Lúng túng thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

HOÀNG LINH 27/01/2015 09:40

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2015. Luật mới được triển khai trong thực tế được gần một tháng, vẫn còn nhiều vướng mắc đối với cả người dân và đơn vị thực hiện.

Nhiều bệnh nhân đi khám chữa bệnh trái tuyến lo lắng khi chưa hiểu về Luật BHYT sửa đổi.
Nhiều bệnh nhân đi khám chữa bệnh trái tuyến lo lắng khi chưa hiểu về Luật BHYT sửa đổi.

Tại Khoa Khám chữa bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày đầu tháng 1.2015, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT, nhưng khi đi không có giấy giới thiệu đúng tuyến và không nhập viện điều trị đã phải chi trả 100% chi phí, mặc dù trước đây có đi trái tuyến vẫn được thanh toán 50% chi phí. Đang ngồi chờ để khám bệnh, ông Nguyễn Lực (huyện Phú Ninh) hỏi thăm những người đã khám về việc khám bệnh theo Luật BHYT mới, bởi ông Lực có nghe trên đài thông báo về điều này nhưng chưa rõ. Khi nghe nói phải thanh toán 100% chi phí, ông Lực bất ngờ: “Sao nghe nói luật mới quyền lợi mở rộng, thông tuyến mà lại phải trả 100%? Tháng nào tôi cũng đi khám bệnh huyết áp, và hay đi xuống tỉnh mà không xin giấy giới thiệu, chấp nhận trả thêm một phần. Giờ thì không được rồi”.

Ông Trần Tấn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Trong những ngày đầu thực hiện Luật BHYT sửa đổi, cả cán bộ của bệnh viện lẫn giám định viên của bảo hiểm ở bệnh viện đều lúng túng khi bệnh nhân hỏi. Vướng mắc trong chuyển tuyến, khám trái tuyến được hỏi nhiều nhất, và chúng tôi phải liên tục gọi điện thoại đến bộ phận giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội tỉnh để hỏi và giải đáp cho người dân”. Hay như trong quá trình thanh quyết toán, ông Dũng cho rằng giữa bác sĩ và giám định viên còn có những điều chưa đồng thuận, kể cả khi triển khai Luật BHYT mới. Có những điều “hợp lý” đối với bác sĩ, nhưng lại “bất hợp lý” đối với giám định viên nên thanh quyết toán không được, gây khó khăn cho phía bệnh viện. Cùng chung quan điểm này, ông Lê Viết Nho - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam nhận định: “Luật BHYT mới đọc qua thì có nhiều quyền lợi của nhân dân được mở rộng, nhưng triển khai ban đầu do chưa hiểu rõ nên còn nhiều lúng túng lắm. Đối với việc chuyển tuyến và vượt tuyến cả người dân và bệnh viện cũng không hiểu rõ, như đối với tuyến dưới không có danh mục kỹ thuật mà bệnh nhân yêu cầu, thì họ có được tự ý đi tuyến trên để được khám bệnh theo danh mục kỹ thuật tuyến trên có, mà không bị xem là vượt tuyến nếu không có giấy giới thiệu? Hoặc bệnh nhân tuyến xã, vùng đặc biệt khó khăn đi khám ở tuyến trung ương thì có bị xem là vượt tuyến?”.

Hoặc theo phản ánh của Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên, Luật BHYT sửa đổi không chú ý đến quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em đi khám chữa bệnh vẫn yêu cầu giấy giới thiệu, khiến nhiều gia đình rất khó khăn. Đối với trẻ em, nên để muốn khám ở đâu thì khám, không cần giấy giới thiệu sẽ rất phiền hà. Đối với bệnh nhân bị bệnh ung thư cũng đã xuất hiện không ít lo lắng khi một số loại thuốc điều trị bị giảm chi trả 50 - 100% xuống còn 30 - 50% hoặc không được chi trả. Về vấn đề này, theo Phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh), bệnh nhân ung thư không nên quá lo lắng, bởi bệnh nhân đã và đang điều trị bệnh ung thư từ trước thời điểm 1.1.2015 vẫn được thanh toán, chi trả như quy định cũ, dù phải đi điều trị nhiều đợt theo liệu trình của bác sĩ. Chỉ có bệnh nhân mới phát bệnh sau 1.1.2015 và điều trị mới hoàn toàn mới áp dụng theo luật mới sửa đổi. Và cũng có có 4 loại thuốc trong danh mục không được chi trả, còn bệnh nhân điều trị ung thư theo đúng cơ sở điều trị có chức năng điều trị bệnh này. Và khi bệnh nhân nghi ngờ bị ung thư, không cần khám đúng theo tuyến xã hay huyện, mà đến bệnh viện có chức năng điều trị ung bướu để khám vẫn hưởng thanh toán BHYT như bệnh nhân đúng tuyến.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lúng túng thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO