Lực cản từ nguồn nhân lực

QUỐC TUẤN 15/12/2017 14:44

Các vấn đề về nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ được xem là những nhân tố cản trở đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội đối với khu vực Nam Trung Bộ khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ. Ảnh: Q.T
Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ. Ảnh: Q.T

Thời gian gần đây, cụm từ “đổi mới sáng tạo” xuất hiện khá nhiều trong các hội nghị, diễn đàn, kênh truyền thông khi cuộc cách mạng 4.0 đang dần bùng nổ và tác động nhất định tới Việt Nam. Tuy vậy, theo các chuyên gia, hiệu suất đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước thuộc nhóm thu nhập cao và thu nhập trung bình, chỉ số kinh tế tri thức cũng rất thấp (chỉ đạt 3,4 điểm - năm 2012), nguồn lực nhà nước và xã hội đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Cuộc cách mạng 4.0 được dự đoán sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực công nghệ và đổi mới sáng tạo thay cho yếu tố đầu vào truyền thống, từ đó sẽ tạo cơ hội lớn cho lao động có kỹ năng và tay nghề cao. Thế nhưng, đây lại là điểm yếu chỉ mới bước đầu được cải thiện ở khu vực miền Trung.

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ lao động được đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong khu vực miền Trung mới chỉ đạt 13,9% (thấp hơn bình quân cả nước 14,6%), số lượng sinh viên chính quy trong vùng đạt khoảng 200 nghìn (mới chiếm khoảng 12%) trong khi tỷ lệ giảng viên cũng chỉ chiếm khoảng 10% cả nước.

Tại cuộc hội thảo “Đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững vùng và địa phương trong bối cảnh mới” vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng do Viện Khoa học - xã hội (KHXH) vùng Trung Bộ tổ chức, TS. Phạm Huy Thành - Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chất lượng nguồn lao động ở nước ta nói chung và khu vực miền Trung nói riêng còn hạn chế, cơ cấu lao động theo ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập khi số lao động có trình độ ở nhóm ngành kỹ thuật đang có xu hướng giảm mạnh (từ 26% xuống 21%) trong khi lao động nhóm ngành xã hội nhân văn lại tăng cao. Mạng lưới doanh nghiệp ở vùng Nam Trung Bộ vẫn còn khiêm tốn cả về lượng và chất. Theo Tổng cục Thống kê, hiện có hơn 97% số doanh nghiệp ở khu vực nằm trong nhóm nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp công nghiệp có cải tổ lớn về công nghệ trong 10 năm qua chỉ đạt 9,3%.

Hiện ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng là điểm sáng trong đổi mới sáng tạo khi xây dựng và phát triển được một hệ sinh thái khởi nghiệp. Để có được điều này, theo ông Võ Duy Khương - Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho rằng, 3 yếu tố quan trọng nhất để dẫn tới sự khởi sắc của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng chính là vai trò điều phối của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp, vai trò tiên phong của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và sự hỗ trợ của chính quyền thành phố. Nhờ vậy, Đà Nẵng đang dần thu hút được đội ngũ trí thức có tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong đó có những dự án và nhân lực đến từ hai đầu đất nước. Bước đầu, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đã mở được 4 khóa khởi nghiệp sáng tạo với khoảng 40 dự án triển vọng được “ươm tạo”, trong đó, có nhiều dự án đã gọi được vốn đầu tư, tiêu thụ được sản phẩm ra thị trường…

Khu vực miền Trung hiện có 5 tỉnh, thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tuy nhiên sự liên kết của các địa phương còn rất lỏng lẻo dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển nhiều lĩnh vực. Hiện nay, các tiêu chí đơn vị lữ hành, khách sạn, lượng khách, hướng dẫn viên… 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đang phát triển rất tốt và ý thức được việc liên kết, tuy nhiên ở Quảng Ngãi và Bình Định lại rất khiêm tốn. Thậm chí ở một số mặt như lực lượng lao động du lịch hay số đơn vị lữ hành thì Thừa Thiên Huế hay Quảng Nam cũng còn rất ít ỏi. Theo PGS-TS. Nguyễn Đình Hiền - Trường Đại học Quy Nhơn, các tỉnh Trung Bộ cần liên kết, hợp tác xây dựng không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất, đặc biệt cần chú trọng khai thác du lịch văn hóa nội vùng và liên vùng để du lịch trong vùng phát triển bền vững và toàn diện.

Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp - Viện KHXH vùng Trung Bộ, việc phát triển năng lực công nghệ của các doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ là bức thiết nếu muốn tạo ra sự tăng trưởng bền vững và thúc đẩy nền kinh tế vùng phát triển mạnh. Hiện tại, cơ cấu công nghệ đến từ các quốc gia phát triển vượt bậc về KH&CN như Mỹ, Canada, Hàn Quốc… ở các doanh nghiệp công nghiệp Nam Trung Bộ còn rất thấp dẫn tới công nghệ sản xuất khó bắt kịp các nơi khác. Thực tế, còn rất nhiều vấn đề cản trở sự đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tập trung vào tài chính, trình độ lao động, máy móc thiết bị… Số doanh nghiệp trong vùng bị thua lỗ rất đáng báo động (chiếm tới gần 40%) trong khi các doanh nghiệp phụ trợ lại không có nhiều cơ hội để phát triển mạnh do rất ít “sếu đầu đàn” hiện diện tại khu vực này.

Để tiếp thu và phát triển thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong tương lai, khu vực miền Trung cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo ra lợi thế cạnh tranh, yếu tố tiên quyết là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vấn đề này đang tạo ra sự trăn trở lớn bởi nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực đang rất khiêm tốn. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đồng tình với việc cơ sở giáo dục trong khu vực cần nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến. Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, Bộ GD&ĐT cần tăng cường sự quan tâm đến các cơ sở giáo dục của vùng trong đó cần thiết phải nâng cấp một vài trường đại học trong khu vực thành đại học vùng hoặc đại học quốc gia để đáp ứng nhu cầu đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lực cản từ nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO