Lùi lịch V-League: Lợi và hại

AN NHI 29/02/2020 08:47

Sau khi đưa ra quyết định lùi lịch khai mạc trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19 cách đây gần cả tháng, đến nay mùa giải 2020 nói chung và V-League 2020 nói riêng chưa biết thời điểm nào sẽ khởi tranh (trước đó có hai phương án V-League khai mạc là vào ngày 29.2 hoặc 7.3).

Hoàng Vũ Samson đối đầu với Thanh Hóa thì mùa giải 2020 về khoác áo chính đội bóng xứ Thanh. Ảnh: A.N
Hoàng Vũ Samson đối đầu với Thanh Hóa thì mùa giải 2020 về khoác áo chính đội bóng xứ Thanh. Ảnh: A.N

Hiện tại không chỉ bóng đá Việt Nam, bóng đá nhiều nước trên thế giới như giải vô địch quốc gia Ý hay Hàn Quốc cũng đã tạm hoãn nhiều trận đấu, thậm chí dừng toàn giải, nhằm bảo vệ sức khỏe cầu thủ và cộng đồng.

Chưa nói đến công tác tổ chức giải đấu, việc mùa giải chậm khởi tranh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các câu lạc bộ ở nhiều khía cạnh.

Trước hết, đó là công tác chuẩn bị về mặt chuyên môn bị động. Đã trễ gần cả tháng so với kế hoạch ban đầu, có nghĩa chừng ấy thời gian các đội bóng chỉ có tập và… tập, chờ ngày khởi động mùa giải mới. Và với việc lùi ngày khai mạc sẽ dẫn đến lịch thi đấu sắp tới buộc phải “dồn toa” để mùa giải không kéo dài qua mùa mưa cũng như ảnh hưởng đến đội tuyển quốc gia (chiến dịch vòng loại World Cup và AFF Cup), các câu lạc bộ (tại đấu trường AFC).

Mà cái kiểu đá “dồn dập” 3 ngày/trận hoặc 2 tuần 3 trận xem ra không hề thích hợp với cầu thủ Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng chuyên môn giải đấu mà các đội có lực lượng mỏng cũng sẽ kêu trời.

Cho đến nay, thời gian tập luyện chuẩn bị cho mùa giải mới quá dài khiến cho các cầu thủ giảm sút cảm hứng chơi bóng, tương tự như những cầu thủ thường xuyên ngồi dự bị, hàng tuần ra sân theo kiểu “quân ta đá với quân mình”.

Trong khi đó, hai câu lạc bộ đại diện cho bóng đá Việt Nam thi đấu tại AFC Cup là TP.Hồ Chí Minh và Than Quảng Ninh dù có sân chơi song cũng chẳng làm cho họ thích thú vì khoảng cách về mặt thời gian giữa hai lượt đấu khá xa, đó là chưa kể trong thời gian dịch Covid 19 phải hành quân đến các nước có dịch.

Sau trận mở màn hôm 11.2, đến 25.2 mới đá trận thứ hai và theo kế hoạch vào ngày 10.3 sẽ tiếp tục đá trận thứ ba. Hai tuần đá một trận tại AFC Cup là phù hợp với điều kiện V-League diễn ra song hành nhưng sẽ bất hợp lý bởi hiện nay bóng đá Việt Nam đang tạm dừng. Đó là chưa nói đến việc, các cầu thủ TP.Hồ Chí Minh và Than Quảng Ninh hiện thời chưa “nóng máy” trong khi các đối thủ đã vào guồng.

Ảnh hưởng chuyên môn đã đành, điều mà nhiều câu lạc bộ hiện nay lo lắng nhất, đó là phát sinh nguồn kinh phí. Mùa giải năm nay sẽ kéo dài, đồng nghĩa với việc các câu lạc bộ phải gồng mình chi trả thêm tiền lương cho cầu thủ. Cạnh đó còn là khoản tiền ăn uống và nhiều chi phí khác.

Đối với nhiều câu lạc bộ Việt Nam, nguồn kinh phí luôn là vấn đề nan giải, giống như tấm chăn hẹp, kéo bên này bên kia hụt. Bởi vậy ở những năm trước đây mới có chuyện, mùa giải vẫn chưa kết thúc song ngoại binh không thể thi đấu do đã hết hợp đồng với câu lạc bộ.

Tất nhiên, lùi lịch khởi tranh mùa giải là điều chẳng đặng đừng, song không hẳn chỉ có tác động tiêu cực. Ở một góc nhìn khác, đây có khi là điều tích cực, giúp cho các đội bóng có thêm thời gian chuẩn bị, “ngắm nghía” ngoại binh kỹ hơn, kể cả cầu thủ dưỡng thương được phục hồi.

Thực tế không phải đội bóng nào cũng “chốt” được cầu thủ ưng ý khi mà thời hạn đăng ký kết thúc. Chẳng hạn như Thanh Hóa dù đã ký hợp đồng với Mansaray nhưng trước khi giải khởi tranh đã quyết định thanh lý để tìm kiếm ngoại binh khác; hay một số đội bóng thời gian qua vẫn tiếp tục thử việc nhiều cầu thủ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lùi lịch V-League: Lợi và hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO