Ngày 9.4.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, bao gồm gói hỗ trợ dân sinh với số tiền 62.000 tỷ đồng, trong đó, nhóm lao động tự do bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, dự đoán khoảng 5 triệu người thuộc nhóm này được hưởng gói trợ cấp trên.
Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được xem là cấp thiết và phù hợp hiện nay, tuy nhiên do chưa có văn bản hướng dẫn, nhất là trong việc phân loại các nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, mất việc làm vì dịch bệnh… khiến nhiều địa phương lúng túng khi triển khai thực hiện.
Chờ hướng dẫn
Bà Nguyễn Thị Lệ Thông - cán bộ phụ trách bộ phận lao động - thương binh xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn) cho biết, những ngày qua rất nhiều người dân, chủ yếu nhóm lao động không có giao kết hợp đồng và mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 (tạm gọi là lao động tự do) thường xuyên hỏi thăm về gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, vì chưa có văn bản hướng dẫn từ cấp trên nên việc trả lời người dân rất khó khăn.
“Người dân phấn khởi vì gói hỗ trợ nhưng cũng thắc mắc vì không biết mình có nằm trong nhóm đối tượng được hưởng hay không, nhưng do xã chưa nhận được văn bản hướng dẫn nên khó thể xác định trường hợp cụ thể. Bây giờ muốn khảo sát lên danh sách phải có đối tượng cụ thể mới làm được” - bà Thông nói.
Ông Lê Tự Đợi - Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung chia sẻ, nếu như các nhóm đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội địa phương đã nắm chắc danh sách thì với nhóm lao động tự do rất lúng túng; làm không khéo sẽ phát sinh nhiều vấn đề, kể cả kiện tụng sau này.
Qua khảo sát một số xã, phường tại thị xã Điện Bàn và TP.Hội An, hầu hết cho biết rất lúng túng khi phân loại nhóm lao động tự do. Ông Nguyễn Tấn Cường - Chủ tịch UBND phường Cẩm Phô, TP.Hội An cho biết, mấy ngày qua địa phương vừa làm vừa chờ hướng dẫn.
“Trước mắt, chúng tôi vẫn điều tra, tổng hợp các nhóm lao động có hợp đồng và không có hợp đồng lao động đang làm cho các cơ quan, đơn vị. Riêng với nhóm lao động tự do, tiến hành phát tờ khai để kê khai, khi có văn bản hướng dẫn phường sẽ thành lập hội đồng xét duyệt, xác minh từng trường hợp cụ thể” - ông Cường cho biết.
Chủ động triển khai
Ông Đoàn Ngọc Hưng - Phó Trưởng phòng LB-TB&XH thị xã Điện Bàn cho hay, trong khi chờ văn bản hướng dẫn, ngày 20.4 vừa qua, UBND thị xã Điện Bàn đã có công văn yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH xuất dữ liệu cung cấp danh sách người có công cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gửi cho các xã, phường trên địa bàn tổng hợp triển khai thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
“Hiện chúng tôi mới chỉ tập trung vào 3 nhóm đối tượng mình đã nắm chắc danh sách. Còn với người lao động tự do, thật sự chúng tôi chưa thể hình dung như thế nào nên các địa phương chưa dám làm, để tránh trường hợp không đúng hoặc sót đối tượng” - ông Hưng nói.
Tại TP.Hội An, ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố cho rằng, việc xác định nhóm lao động tự do rất khó, do số lượng đông và khái niệm lao động tự do chưa được mô tả rõ. Chưa kể, một số trường hợp lao động tự do bị mất việc nhưng không phải do Covid-19 thì không thể hưởng gói hỗ trợ trên, do đó phải rà soát kỹ càng để tránh sai sót sẽ gây mất niềm tin của người dân trong việc áp dụng chính sách.
Cũng theo ông Phúc, đến nay số lượng lao động ở Hội An mất việc do Covid-19 khá đông, vì hầu hết làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch. Chỉ riêng lao động làm việc theo chế độ hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên đã có hơn 8.800 người; lao động bị chấm dứt hợp đồng, có hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 950 người…
Bên cạnh đó, một số lao động trong doanh nghiệp dù đã chốt sổ bảo hiểm nhưng phải chờ đến tháng 6 mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, không chỉ chờ văn bản hướng dẫn về đối tượng lao động tự do, việc phân cấp, phân nhiệm cụ thể cũng nên nhanh chóng triển khai; phải có văn bản hướng dẫn để xếp người lao động vào nhóm phù hợp, gắn với công tác kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách khi triển khai thực hiện.