Dự án Làng đại học Đà Nẵng có thể xem là câu chuyện điển hình cho sự lùng nhùng kéo dài làm phát sinh nhiều hệ lụy.
Trong cuộc giao ban của Tỉnh ủy tổ chức mới đây, lãnh đạo thị xã Điện Bàn một lần nữa lên tiếng đề nghị tỉnh có những chỉ đạo cụ thể sát sườn nhằm gỡ vướng cho dự án này, bởi hiện tại khó kiểm soát tình trạng xây dựng trái phép. Nếu trong giai đoạn 2010 - 2011, ở phường Điện Ngọc, địa bàn chính trong phạm vi quy hoạch của dự án đã có hơn 400 ngôi nhà không phép mọc lên để chờ bồi thường giải tỏa, thì nay ước số nhà cơi nới đã gần gấp đôi. Tỉnh đã yêu cầu quản lý hiện trạng nghiêm ngặt, tuy nhiên, làm sao để địa phương đủ nhân lực bám suốt ngày đêm mà ngăn chặn việc cơi nới nhà cửa hay xây dựng những căn nhà tạm bợ? Đó là vấn đề khá phức tạp, đau đầu. Hết cưỡng chế, xử phạt trường hợp này lại nảy sinh trường hợp khác, làm không xuể. Thêm nữa, ngoại trừ những người lợi dụng thì nhu cầu có thực của một bộ phận người dân muốn cải thiện điều kiện sinh hoạt chỗ ở, trong đó có gia đình 3 - 4 thế hệ muốn con cháu ra riêng có mảnh đất cắm dùi trên vườn tược ông cha để lại.
Đọc lại “lịch sử” dự án Làng đại học Đà Nẵng, sẽ thấy nhiều “kỷ lục”. Kỷ lục thời gian bắt đầu từ năm 1997, đến nay 23 năm vẫn dở dang. Kỷ lục về kiến nghị, có lẽ khó đếm hết bao nhiêu ý kiến cử tri đã phản ánh.
Tháng 6.2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận dự án này đã có quy hoạch từ lâu nhưng tới nay vẫn không triển khai được. Lý do là sự chủ động về phía cả Bộ GD-ĐT lẫn nhà trường chưa cao, chưa tham mưu được cho Chính phủ những lộ trình liên quan. Rồi Chính phủ đã có chỉ đạo là phải ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ làng đại học này. Rồi Bộ GD-ĐT cũng đề nghị 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng phối hợp giải phóng mặt bằng. Tham vọng của vị tư lệnh ngành giáo dục thật to tát, rằng “yêu cầu làm việc quy hoạch không phải là đại học vùng nữa mà là khu vực”. Tuy nhiên, tiến độ triển khai vẫn cứ chậm chạp, nên Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, vào tháng 10.2018 một lần nữa đưa ra nghị trường, yêu cầu thúc đẩy phát triển dự án Làng đại học Đà Nẵng, vì dự án này quy hoạch đã hơn 20 năm, người dân trong khu vực dự án rất bức xúc do chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Nguyên nhân nào là chính làm dự án kéo dài? Tiền và tái định cư. Trong cuộc làm việc của lãnh đạo Quảng Nam và Đà Nẵng vào tháng 3.2018, dự tính kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.200 tỷ đồng, và trước mắt cần tái định cư cho 2.000 hộ. Hai địa phương lại kiến nghị Chính phủ cho phép ứng vốn để làm. Và tháng 4.2019, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có văn bản giao Sở Xây dựng Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Đại học Đà Nẵng, Sở TN&MT cùng UBND quận Ngũ Hành Sơn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng nhằm sớm tái khởi động dự án Làng đại học Đà Nẵng. Cụ thể, quy hoạch dự án có tỷ lệ 1/2.000 để triển khai các thủ tục, tổ chức lập, trình duyệt đồ án quy hoạch phân khu Đại học Đà Nẵng theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian lập quy hoạch dự án không quá 9 tháng. Không rõ đến nay công việc cụ thể đã triển khai tới đâu, nhưng chắc chắn hiện trạng 300ha quy hoạch ban đầu cho dự án (Đà Nẵng hơn 100ha, Quảng Nam gần 200ha) đang là “miếng đất da beo” nham nhở!
Kể ra câu chuyện lùng nhùng này để muốn nói một điều rằng, nếu cơ chế phối hợp giữa hai địa phương cùng các bộ ngành liên quan không đồng bộ, “trọng tài” là Chính phủ không ra tay mạnh mẽ thì việc điều phối thực hiện dự án sẽ còn kéo dài. Đừng để cái sảy nảy cái ung nhiều thêm nữa, nhất là trong bối cảnh những “cơn sốt” đất đai cứ chực chờ bùng phát!