Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

VÂN TRÌNH 27/12/2012 08:20

Bảy giờ sáng 30.12.1972, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngưng ném bom từ Bắc Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện Chính phủ ta tại Hội nghị Paris. Chưa đầy một tháng sau khi “chịu thua trên bầu trời Hà Nội”, kẻ thù xâm lược phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Với bước ngoặt lịch sử này, 2 năm sau đó, bằng Đại thắng mùa xuân 1975, cả dân tộc ta đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai, bên phải) nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ trình bày kế hoạch đánh B52.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai, bên phải) nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ trình bày kế hoạch đánh B52.

Chủ động tìm cách đánh B52 từ rất sớm

Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân (PKKQ), nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kể lại: Ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng PKKQ, Bác Hồ hỏi tôi: “Chú đã biết gì về B52 chưa?”. Sau đó Bác lại nói: “Nếu chú có biết, bây giờ cũng chưa làm gì được nó, vì nó bay cao, bay nhanh”... Năm 1964, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh cho không quân đánh phá một số mục tiêu ven biển của ta từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Quân và dân miền Bắc đã đánh trận phủ đầu giành thắng lợi lớn. Sau khi tuyên dương công trạng đánh thắng trận đầu ngày 5.8.1964, Bác lại hỏi: “Các chú đã chuẩn bị đánh B52 như thế nào rồi?”... Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng lực lượng ném bom chiến lược B52 trên chiến trường. Trong một lần đến thăm bộ đội phòng không Hà Nội, Bác lại dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”... Năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ cùng một số cán bộ đại diện lên chúc thọ Bác. Sau khi nghe báo cáo thành tích chiến đấu, Bác dặn: “Các chú đã đánh được B66 là tốt, nhưng nó là máy bay trinh sát. Còn B52 là máy bay ném bom lợi hại, các chú phải chuẩn bị đánh B52”.
Thực hiện lời dạy của Bác, Quân chủng PKKQ đã sớm tập tổ chức nghiên cứu tìm hiểu tính năng kỹ thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của B52, trên cơ sở đó tìm ra cách đánh phù hợp. Tháng 5.1966, Trung đoàn tên lửa H38 được lệnh cấp tốc cơ động vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh B52. Các chiến sĩ đã anh dũng nằm ngay trong tầm đạn pháo mặt đất, pháo biển của địch phục kích bắn B52. Ngày 17.9.1967, Phân đội tên lửa 84, Đoàn H38 lần đầu tiên chỉ trong vòng 30 phút đã kịp thời phát hiện và bắn rơi 2 chiếc B52 trên bầu trời Vĩnh Linh. Đêm 20.11.1971, phi công Vũ Đình Rạng đã dùng máy bay MIG-21 mưu trí, dũng cảm bắn hạ một chiếc B52, góp thêm kinh nghiệm đánh B52 bằng không quân.

Bộ đội tên lửa trong chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm.
Bộ đội tên lửa trong chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm.

Ngày 27.2.1968, bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng PKKQ” hình thành, tuy còn đơn sơ nhưng đã chứa đựng những nội dung cơ bản. Từ kinh nghiệm thực tế của các chiến trường, bản kế hoạch liên tục được sửa chữa, bổ sung để đến năm 1972, Quân chủng có  “Phương án tháng 11” - bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất.

Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ, Bác dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Diễn biến 5 năm sau đó đúng như lời tiên đoán thiên tài của Bác. Trước những thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam, ngày 22.10.1972, Tổng thống Nixon phải ra lệnh ngừng ném bom và bắn phá từ Bắc Vĩ tuyến 20 trở ra. Thời gian này, Hội nghị bốn bên ở Paris đã họp đến gần 160 phiên nhưng phía Mỹ vẫn dây dưa, lật lọng. Bộ Tổng tư lệnh đã lệnh cho các lực lượng vũ trang: “Có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn kể cả việc dùng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Do đó, nhiệm vụ của Quân chủng KKQ là tập trung mọi khả năng, nhằm đúng đối tượng B52 mà tiêu diệt”.

Xác B52 bị bắn rơi đêm 27.12.1972 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội .
Xác B52 bị bắn rơi đêm 27.12.1972 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội .

Ngày 14.12.1972, Tổng thống Mỹ Nixon ký phê chuẩn chiến dịch Linebacker II, ra lệnh sẽ bắt đầu tập kích trên không vào Bắc Việt Nam bằng B52 vào 7 giờ sáng ngày 18.12.1972  (theo giờ Hà Nội là 19 giờ ngày 18.12.1972).   

Trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã 729 lần xuất kích bằng máy bay B52, trong đó 444 lần B52 và hơn 1.000 lần máy bay cường kích đánh phá ác liệt thủ đô Hà Nội. Riêng ngày 26.12.1972, Mỹ đã cho B52 105 lần xuất kích ném bom đánh phá Hà Nội. Hơn 100 điểm trong thành phố bị trúng bom làm hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm một đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội năm 1972. Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm một đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội năm 1972. Ảnh tư liệu

Song, chúng ta không hề nao núng. Ngay trong đêm đầu tiên 18.12, đã có 3 máy bay B52 và 4 máy bay chiến thuật của Mỹ tan xác. Lúc 20 giờ 18 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa phòng không 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả hạ 1 máy bay B52 ngay tại chỗ. Chiếc B52 trúng đạn như ngọn đuốc khổng lồ, rơi lả tả từng mảng xác xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội. Đây là chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời thủ đô.
Hợp đồng tác chiến tuyệt vời cùng bộ đội tên lửa, không quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng xuất kích đọ sức với “pháo đài bay” B52 của kẻ thù. Đêm 27.12, phi công Phạm Tuân bất ngờ cất cánh từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích Mỹ, đưa máy bay MIG-21 lên cao ngang tầm B52 và hạ đo ván một B52. Đêm 28.12, phi công Vũ Xuân Thiều sau khi đã bắn cả 2 quả tên lửa nhưng B52 chỉ bị thương nhẹ, ông đã xin phép Sở Chỉ huy cho lao thẳng vào máy bay địch... Với 24 lần xuất kích, các chiến sĩ lái MIG đã diệt 7 máy bay địch, trong đó có 2 máy bay B52. Các phi công của ta còn dũng mãnh lao vào đêm tối, xông thẳng vào đội hình dày đặc của máy bay tiêm kích Mỹ, buộc chúng phải quay ra đối phó, đội hình bay rối loạn, khiến cho cường độ nhiễu giảm đi, để lộ ra hình thù B52 trên màn hiện sóng, tạo điều kiện cho các trắc thủ tên lửa ta nhìn thấy đối tượng chính mà tiêu diệt.

Kết thúc vẻ vang chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, nhiều chiếc bị bắn rơi ngay tại chỗ; 43 phi công bị bắt sống, trong đó có 33 phi công lái B52. Đây là chiến dịch phòng không đạt hiệu suất cao nhất, oanh liệt nhất trong chiến đấu bảo vệ miền Bắc nói riêng, trong chống Mỹ nói chung của quân và dân Việt Nam.“Điện Biên Phủ trên không” là chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt nhiều máy bay ném bom chiến lược B52 của đế quốc Mỹ và là trận thất bại nặng nề nhất của không quân Mỹ từ trước tới nay.

VÂN TRÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO