(QNO) - Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ là một trong các phương thức giúp người dân sử dụng thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023.
Thời gian qua, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ bảo đảm thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, hiện nay, lực lượng Công an đã cấp 76 triệu Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư, Căn cước công dân và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đáng chú ý, Bộ Công an đã triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư với các bộ, ngành: Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng; 4 doanh nghiệp Nhà nước và 24 địa phương...
Tuy nhiên, Cục trưởng C06 cũng cho biết, trong quá trình triển khai, một số bộ, ngành, địa phương có cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, chưa có hệ thống kết nối hoặc đã trang bị từ lâu, thiếu đồng bộ, chưa được nâng cấp...
Nhiều bộ, ngành địa phương chưa triển khai đầy đủ phương án đảm bảo an toàn thông tin, ít được nâng cấp, gia hạn bản quyền phần mềm, chưa cập nhật các bản lỗi thường xuyên nên một số hệ thống của bộ ngành, địa phương chưa đảm bảo an ninh, an toàn, chưa được kết nối chính thức.
Một số đơn vị chưa đảm bảo triển khai các thủ tục hành chính trên môi trường số nên mặc dù đã kết nối nhưng còn hạn chế về nguồn nhân lực quản trị, an ninh, an toàn còn thiếu, còn yếu. Nhiều đơn vị, địa phương chưa tập trung nguồn nhân lực, chưa sát sao, quan tâm chỉ đạo thực hiện kết nối dữ liệu...
"Do đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai kết nối, chia sẻ, sử dụng, khai thác dữ liệu dân cư; có nguy cơ ảnh hưởng đến việc triển khai Luật Cư trú. Trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương"-Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục thực hiện kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu các bộ, ngành, địa phương đã có hệ thống công nghệ thông tin đủ điều kiện kết nối; phối hợp các bộ, ngành và địa phương đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân trong thủ tục hành chính và các giao dịch, người dân có thể sử dụng.
Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật cư trú thống nhất, đồng bộ, Cục C06 cũng hướng dẫn các bộ ngành các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Theo đó, các cơ quan Nhà nước có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân.
Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.
Đặc biệt, ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ là một trong các phương thức giúp người dân sử dụng thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023.
Điều này thể hiện cố gắng nỗ lực rất lớn của toàn lực lượng, và quan trọng nhất là từng bước thay đổi thói quen của người dân, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.
Cách sử dụng thông tin của công dân thay cho sổ hộ khẩu giấy
Cũng theo Cục C06, đơn vị đã có văn bản, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành có liên quan căn cứ vào thông tin trên thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú và nghiên cứu, sử dụng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân để xác định nơi cư trú của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, thường trú, tạm trú.
Về các phương thức thay thế cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, Cục C06 cho biết, người dân có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú khi gặp các vướng mắc trong trường hợp bị thu hồi sổ hoặc không được cấp mới.
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác.
Công dân, cơ quan, tổ chức có thể sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ Căn cước công dân.
Ngoài ra, người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, qua các bước.
Công dân truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn; Đăng nhập tài khoản/ mật khẩu truy cập (sử dụng tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia); xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại. Tại trang chủ, người dân truy cập vào chức năng “Thông tin công dân” và nhập các thông tin theo yêu cầu; sau đó thông tin cơ bản của công dân sẽ hiện thị trên màn hình...
Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Người dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). Trong đó, khi cần xác nhận thông tin về cư trú để thay cho Sổ hộ khẩu, công dân trực tiếp đến Cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú).
Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân.
Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú xác nhận về việc khai báo cư trú.
Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện tối đa cho công dân khi giải quyết thủ tục cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để thực hiện thủ tục hành chính khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
Trước đó, Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện cấp thông báo số định danh và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người dân chưa được cấp Căn cước công dân trên toàn quốc để người dân sử dụng giải quyết các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân.
Nhiều dịch vụ tạo thuận lợi cho người dân
Cũng trong gần 1 năm qua, triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), vượt qua khó khăn, thách thức, cùng với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Công an đã thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc triển khai đề án.
Kết quả thành công bước đầu của đề án có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiều điểm mang tính đột phá, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích.
Và để đạt được mục tiêu trên, Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình cụ thể của từng năm, từng giai đoạn, định hướng đến năm 2030.
Trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, ngành Công an có nhiệm vụ cung cấp 11 dịch vụ công trực tuyến, bao gồm cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký thường trú; đăng ký, cấp biển số môtô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình; cấp lại, đổi thẻ Căn cước công dân; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trữ; xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; thủ tục làm con dấu mới và cấp chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Theo số liệu thống kê, trong 11 tháng năm 2022, công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ giải quyết trên cổng dịch vụ công Bộ Công an đã tăng lên. Nếu như 6 tháng đầu năm là dưới 10% thì nay đã tăng lên gần 15%.
Số lượng tài khoản đăng ký sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công Bộ Công an tăng từ gần 66.000 tài khoản tại thời điểm đầu tháng 8/2022, lên đến trên 340.000 tài khoản ở thời điểm hiện tại, tức tăng hơn 5 lần.
Bộ Công an đã cung cấp tất cả 11/11 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó nhiều dịch vụ công đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, điển hình như ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và Căn cước công dân gắn chíp để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), tiết kiệm gần 50 tỷ đồng cho học sinh, giảm tình trạng tai nạn giao thông; phân cấp triển khai đăng ký xe máy về hơn 2.000 cấp xã, tổ chức cấp hộ chiếu online; sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, thay thế thẻ ATM trong giao dịch ngân hàng…
Đáng chú ý, Bộ Công an đã triển khai kết nối, chia sẻ với 12 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông, 16 địa phương để xác thực, làm sạch dữ liệu cho các đơn vị và làm giàu dữ liệu dân cư...
Trong đó, đã đồng bộ gần 40 triệu thông tin mã Bảo hiểm xã hội; đã có 11.171/13.150 cơ sở y tế sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp tích hợp Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh, đạt tỷ lệ trên 85% với gần 1,7 triệu công dân sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp đi khám chữa bệnh; đồng bộ gần 98 triệu mũi tiêm vaccine từ Bộ Y tế; tổ chức xác thực trên 20 triệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone để làm sạch, nhằm giải quyết tình trạng sim rác.
Từ Căn cước công dân gắn chip đã ứng dụng xác thực danh tính tại các quầy giao dịch ngân hàng và thí điểm sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thẻ ATM tại một số tỉnh, thành phố.