Lục bát... tức vận

PHAN VĂN MINH 18/02/2018 02:06

Từ xưa, thơ lục bát đã có những biến thể vô cùng đa dạng, thậm chí không cần tuân thủ những niêm luật truyền thống. Theo một nhà nghiên cứu, từ một cặp thơ lục bát có thể phô diễn thành 256 cách khác nhau. Ý kiến này có thể là cường điệu chăng? Dù sao, trong thực tế cũng đã có nhiều hình thức khá quen thuộc như lục bát chuyển nhịp, chuyển vận, trắc vận, lục bát cưỡng từ, cưỡng thanh, lục bát bút tre…

 Ở đây, người viết muốn nhắc tới một hình thức lục bát mới xuất hiện bên các… bàn nhậu. Đặc điểm chung của loại thơ này là gây cười. Có thể đó là do hiệu ứng “tức ngược” từ cách hạ âm trắc ở chữ thứ 8 của câu bát:

Xa kia phải ruộng ngò xanh?

Đó là rau muống nấu canh… đấy chứ!

Có thể là vì hai chữ thứ 6 và 8 đều cùng thanh huyền hoặc thanh ngang:

Hương Giang sóng nước bồi hồi

Chờ nhau chẳng đặng nên thôi… đi luôn.

Hoặc là do “lạc vận” giữa hai câu sáu, tám:

Tam Thanh sóng vỗ dập dồn

Ba cô thiếu nữ ngửa… lưng ra bơi.

Cũng có thể là do sự tương phản trong nội dung bị cố tình bỏ dở:

Trông xa cứ tưởng cô nàng

Đến khi giáp mặt lại càng… cô ta.

Và càng khó nín cười khi câu tám lại “trật đường ray” cả về hình thức lẫn nội dung:

Cơm ăn mỗi bữa một lưng

Nước uống cầm chừng để dạ… uống tiếp.

Còn nhớ một lần công đoàn cơ quan tổ chức cho chị em đi thuyền dọc sông Thu Bồn. Tối đến, cả đoàn tổ chức sinh hoạt tại thôn Đại Bình, có mời một số đại diện các trường quanh vùng đến dự. Trong tiết mục “thi thơ có thưởng”, người dẫn chương trình “thả ra” những cặp lục bát “rớt chữ”, mời mọi người “nhặt vào”. Trong cặp đầu tiên, câu bát “rớt” 4 chữ:

- Theo anh về với Thu Bồn/ Mời em xuống lội…

Chị em không ai trả lời, chỉ thầm thì với nhau rồi cười khúc khích. Một vị đại biểu là giáo viên trong vùng liền giơ tay ứng thí:

- …Mời em xuống lội rửa hồn một đêm.

Mọi người vỗ tay khen hay. Nhưng ban tổ chức chưa chịu duyệt với lý do “hồn” làm sao mà rửa được. Anh giáo viên cãi:

- Vậy đáp án của ban tổ chức là gì?

- Thì cái gì rửa được mới rửa. Chẳng hạn: “Mời em xuống lội rửa tay anh xem”.

- Trời! Sao nghe ngang phè vậy?

- À thôi, chuyện này để bàn sau. Xin tiếp tục với cặp lục bát thứ hai, lần này câu bát bị “rớt” 6 chữ: “Qua sông về với Đại Bình/ Thấy em…”

Thầy giáo ban nãy lại giơ tay, quyết ẵm giải:

- Thấy em nằm ngủ một mình anh lo.

Cử tọa lại vỗ tay tán thưởng, nhưng MC vẫn không chịu chấp nhận với lập luận đầy sức thuyết phục:

- Câu của anh cũng hay đó, nhưng hơi… vô duyên. Em ngủ một mình trong nhà của em thì mắc mớ gì mình phải lo? Đáp án của chúng tôi cũng gần giống như của anh nhưng có lý hơn. Đó là: “Thấy em nằm để cửa. Mình anh lo”.

Anh giáo viên la lên:

- Thơ lục bát chi mà chấm giữa câu, kỳ rứa?

- Ờ thì viết có chấm, nhưng khi đọc thì không. Quý vị thử xem!

- Vậy hai câu trả lời của tôi không có giải sao? - Thầy giáo vẫn kèo nèo.

- Thôi được, ban tổ chức vẫn trao anh cả hai giải. Nhưng xin nói thật rằng thơ của anh hơi cổ điển. Ngày nay người ta làm lục bát kiểu mới rồi.

- Kiểu đó gọi là kiểu gì?

- Thơ lục bát tức vận đó anh!

“Lục bát tức vận”! Đọc những câu loại này với một anh bạn thơ thuộc hàng “chính đạo”, anh cũng bật cười nhưng rồi nghiêm mặt phán:

- Kiểu này thì mỗi bài chỉ được hai câu, cũng chỉ để cười mà thôi. Giá trị gì!

Ừ thì chỉ hai câu mà làm cho thiên hạ cười được cũng đã quý rồi. Chẳng phải “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” đó sao?

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lục bát... tức vận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO