Nhu cầu thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày càng tăng cao nhưng do thủ tục khó khăn nên người dân e ngại. Đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho đội ngũ trung gian thực hiện dịch vụ hồ sơ, thủ tục về đất đai.
Chộn rộn lực lượng trung gian
Dọc theo tuyến đường Thanh niên ven biển qua các xã vùng Đông Tam Kỳ đến Núi Thành, rất dễ bắt gặp các biển hiệu dịch vụ môi giới bất động sản, thực hiện thủ tục về đất đai.
Cách đây mấy năm, dịch vụ này ăn nên làm ra do cơn sốt đất vùng ven biển lan rộng với nhiều nhà đầu tư đến từ ngoại tỉnh. Những “khách sộp” này trước khi đầu tư bất động sản ở khu vực ven biển thường nhờ dịch vụ giới thiệu, tìm hiểu về tình trạng pháp lý của các thửa đất. Sau khi “chốt đơn”, khách còn nhờ dịch vụ bất động sản thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất; ký gửi, mua bán lại...
Hiện cơn sốt đất ở khu vực này lắng xuống, các dịch vụ bất động sản chủ yếu tập trung vào việc “giúp” người dân thực hiện hồ sơ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ).
Một chủ dịch vụ bất động sản ở khu vực này cho biết: “Mình nhận làm thủ tục bìa đỏ cho người dân là việc phụ thôi, cái chính là môi giới bất động sản nhưng đợt này quá im ắng.
Đội ngũ làm trung gian các thủ tục về đất đai đông lắm, có cả cơ sở làm dịch vụ và một số người “quen việc”. Người dân chủ yếu nhờ những người quen biết ở địa phương, có các mối quan hệ với cán bộ của cơ quan chuyên môn. Một số cán bộ địa chính cấp xã cũng nhận làm giúp hồ sơ cho người dân...”.
Tình trạng lừa đảo thông qua nhận làm thủ tục đất đai có chiều hướng phức tạp
Theo Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh, đến thời điểm hiện tại, lực lượng công an chưa nhận được đơn thư phản ánh nào của người dân tố cáo cán bộ văn phòng đăng ký đất đai hoặc phòng TN-MT lợi dụng chức trách trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để trục lợi, chỉ mới dừng lại ở thông tin phản ánh ngoài lề.
Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo thông qua nhận làm thủ tục đất đai có chiều hướng phức tạp, gia tăng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để hứa hẹn, yêu cầu người dân đưa tiền tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng...
“Chúng tôi đang giải quyết vụ việc liên quan đến cấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, đã khởi tố điều tra. Công an cũng đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm, theo dõi thông tin phản ánh từ các cấp hoặc người dân liên quan đến lĩnh vực này” - Đại tá Nguyễn Hà Lai nói.
Điều đáng nói, do đất đai ở vùng Đông của tỉnh hiện nay có giá trị cao, thủ tục cấp bìa đỏ lại nhiêu khê nên người dân tốn khá nhiều chi phí cho đội ngũ trung gian.
Bà N.T.S (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) được cha mẹ cho thửa đất khoảng 150m2 trong khuôn viên của gia đình, bà muốn tách ra nhưng người quen làm dịch vụ kêu chi phí tới 40 triệu đồng, nên thôi.
“Họ nói trước đây vùng này không cho tách thửa, bây giờ thì được rồi nhưng thủ tục làm khó lắm, phải chi phí nhiều. Mình tính tách ra, làm bìa đỏ cho yên tâm nhưng làm răng có đủ 40 triệu để lo liệu. Thôi tới đâu hay tới đó!” - bà S. nói.
Một trường hợp khác, ông H.S.C. (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) cũng đã từng tốn gần 100 triệu đồng cho người trung gian để thực hiện thủ tục cấp bìa đỏ trồng cây lâu năm cho thửa đất khoảng 1.000m2 gần bờ biển.
Ông cho biết, mảnh đất này trước đây cha của ông trưng dụng trồng cây dương liễu, có một số giấy tờ liên quan nhưng việc thực hiện thủ tục cấp bìa đỏ khó khăn nên phải nhờ dịch vụ. Sau gần 1 năm trời thì ông C. cũng nhận được bìa đỏ với chi phí gần 100 triệu đồng.
