Hơn 4 tháng qua, kinh tế Quảng Nam đã có dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, thiếu quỹ đất sạch vì giải phóng mặt bằng ì ạch đã trở thành lực cản cho các dự án triển khai thực hiện đúng như kế hoạch.
Những điểm sáng
Sở KH&ĐT cho hay, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015 đã thực hiện đạt hơn 34% kế hoạch. Giải ngân nhiều nhất là nguồn vốn trái phiếu chính phủ hơn 37%, nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh gần 35% và nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương khoảng hơn 27%. Theo Chi nhánh NHNN Quảng Nam, nguồn vốn huy động mấy tháng qua tăng trưởng ổn định, tăng gần 9% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế gần 28.140 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nợ xấu cũng đã giảm đến 28,4% so với đầu năm, chỉ chiếm khoảng 0,64%/tổng dư nợ. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam cho biết thanh khoản đã ngày càng được cải thiện, nợ xấu dần được kiểm soát, huy động vốn và cho vay sẽ tiếp tục gia tăng. Đầu tàu để kéo tăng trưởng tín dụng vẫn chủ yếu ở các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đây là cơ hội để ngân hàng mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Giải phóng mặt bằng đường cao tốc (ảnh trên) và đường cứu hộ, cứu nạn (ảnh dưới) đang được Quảng Nam tiến hành khẩn trương. |
Các chỉ số giải ngân từ vốn ngân sách hay vốn tín dụng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy một lượng vốn lớn đã đổ vào nền kinh tế, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của Quảng Nam. Những dự án như đường Phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn Thăng Bình, đường Nam Quảng Nam, dự án thu gom xử lý nước thải và thoát nước Tam Kỳ, giải phóng mặt bằng quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua Quảng Nam... đã được tiếp thêm nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công. Chỉ số công nghiệp tăng mạnh ở nhóm xe có động cơ (61%) và nhóm sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (46,3) và chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tăng 5,8%. Thu ngân sách cũng đã tăng đến 70% so với cùng kỳ, hơn 46% dự toán năm. Một thống kê khác cho biết, hơn 4 tháng qua đã có thêm 251 doanh nghiệp được thành lập, nhưng chỉ có 131 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và 20 doanh nghiệp giải thể. Điều này có thể lý giải doanh nghiệp đang có cơ hội phục hồi, tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư sản xuất và nhiều doanh nghiệp khác sẵn sàng gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư Quảng Nam cũng được cải thiện khá nhiều khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 vừa được VCCI công bố đã tăng 13 bậc, xếp thứ 4 trong vùng duyên hải miền Trung, chiếm vị thứ 14/73 tỉnh, thành cả nước.
Vẫn còn thách thức
Nếu như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều đã gia tăng thì giá trị xuất khẩu 4 tháng qua đã giảm gần 13,4%, chỉ bằng 20,4% kế hoạch năm. Suy giảm nhiều nhất thuộc khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 16,6%, khu vực FDI giảm 12,4% và doanh nghiệp nhà nước giảm 12%. Giá trị nhập khẩu cũng chỉ tăng ở khối ngoài nhà nước, còn khu vực quốc doanh và FDI lại suy giảm quá mạnh. Thậm chí như Công ty Giày Rieker Việt Nam, gần 4 tháng qua, giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giày của công ty này đã giảm hơn 51,3%. Còn giải ngân vốn cho vay đóng tàu vẫn đang ì ạch. Hiện chỉ mới có 3/65 dự án được phê duyệt được đầu tư và giải ngân vốn. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho hay, xuất khẩu giảm 13% nhất là da giày, đơn hàng sản xuất bấp bênh. Lý do là công ty mẹ gặp khó khăn đơn hàng. Đơn hàng có nhưng tình hình lao động khan hiếm. Doanh nghiệp mở rộng sản xuất nên biến động lớn nhân lực. Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn cho hay, thu ngân sách tăng khá nhưng nhiều doanh nghiệp địa phương như yến sào hay doanh nghiệp FDI bị sụt giảm nguồn thu. Giảm mạnh nhất là bia, Rieker không sản xuất…
Việc thiếu quỹ đất sạch và ì ạch trong giải phóng mặt bằng vẫn đang là rào cản lớn cho các dự án triển khai. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương, ban quản lý cần nhanh chóng tiến hành giải ngân vốn đầu tư, giải quyết dứt điểm các tồn đọng về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ, bàn giao cho nhà đầu tư đúng tiến độ. Trên thực tế, đã có những dự án lớn mất hơn 5 tháng mà vẫn không giao được mặt bằng cho nhà đầu tư. “Giải phóng mặt bằng liên tục bị ách tắc, không thể có đất sạch cho các nhà đầu tư hiện đang là vướng mắc lớn. Tại sao cứ thay đổi liên tục và bố trí những con người không đủ năng lực linh hoạt, không đủ khả năng tuyên truyền, vận động, ứng xử với nhân dân thì làm sao có thể giải quyết nhanh việc đền bù giải phóng mặt bằng. Sẽ phải rà soát để sắp xếp lại đội ngũ thực thi công vụ này. Nhà đầu tư rất cần đất sạch nhưng tiến độ ì ạch, không có đủ mặt bằng thì nguy cơ nhiều nhà đầu tư sẽ bỏ đi hoặc thiếu mặn mà đầu tư vào Quảng Nam là điều có thể xảy ra” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG