Kế hoạch của Quảng Nam là tất cả nguồn lực đầu tư của 2016 – 2020 sẽ ưu tiên cho đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhưng các cơ quan quản lý đang lúng túng chưa biết thực hiện như thế nào để đạt hiệu suất cao nhất khi các văn bản từ trung ương đều chưa xác thực một cách rõ ràng, cụ thể.
Đường dẫn nối cầu Cửa Đại, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hay nâng cấp, mở rộng, kết nối các tuyến giao thông đông - tây… là một trong những dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: T.D |
Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng then chốt
Sở KH&ĐT công bố tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2011 – 2015 hơn 22.700 tỷ đồng (chưa kể nguồn vốn TW đầu tư trên địa bàn, ước tính hơn 9.000 tỷ đồng). Chiếm tỷ lệ nhiều nhất là nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương 37%, nguồn hỗ trợ theo mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia 36%, nguồn vốn trái phiếu chính phủ 23,5% và vốn nước ngoài 3,5%. Số vốn này đã mở rộng cho việc phát triển thêm kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị, cấp nước, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục, xã hội và gia tăng vốn cho các chương trình giảm nghèo…
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững là mục tiêu của Quảng Nam trong vòng 5 năm đến. Kế hoạch đầu tiên phải tính tới là xây dựng, phát triển hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa 2 vùng đông – tây, giữa đô thị - nông thôn. Hoàn chỉnh đường ven biển, nạo vét cảng Kỳ Hà, bảo đảm cho tàu 30.000 tấn hoạt động. Nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang, thúc đẩy hoàn thành đường cao tốc, Đông Trường Sơn, phát triển cảng hàng không Chu Lai, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, du lịch, xây dựng, cải tạo các công trình thủy lợi, âu thuyền, đê biển, hạ tầng thủy sản quan trọng phục vụ sản xuất, chủ động phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các khu kinh tế, công nghiệp và các đô thị làm hạt nhân. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hạ tầng thủy hải sản nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị xuất khẩu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Sở KH&ĐT dự báo nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2016 – 2020 sẽ khoảng 25.791 tỷ đồng, tăng 108% so với giai đoạn 2011 – 2015, mới có thể bảo đảm dựng nên diện mạo mới Quảng Nam thông qua các chương trình, dự án trọng điểm. Toàn bộ nguồn vốn này sẽ dành đầu tư hoàn thiện tuyến ĐT 609, đường nối Duy Xuyên – Nông Sơn, nâng cấp và hoàn thiện các tuyến đến trung tâm cụm xã các huyện miền núi Trà Linh, Phước Gia, Phước Thành, đường nối phía nam cầu Cửa Đại và đầu tư các dự án mới, hỗ trợ đầu tư nâng cấp các tuyến trục giao thông quan trọng các huyện. Nguồn hỗ trợ ngân sách trung ương(10.831 tỷ đồng) sẽ đầu tư để hoàn thành cầu Giao Thủy, nối các tuyến liên kết đông – tây (ĐT 615, ĐT610 đến đường ven biển), nối trung tâm xã A Xan – Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang, xây dựng cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang, khu neo đậu tàu cá Cửa Đại, An Hòa, Hồng Triều, đầu tư các trường chuyên và đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm trường THPT đạt chuẩn 17.65 trường (30%), hoàn thiện mạng lưới bệnh viện…
Loay hoay kế hoạch đầu tư
Hiện tại ngân sách Quảng Nam đang khá “bế tắc” trước số nợ đọng xây dựng cơ bản 3.081 tỷ đồng, tiếp vốn khoảng 5.561 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp và đầu tư thêm những công trình bức thiết trong vòng 5 năm tới. Sở KH&ĐT kiến nghị nguồn lực đầu tư của giai đoạn này ưu tiên cho 3 nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Vì vậy cơ chế huy động nguồn thu từ khai thác quỹ đất (sau khi đã bố trí để đầu tư hạ tầng) để tăng nguồn trả nợ cho Ngân hàng Phát triển và bố trí cho giao thông nông thôn chương trình nông thôn mới. Nguồn vượt thu và kết dư ngân sách của tỉnh và các địa phương cần ưu tiên tỷ lệ hợp lý (không thấp hơn 70%) để bố trí cho đầu tư. Các địa phương khi sử dụng nguồn vượt thu để bố trí cho đầu tư phải theo các mục tiêu, danh mục đã bố trí trong kế hoạch trung hạn và theo đề xuất của Sở KH&ĐT. Nguồn tăng thu của tỉnh cũng ưu tiên bố trí cho các chương trình, nghị quyết HĐND và các dự án đầu tư trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn đã được HĐND tỉnh thông qua.
Kế hoạch đã được lập, nhưng chính quyền và cơ quan quản lý đang gặp khó khăn khi các văn bản của trung ương cho kế hoạch đầu tư trung hạn này vẫn đang “giẫm chân tại chỗ” và các địa phương không biết làm thế nào để lên danh mục đầu tư. Đến nỗi, ngay tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam hồi tháng 7 vừa qua cũng buộc phải dừng lại việc công bố hay giám sát tình hình thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011 – 2015 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020! Ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói sự kết nối giữa các sở ngành, địa phương chưa gắn trách nhiệm nên nhiều việc dở dang. Đầu tư công có cải cách nhưng chưa đúng nghĩa phân cấp, còn quá rườm rà. Kế hoạch vốn trung hạn lúng túng. Chính quyền địa phương không biết trình danh mục như thế nào cho đúng yêu cầu.
Theo ông Trần Văn Tri – Giám đốc Sở KH&ĐT kế hoạch thực hiện khá lúng túng là do việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công được thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam, quá chậm theo quy định (theo luật là năm thứ 4 của giai đoạn kế hoạch 5 năm trước phải tiến hành lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm cho giai đoạn sau). Các hướng dẫn của Bộ KH&ĐT chưa rõ ràng, nhất quán. Theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thì nguồn hỗ trợ mục tiêu ngân sách trung ương giai đoạn 2016 – 2020 nên phân bổ cho giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nhưng các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương hiện nay chưa xác định còn lại bao nhiêu chương trình. Việc phân bổ vốn cụ thể cho từng chương trình hay lĩnh vực vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương hiện nay vẫn căn cứ vào kết quả thực hiện của giai đoạn 2011- 2015 để dự kiến cho giai đoạn 2016 – 2020 nên chưa có tính vững chắc. Hiện Sở KH&ĐT đã được giao chủ trì thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư do cấp tỉnh quản lý hoặc sử dụng vốn ngân sách theo Luật Đầu tư công, trình UBND tỉnh quyết định hoặc báo cáo HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
TRỊNH DŨNG