Trước mọi hiểm nguy, sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh trong các đợt thiên tai, dịch bệnh tạo điểm tựa vững chắc giúp người dân vượt qua khó khăn, lan tỏa “thế trận lòng dân” vững bền…
Đi đến nơi dân cần
Do biến đổi khí hậu, vài năm trở lại đây, thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân ở Quảng Nam. Nơi nào người dân cần, cán bộ chiến sĩ đều kịp thời có mặt.
Và xã Trà Leng (Nam Trà My), như một điểm chọn để kể về hành trình giúp dân trong thiên tai của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.
Những hồi sinh đáng kinh ngạc tại vùng đất cộng cư lâu đời của đồng bào Ca Dong, Mơ Nông trở thành minh chứng thuyết phục, ghi dấu ấn về tình đoàn kết của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự góp mặt của LLVT tỉnh từ những ngày đầu “mở đường đi cứu nạn” trong đợt lũ quét lịch sử lần đầu tiên xảy ra ở Nam Trà My vào cuối năm 2020.
Ông Phan Quốc Cường - nguyên Chủ tịch UBND xã Trà Leng chia sẻ, đợt lũ quét làm “xóa sổ” nóc ông Đề năm ấy, như một cơn ác mộng của cộng đồng và chính quyền địa phương.
Bởi, chỉ sau một trận lũ ầm ào từ khe núi, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp, hơn 50 người dân gặp nạn trong cơn kinh hoàng. Giữa lúc khó khăn nhất, số người mất tích, bị thương ngày một tăng lên, sự xuất hiện của lực lượng chức năng, đặc biệt là chiến sĩ quân đội, công an đã giúp người dân có thêm niềm tin trước tình huống nguy cấp.
Nhiều ngày sau đó, nhờ cán bộ chiến sĩ các LLVT, công tác tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn, cũng như khắc phục sự cố sạt lở kèm lũ quét nhanh chóng được triển khai. Nhiều nạn nhân sống sót được trung chuyển kịp thời cứu chữa, cả một vùng thung lũng tan hoang được phủ kín bởi màu xanh áo lính. Từng nạn nhân tử vong bị vùi sâu dưới bùn đất được tìm thấy bằng công sức phá dỡ đất đá của lực lượng công binh.
Trong câu chuyện của mình, ông Cường dù nay đã chuyển công tác lên huyện nhưng vẫn nhắc nhớ về hành trình giúp đỡ, tìm kiếm người mất tích, nhà cửa bị vùi lấp sau sự cố lở đất. Ông Cường nói, ngay cả sau thảm họa, sự tái thiết của khu dân cư Bằng La cũng nhận rất nhiều tình cảm, sự sẻ chia của cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh. Nhờ đó, góp phần hình thành nên cơ sở hạ tầng, cùng các thiết văn hóa cộng đồng như bây giờ.
“Nếu không có sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các lực lượng của Quân khu 5, thảm họa sạt lở ở Trà Leng có thể sẽ còn nặng nề hơn nhiều. Vì thế, sự biết ơn không chỉ có người dân, mà ngay với cả chính quyền địa phương chúng tôi cho đến tận bây giờ” - ông Cường nói.
Sáng ngời tình quân - dân
Một chặng đường nhìn lại, xã Trà Leng như một lát cắt trong rất nhiều nhiệm vụ “chiến đấu của người lính ở thời bình”. Thiên tai, dịch bệnh hoành hành, mỗi người lính phải tự đặt ra nhiệm vụ, tinh thần cống hiến vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Thượng tá Hồ Huy Hùng - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kể, năm 2020, khi bên này Trà Leng gặp sự cố, đúng lúc đó, ở các xã vùng cao Phước Sơn cũng ghi nhận các đợt lũ quét, lở đất không thể nào tồi tệ hơn.
Nhiều tuyến đường huyết mạch bị cắt đứt hoàn toàn, mọi thông tin liên lạc không thể kết nối và thậm chí là chuyện ăn ở của người dân đang đứng trước bờ vực sống còn. Vậy là đi. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ được lệnh lên đường làm nhiệm vụ cứu giúp dân khỏi “trận địa thiên tai”.
Nhưng tình thế lúc đó, việc tìm đường để vận chuyển lương thực là vô cùng khó khăn. Để kịp thời cứu đói cho đồng bào Bh’noong, bộ đội phải ngày đêm băng suối, cắt rừng để cõng nhu yếu phẩm, tiếp tế lương thực.
“Hình ảnh những người lính dầm mình trong mưa to, bùn đất để tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở núi ở xã Trà Leng và vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân xã Phước Lộc (Phước Sơn) vượt qua khó khăn, thiếu thốn do đường sá bị cô lập… đã tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong lòng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh” - Thượng tá Hồ Huy Hùng nói.
Thiên tai, dịch bệnh như thử thách trong câu chuyện vì nhân dân phục vụ của cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh. Nhiều năm qua, bằng rất nhiều hoạt động giúp dân được triển khai, từ thăm hỏi người khó khăn, đỡ đầu trẻ mồ côi, xây dựng nhà tình nghĩa, cho đến làm đường dân sinh, phát triển các mô hình sinh kế cho cộng đồng…, giúp hình ảnh người lính được tô thêm đậm nét, tạo nên dấu ấn đặc biệt trong xây dựng thế trận lòng dân, góp phần củng cố mối đoàn kết gắn bó quân dân ngày thêm bền chặt.
“Trách nhiệm trước nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, nhằm xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, thời gian qua, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và định hướng tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ về tầm quan trọng trong việc xây dựng thế trận lòng dân gắn với tình đoàn kết quân dân hiện nay.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương mỗi cán bộ chiến sĩ luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nhân dân, nhất là khi tham gia các hoạt động dân vận, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết” - Thượng tá Hồ Huy Hùng nói.
Giai đoạn 2019 - 2024, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp thăm, trao tặng hơn 12.000 suất quà cho các LLVT, gia đình chính sách và người dân khó khăn; phối hợp vận động, hỗ trợ kinh phí xây dựng 128 nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; phối hợp tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân” với các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc và trao tặng hơn 12.000 suất quà, với tổng kinh phí hơn 33,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, huy động gần 5.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia hơn 34.000 ngày công giúp dân tu sửa, phát quang, đổ bê tông 126km đường giao thông nông thôn, nạo vét 582km kênh mương nội đồng, thu hoạch 16ha hoa màu…
Năm 2024, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương vận động, hỗ trợ xây dựng 117 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 9,3 tỷ đồng.