Ông cũng đang nhờ làm tiếp bìa đỏ về trường hợp diện tích đất tăng thêm và trông ngóng tiến độ giải quyết thủ tục. Ông cho biết đã chi “tiền nước nôi” cho dịch vụ gần 10 triệu đồng. Sau khi có bìa đỏ sẽ chi trả số tiền còn lại như cam kết.
Tại các xã vùng đông trên địa bàn tỉnh, hiện nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tăng cao bởi nhiều năm qua chính quyền tỉnh thực hiện chỉ thị về siết chặt quản lý hiện trạng, theo đó việc tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là điều không thể. Nay điều kiện đã được nới lỏng, người dân có nhu cầu cao về hợp thức hóa đất đai, đặc biệt là nhu cầu tách thửa.
Riêng thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất ở, việc giải quyết hồ sơ rất khó khăn. Nhiều dịch vụ nhận thực hiện thủ tục này với chi phí rất cao. Một người dân có khoảng 650m2 đất trồng cây lâu năm ở thôn Long Thạnh (xã Tam Tiến) cho biết, vừa rồi ông có nhu cầu chuyển đổi 200m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở, một dịch vụ kêu giá tới 500 triệu đồng.
Khó khăn nhân sự
Năm 2016, sau khi hợp nhất, sáp nhập từ mô hình văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc phòng TN-MT cấp huyện thành văn phòng đăng ký đất đai (một cấp), nên cơ quan chuyên môn này đối diện với thực trạng lực lượng mỏng, năng lực chuyên môn của chi nhánh còn rất hạn chế.
Trong toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh hiện nay có tổng cộng 354 người, trong đó 100 người là viên chức và 254 người là lao động hợp đồng. Một số chi nhánh có số lượng người làm việc còn thiếu, viên chức quá ít (1 - 2 người) không đủ cơ cấu cho các bộ phận chuyên môn theo quy định.
Tại các địa phương, nhân lực là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại các cuộc họp liên quan về tình hình hiện chính sách, pháp luật về cấp bìa đỏ, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Ông Võ Tấn Long - Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Núi Thành cho hay, hồ sơ đất đai khá phức tạp, khối lượng công việc nhiều, con người tại chỗ không đáp ứng được tất cả các phần việc khiến việc thẩm định không kịp thời. Ngoài ra, ông Long còn viện dẫn việc trễ hồ sơ thủ tục liên quan đến “đường bưu điện”, tính phức tạp của đất đai qua các thời kỳ...
Tại Duy Xuyên, UBND huyện này báo cáo nhân sự lãnh đạo tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ có 2 người, trong đó có một giám đốc kiêm nhiệm và một phó giám đốc. Công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn.
Một bộ phận nhỏ viên chức và người lao động chưa chủ động, linh hoạt, còn thụ động; chưa phát huy hết năng lực, tinh thần trách nhiệm được giao; khối lượng công việc nhiều nên việc đầu tư nghiên cứu văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cấp trên chưa thường xuyên, cập nhật chưa kịp thời.
Trình độ viên chức và người lao động không đồng đều, việc bố trí, sắp xếp giải quyết hồ sơ chưa khoa học, dẫn đến công tác chuyên môn không đạt về chất lượng và số lượng theo yêu cầu...
Ông Phạm Công Chung - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam cho hay đội ngũ viên chức và người lao động tiếp nhận nguyên trạng từ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hai cấp thành văn phòng đăng ký đất đai một cấp, dẫn đến một số lãnh đạo chi nhánh sau khi hết thời hạn bổ nhiệm không đủ điều kiện bổ nhiệm lại, thiếu hụt viên chức lãnh đạo quản lý tại các chi nhánh trực thuộc; các Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Nam phải kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc quản lý, điều hành, giải quyết hồ sơ tại chi nhánh.
Một thực trạng nữa về nhân sự, một lãnh đạo Sở TN-MT nói: “Cán bộ giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai tại bộ phận một cửa của các cơ quan liên quan (UBND cấp xã, cơ quan thuế, các phòng chuyên môn thuộc cấp huyện...) trong quá trình giải quyết hồ sơ còn thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm trong việc luân chuyển hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử song song với hồ sơ giấy; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc còn nhiều hạn chế, không kịp thời...”.
-----------------------
Bài cuối: Giám sát chặt, quản lý nghiêm