Lực lượng giao hàng chưa được ưu tiên tiêm vắc xin

HOÀNG ĐẠO 31/07/2021 15:28

(QNO) – Lực lượng giao hàng (shipper) và vận chuyển hàng hóa thiết yếu đang đóng vai trò khá quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 càng ngày càng diễn biến phức tạp... Song cho đến nay, nhóm đối tượng này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, như cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trang bị thêm kiến thức phòng chống, dụng cụ bảo hộ...

Bưu tá, người giao hàng là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất trong quá trình giao - nhận hàng hóa thiết yếu. Ảnh: H.Đ
Bưu tá, người giao hàng... là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất trong quá trình giao - nhận hàng hóa thiết yếu. Ảnh: H.Đ

Nhiều năm kinh nghiệm và đã trải qua nhiều đợt dịch trước đây nên ông Lý Hồng Sơn - bưu tá của Bưu cục phát Tam Kỳ (Bưu điện Quảng Nam) luôn ý thức tự bảo vệ mình và khách hàng khi đi giao đơn hàng. Hằng ngày, ông Sơn sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, tự kiểm tra các chỉ số sức khỏe của cơ thể, đeo khẩu trang… rồi mới bắt đầu công việc. Ông luôn mang theo chai sát khuẩn, luôn giữ khoảng cách khi giao hàng cho khách... nhưng với ông nỗi lo lắng lây nhiễm Covid-19 vẫn canh cánh.

Ông Sơn cho biết, kể từ khi dịch bệnh phức tạp trở lại, công việc thêm vất vả vì khối lượng đơn hàng nhiều mà thời gian giao hàng kéo dài hơn vì phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình làm việc để phòng lây nhiễm.

“Mỗi ngày giao cả trăm đơn hàng, gặp gỡ nhiều người nên tôi rất lo lắng vì không biết hàng trăm khách hàng ấy có ai là F0, F1. Nay Tam Kỳ đã có ca dương tính với SARS-CoV-2 nữa nên đi làm phải chú ý hơn” – ông Sơn nói.

Theo Bưu điện Quảng Nam, hiện đơn vị có 237 bưu tá ở 18 huyện, thị xã, thành phố với 9.000 đơn hàng và phát hành 14.243 tờ báo mỗi ngày. Cạnh đó, đặc thù ngành bưu điện phải phục vụ vận chuyển, giao nhận công văn, văn bản… cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đơn vị, hội, đoàn thể, do vậy mà ngay cả ở khu vực công bố dịch, khu vực giãn cách, các bưu tá và người làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu vẫn phải giao hàng.

“Ở các địa điểm có công bố dịch, chúng tôi giao đơn hàng có khoảng cách với khách hàng, tức là khi giao hàng thì bưu tá phải để hàng ở một vị trí rồi lùi ra xa khoảng cách 2 mét mới để khách nhận hàng và khi khách trả tiền cũng quy trình tương tự. Đối với một số địa điểm giãn cách không được phép vào tận nơi thì bưu tá sẽ giao hàng tại chốt, sau đó phải sát khuẩn lại mới rời đi. Tất cả nhằm bảo vệ lực lượng vận chuyển hàng hóa quan trọng này” – bà Lê Thị Kim Chung, Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Bưu điện Quảng Nam nói.

Hiện nay, ngành bưu điện đã hỗ trợ lực lượng bưu tá, lái xe vận chuyển hàng kinh phí mua khẩu trang, nước sát khuẩn, test nhanh Covid-19 để việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng; chia việc theo ca, kíp, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch trong lực lượng bưu tá, lái xe vận chuyển hàng hóa.

Các đơn vị, doanh nghiệp tự hỗ trợ, trang bị cho người giao hàng các kỹ năng, vật dụng cá nhân để phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh:H.Đ
Các đơn vị, doanh nghiệp tự hỗ trợ, trang bị cho người giao hàng các kỹ năng, vật dụng cá nhân để phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh:H.Đ

Tương tự, bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cũng rất lo lắng cho đội ngũ giao hàng của đơn vị. Mỗi ngày đội ngũ giao hàng của Co.opMart Tam Kỳ phục vụ cho 100 – 200 gia đình đặt hàng qua giao dịch điện tử. Trong thời điểm có dịch thì người dân có xu hướng đặt hàng qua mạng để hạn chế ra đường hoặc đến nơi đông người. Và lúc này đội ngũ giao hàng cũng giống như cánh tay nối cung cầu rất quan, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa cần thiết cho sinh hoạt của người dân.

“Tôi chỉ mong được tiêm vắc xin phòng Covid-19 vì có như thế mới thấy an tâm khi đi giao hàng mỗi ngày” – bưu tá Lý Hồng Sơn nói.

“Bộ phận giao hàng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất nhưng hiện chỉ có 20 nhân viên của Co.opMart được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, trong khi nhu cầu của đơn vị đến 200 người đăng ký. Vì vậy chúng tôi mong cơ quan chức năng quan tâm, ưu tiên cho đội ngũ giao hàng, lái xe vận chuyển hàng hóa, lái xe của các đối tác cung cấp hàng hóa thiết yếu để họ yên tâm làm việc, doanh nghiệp cũng an toàn hơn” – bà Lai kiến nghị.

Còn hiện tại để bảo vệ người lao động, Co.opMart Tam Kỳ tự trang bị kính chống giọt bắn, đồ bảo hộ để hỗ trợ họ khi vận chuyển, giao nhận hàng hóa.

Ông Phạm Minh Tịnh – Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Nam, đơn vị này hiện có trên 250 cán bộ, nhân viên, riêng lực lượng giao hàng lên đến 111 người. Thời gian qua, để bảo vệ đội ngũ giao hàng, chi nhánh đã cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn và hỗ trợ người lao động được ăn ở tại trụ sở các chi nhánh cấp huyện…

“Vừa rồi chúng tôi đã hỗ trợ 60 nhân viên giao hàng test nhanh Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi trong làm việc. Chúng tôi rất mong muốn ngành y tế có thể hỗ trợ lực lượng giao hàng được test nhanh Covid-19 thường xuyên và hỗ trợ chi phí vì mỗi lần test có giá trên 200 ngàn đồng thì cũng khó khăn” – ông Phạm Minh Tịnh nói. Cùng với đó, việc hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng là điều cần thiết lúc này đối với lực lượng giao hàng. Viettel Quảng Nam đã làm việc với UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ, ưu tiên. Ông Tịnh đề nghị: “Chúng tôi có thuận lợi là được cơ quan hữu quan cấp giấy “luồng xanh” để vận chuyển cung cấp hàng hóa thiết yếu nhưng cần nhất vẫn phải bảo vệ lái xe, người giao hàng vì họ tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm khá cao. Hiện nay đơn vị chỉ mới có 9 người được tiêm vắc xin. Vì vậy, chúng tôi rất mong tỉnh tạo điều kiện ưu tiên cho đội ngũ nhân viên giao hàng được tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào các đợt tiếp theo”.

Theo Giám đốc Sở Công thương Đặng Bá Dự, hiện nay chưa có quy định cụ thể về ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng là người giao hàng, vận chuyển hàng hóa. Nhận thấy vai trò khá quan trọng của lực lượng này và nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, Sở Công Thương đang lên kế hoạch rà soát số lượng, đối tượng để có hướng ưu tiên cho họ. 

“Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh ưu tiên một số đối tượng, trong đó có lực lượng giao hàng và các lao động ở các chợ đầu mối. Hiện tại, chúng tôi yêu cầu họ và đơn vị sử dụng lao động phải đáp ứng thực hiện 5K, các quy định về phòng chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh và trung ương” – ông Dự cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lực lượng giao hàng chưa được ưu tiên tiêm vắc xin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO