Lúng túng "cứu" bờ biển Cửa Đại

VĨNH LỘC 28/11/2017 08:57

Cơn bão số 12 vừa qua đã khiến nhiều đoạn bờ biển Hội An tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục, kè chắn những đoạn hư hại vẫn chưa được triển khai triệt để.

Tin liên quan

  • Luồng biển Cửa Đại lại bồi lấp
  • Sau bão lũ, luồng cửa biển Cửa Đại lại bị bồi lấp
  • Sóng lớn uy hiếp bãi biển Cửa Đại
  • Nạo vét trở lại luồng biển Cửa Đại
  • Giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại: Thống nhất phương án nuôi bãi
  • Hơn 54,5 tỷ đồng kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Cửa Đại
Nhiều đoạn bờ biển khu vực khách sạn Tropical Hội An bị sạt lở sau cơn bão số 12. Ảnh: VĨNH LỘC
Nhiều đoạn bờ biển khu vực khách sạn Tropical Hội An bị sạt lở sau cơn bão số 12. Ảnh: VĨNH LỘC

Trừ khu vực biển An Bàng, hầu như các đoạn bờ biển của Hội An đều bị ảnh hưởng do tác động của sóng dẫn đến sạt lở. Nặng nhất phải kể đến đoạn bờ biển từ cuối khách sạn Palm Garden đến khách sạn Tropical (khách sạn Agribank trước đây), khi nước biển ăn sâu vào rất nhiều, có đoạn gần 10m. Nhiều hàng dừa đã bị trốc gốc, kể cả một số đoạn thuộc công viên biển Hội An và khách sạn Tropical dù được kè cứng bằng bê tông cũng bị xói móng ngã chỏng chơ trên cát. Dù chưa có những tính toán thiệt hại cụ thể, nhưng ước tính số tiền để kè chắn khắc phục những đoạn sạt lở này lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho biết, thành phố đã giao Phòng khảo sát, đánh giá thực trạng để xây dựng giải pháp kè chắn tạm thời, nhưng cũng chỉ kè chắn đơn giản bằng phương pháp thủ công theo cách sắp xếp những bao tải cát bọc vải địa bên ngoài để chắn sóng, vì kinh phí thành phố eo hẹp. “Trước mắt cũng chỉ có thể kè mềm đơn giản nhằm hạn chế xói lở tại đoạn công viên giữa khách sạn Palm Garden và khách sạn Tropical (khoảng 80m) trong khi chờ giải pháp căn cơ hơn. Riêng những đoạn nào thuộc doanh nghiệp quản lý, họ phải tự xử lý chứ thành phố không thể đủ kinh phí để làm hết” - bà Vân thông tin. Cũng theo bà Vân, trước mắt đơn vị đã đề nghị phường Cẩm An huy động nhân lực dọn dẹp vệ sinh bờ biển nhằm đảm bảo cảnh quan, sau đó sẽ tham mưu thành phố nhanh chóng triển khai giải pháp tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, trong đợt bão lũ vừa qua, đoạn bờ biển từ khách sạn Palm Garden trở ra phía bắc bị sạt lở nặng. Đoạn từ khách sạn Hội An Beach trở vào đến khách sạn Victoria dù có thiệt hại nhưng không nhiều do đã được kè mềm gia cố và làm kè chắn sóng bên ngoài từ trước, dù vậy dự kiến số tiền để thay thế những bao tải cát bị rách, hư hại  khu vực này cũng khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi lũ rút, thành phố đã báo cáo tình trạng sạt lở ngay về tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi. “Đoạn bị sạt lở nặng từ khách sạn Palm Garden trở ra thành phố chưa biết tính thế nào vì bị sạt lở nặng, kinh phí nhiều nên chúng tôi cũng chỉ chờ thôi vì vượt khả năng của thành phố” - ông Hùng nói.

Việc tìm giải pháp tổng thể kè chắn bờ biển Hội An đã được các sở, ban ngành của tỉnh và trung ương đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cuối cùng. Trong khi mỗi năm bãi biển Cửa Đại lại bị xâm thực mạnh mẽ hơn, nên không ít doanh nghiệp lưu trú phải tự cứu mình, và điều này cũng đã dẫn đến những hệ lụy. Như tại khách sạn Palm Garden hiện đã mọc lên đoạn kè bằng bê tông kiên cố chắn sóng, dù việc đánh giá tác động cần phải có những nghiên cứu cụ thể và khoa học, nhưng không phủ nhận việc hình thành những “bức tường” bê tông này cũng đã có những tác động và ảnh hưởng nhất định đến quá trình xói lở.

Bà Nguyễn Thị Vân cho rằng, việc khách sạn xây tường bê tông kè chắn sóng chắc chắn sẽ gây tác động đến các khu vực liền kề vì khi sóng đánh vào gặp vật cứng che chắn sẽ chuyển sang “xé” đất tại những khu vực kế cận. Tuy nhiên, thành phố không thể can thiệp hay ngăn cản doanh nghiệp được, trong khi chính quyền chưa có giải pháp thì doanh nghiệp phải tự lo cho mình, nếu không tài sản của doanh nghiệp bị biển cuốn trôi thì ai sẽ bồi thường và chịu trách nhiệm. Từ năm 2014 đến nay đã có nhiều cuộc họp để tìm ra giải pháp tổng thể nhưng đã gần 4 năm rồi vẫn chưa thấy đâu, trong khi biển mỗi ngày một xâm thực mạnh hơn, sạt lở nhiều hơn. Nên trong khi chờ giải pháp tổng thể từ các nhà khoa học, giải pháp của doanh nghiệp là tạm thời khả thi nhằm hạn chế xói lở, bảo vệ tài sản của mình.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã nhận được báo cáo của Hội An, nhưng cũng phải chờ giải pháp cụ thể từ trung ương. “Hiện cũng có nhiều phương án, giải pháp, nhưng trước mắt sẽ tiếp tục thực hiện phương án nạo vét bơm cát… như đã làm trước đây. Vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ, phải chờ phương án chính thức cuối cùng từ trung ương và các nhà khoa học. Phải cân nhắc kỹ phương án chứ không thể làm tùy tiện được” - ông Quang nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lúng túng "cứu" bờ biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO