Cùng với những làng nghề dọc dài miền đất Quảng Nam, gốm đã xuất hiện lung linh, huyền diệu trên sân khấu nghệ thuật.
Nhà thơ Phùng Tấn Đông là người làng Nam Diêu, chiếc nôi của gốm Thanh Hà (Hội An)nức tiếng. Từ chất liệu gốm, từ bàn tay tài hoa, tinh thần lao động miệt mài, trải bao thăng trầm giữ lửa làng nghề của nghệ nhân làng gốm quê anh, Phùng Tấn Đông đã đưa gốm lên sân khấu các chương trình nghệ thuật trong nhiều năm qua…
Anh bảo, có gì đẹp hơn, đáng trân quý hơn là sự tài hoa của nghệ nhân gốm Thanh Hà, đã nhào nặn, tạo tác để thổi hồn vào đất. Tiếng vỗ đất, tiếng xoay đều của bàn xoay và những đôi tay nghệ nhân múa lên khi chuốt gốm… từ lâu đã đi vào tâm hồn anh như một hình tượng nghệ thuật độc đáo.
Gốm Thanh Hà quê anh không những giữ được lửa nghề, giữ nguyên vẹn dòng gốm đỏ truyền thống cha ông mà còn vươn mình thay áo mới, làm nên một sản phẩm du lịch đặc sắc trong thời đại công nghệ chế tác phát triển mạnh mẽ…
Là người viết kịch dân ca cho sân khấu nghệ thuật không chuyên ở Quảng Nam, Phùng Tấn Đông đã khéo léo vận dụng những điệu lý, câu hò quê xứ để giới thiệu và tôn vinh gốm Thanh Hà.
Những câu hò ba lý kết hợp với vũ đạo mà đạo cụ là chiếc bình gốm, là sản phẩm đủ các loại hình của gốm Thanh Hà. Hát rằng: “Đò lên làng gốm Nam Diêu/ Ba lý tang tình mà nghe/ Ta hò ba lý tình tang/ Làng gốm Nam Diêu/ Anh thấy em (mà) chuốt gốm, là hố/ Để anh nhiều vấn vương/ Khoan hố khoan/ Anh thấy bao là thương…”.
Từ hò ba lý, chuyển qua điệu xuân nữ, những nàng thiếu nữ làng gốm xinh đẹp, tay bưng mẹc gốm tò he, lọ hoa, phía hậu cảnh là những bàn chuốt gốm được bày biện cách điệu trên sân khấu…
Các cô cười tươi như hoa nở, cất tiếng ca như gọi mời lữ khách ghé thăm: “Thưa cùng cô bác bà con/ Ca dao xưa có câu/ “Lửa chi lửa rực sáng lòa/ Làng gạch làng gốm Thanh Hà ở đây?”/ Trải mấy trăm năm làng gốm quê tôi vẫn sáng bừng ánh lửa/ Bao thế hệ nối nhau vẫn tha thiết yêu… nghề/ …/ Thanh Hà làng gốm vào xuân/ Trăm ngàn du khách tìm đường ghé thăm…”.
Và, điệu xàng xê như níu kéo người ở lại Thanh Hà trong ngày hội xuân làng gốm: “Thanh Hà rộn rã vào xuân/ Khách thăm làng gốm khen người làng tài hoa/ Bảo tồn di sản ông cha/ Cháu con ta mãi thiết tha trao truyền”…
Trong những cuộc “Hành trình di sản Quảng Nam” gốm đã được đưa lên sân khấu, được xây dựng thành những tác phẩm nghệ thuật lung linh từ lời ca cho đến vũ điệu.
Người xem, nhất là du khách gần xa đến với Quảng Nam đã được nhìn ngắm gốm xứ Quảng không chỉ bằng không gian đời thực của các làng nghề hiện còn đỏ lửa. Gốm như hóa thân thành “nhân vật” có linh hồn với đủ kiểu dáng, hình hài, chuyển động… để gửi gắm thông điệp về sự trường tồn, sức lao động sáng tạo cần mẫn của đất và người Quảng Nam từ khi khai cơ lập địa…
Cũng có thể bắt gặp gốm qua câu chuyện những nàng thiếu nữ Chăm lấy nước nơi bến sông Thu Bồn, đi qua con đường hành hương mà tương truyền ngày xưa, bất cứ cư dân Chăm nào muốn vào thánh địa Mỹ Sơn đều phải đi qua…
Nghệ sĩ múa Như Hà - một biên đạo múa không chuyên ở Quảng Nam dày công xây dựng ý tưởng, tạo hình, dàn dựng vũ điệu, làm cho gốm trở thành một hình ảnh nghệ thuật đầy huyền bí.
Những chiếc bình gốm dường trải qua hàng trăm năm đã lặng lẽ kể câu chuyện về dòng nước thiêng chảy từ đỉnh Ngọc Linh, trôi miên man qua những miền quê xứ Quảng.
Gốm ấy đã hứng lấy dòng nước tinh khiết để làm cuộc hành hương vào thánh địa Mỹ Sơn và trở thành một phép màu. Men theo hình tượng nghệ thuật này, men theo con đường hành hương, men theo những truyền thuyết dân gian, lần đầu tiên, gốm hiện hữu trong một đêm Mỹ Sơn lung linh, huyền bí.
Đó là cách mà nghệ sĩ múa Như Hà muốn làm bật lên hồn của gốm, muốn gốm được thăng hoa như niềm hân hoan của những nàng thiếu nữ Chăm nhận lãnh trách nhiệm mang gốm thiêng và nước.
Gốm đã góp mặt vào không gian nghệ thuật được tạo tác ngay trong những chân tháp đã nhuốm màu hoàng hôn quá khứ. Bằng ánh sáng, bằng vũ điệu và bằng sự linh thiêng vốn có ở nơi này,… gốm đã làm người xem sững sờ về sự huyền bí của đất đai quê xứ.