Lực đẩy tín dụng chính sách ở miền núi

VIỆT NGUYỄN 23/05/2022 06:35

Cuối tuần qua, UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam, Bộ LĐ&TB-XH tổ chức hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022 - 2025 tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng chủ trì hội thảo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng chủ trì hội thảo. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, hiệu quả, vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách đối với phát triển khu vực miền núi đã được khẳng định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, dịch bệnh; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; thiếu cơ chế lồng ghép hiệu quả giữa tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm…

Vậy nên, tại diễn đàn rất cần nghe những câu chuyện từ thực tiễn, đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa tín dụng chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cú hích giảm nghèo

Ông Nguyễn Văn Lượng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm & vay vốn thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My) cho biết, nhờ vốn từ Ngân hàng CSXH Quảng Nam mà nhiều người dân nghèo, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã phát triển kinh tế, thoát được nghèo.

Đến cuối năm 2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các tỉnh miền Trung & Tây Nguyên là 87.466 tỷ đồng (chiếm 35,27% dư nợ toàn quốc) với hơn 2,6 triệu hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách còn dư nợ. Dư nợ tập trung vào các chương trình cho vay hộ cận nghèo với 17.018 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 16.758 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 13.538 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 12.021 tỷ đồng, giải quyết việc làm 9.667 tỷ đồng... Các tỉnh, thành kiến nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam quan tâm bố trí thêm nguồn vốn tín dụng chính sách và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động ở miền núi.

Từ nguồn vốn chính sách, cả 50 hộ trong tổ của ông Lượng có điều kiện phát triển mô hình trồng sâm hiệu quả, nhờ đó không chỉ thoát nghèo bền vững, có nhà ở khang trang, mà còn có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng chính sách hàng chục tỷ đồng.

“Bản thân tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cách làm này cho người dân nơi đây. Tôi cùng 50 hộ trong tổ sẽ tiếp tục gửi tiền tiết kiệm đến ngân hàng chính sách để tăng thêm nguồn vốn giúp những hộ nghèo khác được vay. Mong Ngân hàng CSXH Việt Nam xem xét nâng mức cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và sớm triển khai cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý ở miền núi” - ông Lượng nói.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Trưởng ban Đại diện HĐQT Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My chia sẻ, cùng với các hỗ trợ khác, tín dụng chính sách là nguồn lực quan trọng giúp địa phương thực hiện tốt giảm nghèo.

Trong 5 năm qua, doanh số cho vay tại địa phương hơn 205 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 5.854 hộ nghèo, chính sách có vốn để phát triển kinh tế, góp phần quan trọng giúp 2.367 hộ ở địa phương thoát nghèo.

Từ câu chuyện ở Nam Trà My và các mô hình khác liên quan, nhiều đại biểu khẳng định, tín dụng chính sách là điểm sáng trong giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh, góp sức xây dựng nông thôn mới ở miền núi.

Đặc biệt, đã làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ sợ vay, không dám vay đến mạnh dạn vay vốn và làm ăn hiệu quả. Đồng thời giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội. Đáng tuyên dương những người dân miền núi tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, sáng tạo để vươn lên làm giàu và góp sức xây dựng quê hương.

Thêm nguồn lực

Theo ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách ở khu vực miền núi, Quảng Nam và các tỉnh cần triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư, xác định đây là công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Nguồn vốn chính sách góp phần tạo điều kiện để nhiều hộ dân thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My) phát triển vườn sâm, vươn lên làm giàu. Ảnh: H.A
Nguồn vốn chính sách góp phần tạo điều kiện để nhiều hộ dân thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My) phát triển vườn sâm, vươn lên làm giàu. Ảnh: H.A

Các tỉnh cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo, chính sách ở miền núi. Đồng thời chỉ đạo lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn người dân miền núi cách làm ăn, đào tạo nghề, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ngân hàng chính sách các tỉnh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các nội dung ủy thác cho vay với các hội, đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát, phối hợp chặt chẽ để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, phát động các phong trào thi đua tạo động lực thực hiện tốt cho vay hộ nghèo, chính sách ở miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, các địa phương cần quyết liệt trong lãnh đạo thực hiện tín dụng chính sách ở miền núi để phát huy hơn nữa hiệu quả, chú trọng cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Cần gắn tín dụng chính sách ở miền núi với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, tạo thêm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngân hàng chính sách cần đa dạng hóa các phương thức huy động vốn, tổ chức thêm các tuần lễ “Gửi tiết kiệm vì người nghèo” để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân miền núi. “Quảng Nam luôn quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách và ưu tiên bố trí nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lực đẩy tín dụng chính sách ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO