Chuyển giao, ứng dụng công nghệ và kết nối giao thương là động lực để tăng năng suất, sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Tăng năng suất
Để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Hợp tác xã (HTX) Trầm hương Nông Sơn (xã Quế Lộc, Nông Sơn) đã tiếp cận vốn hỗ trợ 300 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam, đầu tư 2 máy sản xuất nhang hương tự động.
Ông Trần Quý Trung - Chủ tịch HĐQT HTX Trầm hương Nông Sơn cho biết, trước đây sản xuất thủ công cho năng suất thấp, tốn thời gian, nhân công, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thời gian bảo quản ngắn, giá thành sản phẩm cao.
Sau khi sản xuất theo dây chuyền tự động thì năng suất tăng gấp 2, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, tăng thời gian bảo quản, giá thành sản phẩm hạ. “Máy móc mới giúp hàng hóa chất lượng, xâm nhập sâu vào thị trường, tăng lợi nhuận cho HTX” - ông Trung nói.
Thời gian qua, từ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn ở các làng nghề đã hình thành các tour du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm như ở làng nghề nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ), làng nghề nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), làng nghề sản xuất nhang hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình)…
Loại hình du lịch nói trên ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài bởi những giá trị văn hóa lâu đời và phương pháp sáng tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng ở mỗi địa phương.
Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thành Nhật Minh (thị trấn Trung Phước, Nông Sơn) cũng đã tiếp cận nguồn vốn khuyến công 300 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam để đầu tư máy CNC đục tượng.
Ông Nguyễn Văn Nhị - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thành Nhật Minh cho biết, sử dụng máy CNC tự động đục tượng giúp năng suất tăng gấp 3 lần, sản phẩm đều, đẹp, độ chính xác cao, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công.
Ứng dụng máy móc hiện đại còn giúp doanh nghiệp đa dạng mẫu mã, sản phẩm được sản xuất hàng loạt, số lượng lớn giúp tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, dễ phân phối sản phẩm hàng hóa lớn đến người tiêu dùng.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam cho rằng, giúp doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất đã khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trên thị trường.
“Chúng tôi muốn trợ giúp doanh nghiệp mở rộng các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động tham gia sản xuất và lợi nhuận cao cho doanh nghiệp”- ông Phúc nói.
Kết nối thị trường
Từ 140 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam, HTX Nông - ngư nghiệp Núi Thành (thôn Long Thành, xã Tam Tiến, Núi Thành) đã đầu tư máy móc hiện đại phục vụ chế biến chả cá sạch, nhất là kho đông lạnh để bảo quản nguyên liệu và các sản phẩm chả sau chế biến.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Chủ tịch HĐQT HTX Nông - ngư nghiệp Núi Thành cho biết, sau khi đầu tư, quy trình chế biến các loại chả cá sạch được thực hiện bài bản, tăng năng suất, chất lượng, được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, đáp ứng yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng.
Sau khi đầu tư máy móc mới, lượng sản phẩm chả cá bán ra thị trường nhiều hơn, tăng doanh thu, lợi nhuận. Để tăng thêm quy mô sản xuất, kinh doanh, tại thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, HTX Nông - ngư nghiệp Núi Thành đã mở điểm bán hàng cho các loại chả cá nói riêng, các hàng hóa công nghiệp nông thôn khác như nước mắm, dầu ăn, các loại bánh, tinh dầu…
“Để đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn vươn xa trên thị trường, tôi đặc biệt đầu tư giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, tham gia các hội chợ, triển lãm, các gian hàng xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Thương mại điện tử cũng là kênh để tôi mở rộng thị trường cho hàng hóa” - ông Mạnh nói.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, để sản phẩm, hàng hóa công nghiệp nông thôn vươn xa trên thị trường, ngoài nâng cao năng lực quản lý, các HTX, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, makerting hiệu quả. Quảng Nam luôn khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường đem lại giá trị kinh tế cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, mỗi năm Quảng Nam đều tổ chức bình chọn, vinh danh những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để tiếp sức giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Rất đáng mừng là đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tích cực trong thiết kế, sáng tạo những mẫu mã mới, diện mạo mới cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, qua đó tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng thị trường, từng bước vững chắc hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.