Làng nghề đan đát An Thanh (xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn) hiện chỉ còn một hộ dân làm nghề này một cách không thường xuyên.
Cách đây vài trăm năm, làng nghề đan đát An Thanh là một trong 7 làng nghề danh tiếng nhất của phủ Điện Bàn. Khi đó, phụ nữ trong làng có hai nghề chính là làm ruộng và đan đát, vì vậy vùng này còn lưu truyền câu ca: “Thức khuya dậy sớm cho quen/ Làm dâu An Tự chong đèn đan phên”. Hiện nay, làng An Thanh đã được chia thành 2 thôn: An Tự và Thanh Tú với trên dưới 200 hộ dân. Đi dọc theo con đường bê tông vào 2 thôn vẫn len chặt các lũy tre nhưng người dân ở đây hiện chỉ thu hoạch tre để bán cho các làng nghề khác làm nguyên liệu chứ hiếm khi dùng tại chỗ nữa.
Thỉnh thoảng trong các dịp hội trại tại địa phương, người dân 2 thôn An Tự và Thanh Tú mới họp lại đan đát để hồi tưởng về nghề truyền thống. |
Trước năm 2000, vẫn còn hơn 60% số gia đình ở 2 thôn An Tự và Thanh Tú làm nghề đan lát nhưng dần dà người dân trong làng không bám trụ nổi với nghề nữa bởi các sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ được. Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn An Tự bộc bạch: “Gia đình tôi đành buông bỏ nghề gia truyền ni hơn chục năm rồi bởi càng ngày tiền làm ra từ nó càng ít, có lúc tiền công một ngày không đủ bữa đi chợ”. Đó cũng là nỗi lòng chung của hầu hết người dân nơi đây khi các sản phẩm như phên, giỏ xách, rổ rá, cần xé… chẳng thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm công nghiệp hiện đại. Ông Hà Đức Dũng - Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Nam cho biết, Hợp tác xã đan đát của địa phương đã giải thể từ lâu, dù chính quyền và người dân không hề muốn nghề đan lát mai một nhưng cũng đành bất lực trước xu thế sản phẩm công nghiệp lên ngôi.
Hộ ông Nguyễn Văn Rân là gia đình duy nhất còn bám trụ với nghề đan đát ở thôn Thanh Tú nhưng thời gian qua cũng không sản xuất vì chưa nhận được đơn đặt hàng. Bà Nguyễn Thị Thu - vợ ông Rân, cho hay, dịp tết cổ truyền vừa qua gia đình có xuất đi được một chuyến hàng kha khá nhưng nghề cũng bấp bênh bởi không có thị trường tiêu thụ ổn định thường xuyên. Bà Thu cho biết thêm, cách đây 5 - 6 năm, gia đình bà lúc nào cũng tất bật với hàng chục nhân công thời vụ thuê thêm để phục vụ những lô hàng có giá trị cả chục triệu đồng xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc các khách hàng quá khó tính khi chỉ cần một đường đan bị lệch hoặc một chi tiết nhỏ bị lỗi sẽ trả hàng và yêu cầu ra cảng Đà Nẵng để sửa chữa khiến gia đình cũng dần thờ ơ với các đơn đặt hàng. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của gia đình là quán bún và nghề nông còn nghề đan đát chỉ là nghề phụ kiếm thêm.
Thỉnh thoảng, trong một số đợt triển lãm làng nghề hoặc hội trại, ban tổ chức có mời ông Nguyễn Văn Rân đến dự để biểu diễn nghề. Theo lời ông Rân, những sản phẩm ông đem đến triển lãm như nôi trẻ em, quạt… được tiêu thụ rất mạnh thậm chí cháy hàng, khách phải hỏi địa chỉ để đến mua sau. Tuy nhiên, sau vài ngày nhộn nhịp hiếm hoi đó là một khoảng trống mênh mông của làng đan đát An Thanh, bởi chẳng còn thế hệ kế cận làm nghề, vì thế, khi nhắc đến làng nghề, người dân và chính quyền địa phương chỉ biết thở dài.
QUỐC TUẤN - VĂN MẾN