Luật tục giúp bộ tộc tại Indonesia giữ rừng

QUỐC HƯNG 17/11/2023 18:02

(QNO) - Bộ lạc Lindu khoảng 5.000 người sống ở trung tâm Công viên quốc gia Lore Lindu (Indonesia) - khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận - là hình mẫu về cách con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa.

Hồ Lindu ở Trung Sulawesi, Indonesia. Ảnh: JP
Hồ Lindu ở tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia. Ảnh: JP

Công viên quốc gia Lore Lindu - khu vực rừng được bảo vệ nằm trên đảo Sulawesi thuộc tỉnh Trung Sulawesi.

Mỗi buổi sáng, Abter Tendesabu xỏ ủng, cầm vật dụng làm nương rẫy đến trang trại trong rừng. Ông nghe tiếng ve sầu. "Chúng cảnh báo rằng tôi đã vào rừng" - Abter thuộc bộ tộc Lindu nói. 

Tại Indonesia - đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nạn phá rừng và môi trường sống suy giảm, công viên rộng lớn Lore Lindu trở nên khác biệt. Đây là nơi sinh sống của một số loài động vật hoang dã nguy cấp gồm chim mỏ sừng, khỉ lùn và khỉ babirusas.

Ông Manya Rambangudu - người dân làng Lindu cho biết, công viên rộng khoảng 218 nghìn héc ta này được hưởng lợi từ cách tiếp cận đặc biệt của cộng đồng Lindu trong việc bảo tồn rừng, bắt nguồn từ luật tục được truyền lại từ tổ tiên.

"Tôi nghĩ cách chúng tôi áp dụng ở Lindu rất đặc biệt vì nó có thể ngăn ngừa xung đột giữa người dân và Chính phủ trong việc quản lý rừng, ở đó có sự tham gia quản lý và điều hành của Nhà nước" - ông Manya Rambangudu chia sẻ.

Các quan chức hành chính làm việc với một hội đồng luật tục gồm người lớn tuổi và đại diện làng được gọi là Totua Ngata để đảm bảo các quy tắc được tôn trọng và thực thi.

Luật tục cũng được dạy cho học sinh tiểu học để các em có thể học hỏi những giá trị của tổ tiên ngay từ khi còn nhỏ.

Ông Nurdin Yabu Lamojudu - Chủ tịch Hội đồng bộ lạc Lindu cho hay, các quy tắc phong tục chia rừng thành 4 khu. Mỗi khu có cấp độ tiếp cận và quản lý khác nhau.

Trong đó, bao gồm khu vực không dành cho tất cả mọi người bởi đó là nhà của các linh hồn và tổ tiên; khu dành cho nơi người dân Lindu có thể thu thập một số loại cây và gỗ như mây, tre và thảo mộc để sử dụng hằng ngày; khu vực để bộ lạc Lindu thực hành du canh, trồng lúa, bắp, sắn và các loại cây trồng khác bằng phương pháp truyền thống; khu vực dành cho các loại cây trồng chính như ca cao, cà phê, trái cây và rau quả để bán ngoài chợ.

Hồ của Công viên Lore Lindu cũng được chia thành 3 khu vực. Việc đánh bắt cá bị cấm ở vùng lõi; vùng đệm cho phép đánh bắt bằng các thiết bị và phương pháp truyền thống; cuối cùng là vùng cho phép đánh bắt cá bằng bất kỳ thiết bị và phương pháp nào.

parkofindonesia
Chim chóc tại Công viên quốc gia Lore Lindu. Ảnh: Parkofindonesia

Các biện pháp trừng phạt gọi là givu để áp dụng đối với người không tuân theo luật tục, như phạt một con trâu, tiền mặt hoặc thậm chí trục xuất khỏi cộng đồng Lindu.

Các quan chức của công viên và hội đồng bộ lạc làm việc cùng nhau để tuần tra, giám sát khu rừng và trừng phạt bất kỳ ai vi phạm các quy tắc.

Người Lindu có một triết lý sâu xa về khu rừng mà họ sinh sống rằng: "Nơi này là cuộc sống của tôi. Nếu bạn muốn sống, đừng phá hủy nơi bạn sống". 

Luật tục là những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc do các cộng đồng làng xã xây dựng nên và được truyền từ đời này qua đời khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Luật tục giúp bộ tộc tại Indonesia giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO