỉ dài gần 5km, rộng hơn 1m nhưng các loại xe leo dốc địa hình như Win, Minsk vẫn có thể vận chuyển hàng hóa, dụng cụ, thiết bị máy móc khai thác vàng vào đến tận nơi. Đường thông kéo theo hệ lụy vô số cây cổ thụ bị triệt hạ không thương tiếc. Dọc bìa rừng, nhiều phách gỗ cưa tròn, rọc phách nằm la liệt. Đây là cái giá phải trả của tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn liên tục nhiều năm. Xót hơn, năm 2013 bãi 39 này đã cướp đi sinh mạng của 3 phu vàng quê ở Thái Nguyên. Máu, nước mắt đã đổ xuống đất, nhưng bao người vẫn không từ bỏ giấc mơ đổi đời. Trước “điểm nóng” vàng lậu ở khu vực bãi 39, trước Tết Nguyên đán, hàng loạt chiến sĩ công an địa phương đã cắt cử vào hiện trường chốt chặn, truy quét hơn 3 tháng ròng, song đến nay tình hình vẫn rất phức tạp. Trong Báo cáo của đoàn công tác liên ngành huyện Phước Sơn về kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn diễn ra từ ngày 25.3 đến 6.4 (số 02/BC-ĐCTLN, ngày 7.4.2014), chỉ có vài chữ đề cập, có biểu hiện tái khai thác trái phép tại bãi 39. Thực tế là nơi đây, “vàng tặc” đã hoành hành công khai, thậm chí kiểm soát luôn bãi.

Về việc mở đường trái phép, tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng trong khu vực 38, 39 – xã Phước Hòa, ông Trần Lanh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phước Sơn khẳng định: “Tôi chưa nghe anh em kiểm lâm đi trong đoàn công tác liên ngành của huyện thông tin. Đây là khu vực “nóng” nhất về khai thác khoáng sản. Bất cứ hành vi mở đường nào xâm hại vào rừng phòng hộ đều là sai hết”. Khi phóng viên nêu đối tượng tùy tiện chiếm bãi trong khu vực 39, ông Hoàng Hoa – Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn cho biết, không hề hay biết vì chưa thấy đoàn công tác liên ngành báo cáo. Từ trước tết, lực lượng công an huyện, dân quân xã đã cắt cử từ 5 - 7 người chốt chặn liên tục hơn 3 tháng, nhưng giờ đã rút hết quân về vì… thiếu kinh phí. “Địa phương đã nhiều lần xin tỉnh chi phí truy quét vào bãi vàng này nhưng chưa giải quyết nên bây giờ lực lượng chức năng của huyện chưa thể làm gì được. Tôi sẽ trao đổi lại với đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực này để có hướng chỉ đạo truy quét” – ông Hoa nói.

Các cơ quan chức năng, chính quyền huyện Phước Sơn có biết chuyện gì đang xảy ra tại bãi vàng 39. Dư luận ở Phước Sơn lâu nay luôn xầm xì, đây là bãi vàng có “số má”, được bảo kê “của ai đó”. Ai đã cho người của Q. “bớp” ngang nhiên hành xử theo kiểu “luật rừng” ở bãi vàng này? Dư luận đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC
Bài cuối: Trên bảo dưới không nghe

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Luật rừng" trên đất vàng - Bài 1: Nội bất xuất, ngoại bất nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO