"Luật rừng" trên đất vàng - Bài cuối: Trên bảo dưới không nghe

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC 21/04/2014 08:45

Hàng loạt doanh nghiệp khai thác vàng đã thông báo dừng hoạt động do giấy phép hết thời hạn, thế nhưng những “tối hậu thư” đưa ra của các cơ quan chức năng cũng chỉ là hình thức… trên bảo dưới không nghe.

  • "Luật rừng" trên đất vàng - Bài 1: Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Tranh thủ vơ vét

Có mặt ở “rốn vàng” Phước Hiệp (Phước Sơn) chúng tôi thấy nơi đây như đại công trường đang vào giờ lao động cao điểm. Tại đây, mỗi nhà máy khai thác vàng sở hữu một quả đồi. Vào ban đêm, ánh điện sáng lung linh tựa như một thị trấn nhỏ ở miền sơn cước. Sau 3 năm, trở lại miền đất này, mọi thứ gần như chưa mấy thay đổi, ngoại trừ con đường dẫn vào đã được mở rộng hơn. Ở Phước Hiệp, trước đây có 4 doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò, khai thác vàng gồm Công TNHH Nam Mai, Công ty TNHH Ngọc Lĩnh, Công ty TNHH Hữu Minh và Công ty CP Khoáng sản SSG chi nhánh Quảng Nam. Tuy nhiên, chỉ có Công ty TNHH Nam Mai là được phép tận thu vàng đến năm 2016; các công ty còn lại đã hết thời gian hoạt động, đang chờ gia hạn. Dù đã yêu cầu dừng sản xuất đối với các công ty hết thời hạn cấp phép, nhưng trong khu vực hầm lò vẫn thấy lao động ra vào, nhà ở công nhân vẫn mở toang cửa. Các nhà máy vàng không còn tuyển quặng, xay đá rầm rộ như trước đây, bây giờ chuyển sang tận thu thủ công. Số công nhân được giữ lại nhà máy ngoài việc bảo vệ lãnh địa còn kết hợp mót quặng công khai, không sợ bị lực lượng chức năng truy quét. Hệ lụy nhãn tiền của kiểu vơ vét này là các nhà máy vô tư xả nước thải ra suối, tùy tiện sử dụng công nhân mà không cần phải đóng bảo hiểm; thiệt hại lớn hơn là Nhà nước đã bị mất đáng kể nguồn thu ngân sách. Công ty CP Khoáng sản SSG chi nhánh Quảng Nam hiện có 20 công nhân bảo vệ tài sản tại nhà máy. Trong chuyến kiểm tra đầu tháng 4, lực lượng chức năng đã phát hiện ông Thái Văn Lân (SN 1982, khối 7, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) đã cùng 10 lao động bảo vệ nhà máy lập lán trại, tổ chức mót quặng trái phép.

Lợi dụng sự buông lỏng quản lý, các công ty khai thác vàng đã lấn sát rừng phòng hộ, nằm ngoài diện tích cho phép.
Lợi dụng sự buông lỏng quản lý, các công ty khai thác vàng đã lấn sát rừng phòng hộ, nằm ngoài diện tích cho phép.

Tiếp cận các nhà máy vàng ở Phước Hiệp, chúng tôi sửng sốt trước nguồn nước thải khổng lồ xả ra. Nhiều bể lắng xử lý chất thải độc hại đã cũ kỹ, hư hỏng nên nước thải đã đẩy hết ra sông, suối gần đó. Vào hiện trường bãi vàng Mồ Côi – xã Phước Hiệp, chi chít những hầm lò đánh nham nhở, từng khúc gỗ tròn nằm lăn lóc trên các lối đi. Từ ngày Nhà nước thông báo các doanh nghiệp phải đóng mỏ, tại “thung lũng vàng” Phước Hiệp đã có cuộc đua vơ vét tài nguyên khoáng sản trong lòng đất một cách gấp gáp. Giới thổ phỉ không từ bỏ tham vọng “tăm” vàng; còn các nhà máy cũng tranh thủ mở rộng tọa độ khai thác nằm ngoài phạm vi ranh giới cho phép trước đây. Các cơ quan chức năng đã “điểm danh” một số doanh nghiệp như Công TNHH Nam Mai, Công ty TNHH Ngọc Lĩnh, Công ty TNHH Hữu Minh và Công ty CP Khoáng sản SSG chi nhánh Quảng Nam, Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt và bãi Khe Tăng của Công ty TNHH Phước Minh đều tùy tiện lập lán trại, khu nhà ở công nhân, đường công vụ, xưởng chế biến mỏ, văn phòng khu vực mỏ… với một số diện tích nằm ngoài tọa độ đã ghi trong giấy phép.

Vô tư xả thải ra môi trường. Ảnh: H.P
Vô tư xả thải ra môi trường. Ảnh: H.P

Sai phạm hàng loạt

Không chỉ công ty hết phép sai phạm mà ngay cả các nhà máy khai thác vàng hợp pháp cũng nhiều lần bị xử phạt hành chính vì không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, Công ty TNHH Nam Mai đã bị xử phạt 95 triệu đồng trong hai lần xả thải trực tiếp ra môi trường, lén lút sử dụng hóa chất. Làm việc trong các hầm lò tăm tối, với nhiều cám dỗ trước những tệ nạn xã hội nhưng phần lớn chủ bãi gần như “qua mặt” chính quyền địa phương, không đăng ký tạm trú, tạm vắng cho công nhân. Sự kiện gần 100 người của Công ty TNHH Phước Minh tìm cách trốn khỏi bãi vàng vì bị ngược đãi lao động gần đây còn hé lộ một sự thật khác, chủ bãi này đã tuyển dụng 20 công nhân chưa đến tuổi lao động, 60 lao động chưa đăng ký tạm trú, tạm vắng với Công an xã Phước Thành. Theo tiết lộ của một cán bộ địa phương, sở dĩ công ty này không thực hiện quy định trên là để dễ dàng qua mắt lực lượng chức năng nếu bị kiểm tra. Và nữa, để “ém nhẹm” thông tin trong những tình huống không may người lao động bị tai nạn. Tương tự, nhiều doanh nghiêp khác như Công ty TNHH MTV Trường Sơn, Công ty TNHH Nam Mai cũng vi phạm quy định này.

Nợ hơn 1,7 tỷ đồng tiền thuế, đóng góp cho địa phương
Theo UBND huyện Phước Sơn, đến nay các Công ty CP Nghĩa Chánh, Công ty TNHH MTV Trường Sơn, Công ty TNHH Phước Minh, Công ty TNHH Ngọc Lĩnh, Công ty TNHH Nam Mai, Công ty TNHH Nghĩa Sơn, Công ty CP Khoáng sản SSG chi nhánh Quảng Nam  nợ  tổng tiền thuế, tiền đóng góp xây dựng trên địa bàn huyện hơn 1,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo ngày 7.4.2014 của đoàn công tác liên ngành huyện Phước Sơn, tại bãi G18 (thuộc xã Phước Thành, Phước Sơn), Công ty TNHH MTV Trường Sơn dù đã hết hạn nhưng vẫn đem 85 lao động tận thu quặng bình thường như có giấy phép. Diện tích xây dựng nhà máy, lán trại công nhân và bể xử lý nước thải nằm ngoài giấy phép đã hết hạn nhưng chưa lập hồ sơ thuê đất đúng quy định của Nhà nước. Trái khoáy hơn, khi đoàn công tác lập biên bản sai phạm thì lãnh đạo công ty này đã không đồng ý ký. Trong khi đó, các Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lý Châu Giang, Công ty TNHH Phước Minh tại bãi Muối (xã Phước Thành), Công ty TNHH Thành Lộc Sơn tìm cách “lánh mặt” với đoàn kiểm tra.

Cuối năm 2013, Sở Tài nguyên - môi trường đã phát đi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong thời gian chờ đợi cấp có thẩm quyền giải quyết gia hạn giấy phép phải dừng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến vàng tại khu vực đã được cấp phép. Thế nhưng, thực tế cho thấy sự buông lỏng trong công tác quản lý của ngành chức năng và chính quyền huyện Phước Sơn đã “tiếp sức” cho các công ty vơ vét khoáng sản và “giết chết” bao cánh rừng, dòng sông, con suối. Trả lời việc một số doanh nghiệp hết hạn giấy phép vẫn hoạt động bình thường, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết: “Khó đuổi họ đi trong lúc này vì trước đây UBND tỉnh cấp giấy phép cho doanh nghiệp với thời hạn quá ngắn, trong khi họ bỏ vốn đầu tư lớn. Hiện hồ sơ xin gia hạn của doanh nghiệp đang chờ giải quyết”. Cũng cần nói thêm rằng, trước đây thẩm quyền cấp phép thuộc UBND tỉnh, nhưng theo quy định mới thì thuộc cấp trung ương. Nhiều doanh nghiệp khai khoáng dở khóc dở cười, bất chấp hoạt động trái phép để bù chi phí đầu tư.

“Vòng xoáy” của vàng đã lấy đi bao nước mắt, máu và tính mạng của nhiều người. Nếu chính quyền, ngành chức năng của tỉnh, huyện Phước Sơn mạnh tay xử lý thì đại ngàn sẽ không còn cảnh mất bình yên như hiện nay.

 Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Luật rừng" trên đất vàng - Bài cuối: Trên bảo dưới không nghe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO