Lúng túng trước "linh vật lạ"

VĨNH LỘC 06/10/2014 08:35

Đã gần 2 tháng kể từ ngày Bộ VH-TT&DL ban hành Công văn số 2662 yêu cầu về việc không sử dụng sản phẩm, linh vật, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai kiểm tra, tháo dỡ linh vật lạ ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn gặp nhiều lúng túng do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Không rõ ràng

Căn cứ nội dung Công văn số 2662 của Bộ VH-TT&DL ngày 8.8.2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ngày 4.9.2014, Sở VH-TT&DL đã gửi Công văn số 814/SVHTTDL-NVVH đến các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh yêu cầu thực hiện những nội dung như, không trưng bày, sử dụng, biếu tặng các biểu tượng, sản phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, tháo dỡ các biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở những nơi công cộng, đặc biệt tại các khu di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương. Mặc dù công văn đã được Sở VH-TT&DL gửi đi hơn 1 tháng nay nhưng trên thực tế việc rà soát kiểm tra tại các địa phương hầu như chưa có động thái xử lý.

Sư tử đá trước Nhà truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang. Ảnh: V.L
Sư tử đá trước Nhà truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang. Ảnh: V.L

Khảo sát sơ bộ tại một số huyện, thành phố như Điện Bàn, Thăng Bình, Hội An, Tam Kỳ… dễ dàng nhận thấy nhiều biểu tượng linh vật lạ, chủ yếu là sư tử đá vẫn còn hiện diện khá nhiều tại các khách sạn, chùa, miếu mạo như chùa Pháp Bảo, tịnh xá Ngọc Châu, Nam Quan tự;  khách sạn Phú Thịnh, Đồng Xanh, Vĩnh Hưng… (Hội An); Vinahouse, Đài tưởng niệm liệt sĩ thị trấn Vĩnh Điện, các nhà thờ tộc tại xã Điện Quang, Điện Phước… (Điện Bàn); UBND TP.Tam Kỳ, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, Ngân hàng Vietcombank… (Tam Kỳ); Bệnh viện Thăng Hoa, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam (Thăng Bình)… Đặc biệt, tại các huyện miền núi Đông Giang hay Nam Giang, sư tử đá cũng đã hiện diện, trong đó có thể kể đến Nhà truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang hay các miếu nằm ven đường thuộc địa bàn xã A Ting (Đông Giang). Riêng tại Nhà truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang không phải đến bây giờ việc trưng bày sư tử mới được nhắc đến mà từ năm 2011, Báo Quảng Nam cũng đã có bài phản ánh “Sư tử trước gươl ở Nam Giang!?” nhưng đến nay mọi chuyện vẫn không thay đổi. Theo ông Trần Dư, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang, đơn vị đã báo cáo lên UBND huyện nhưng được trả lời là cứ để vậy vì đây là quà tặng nên không thể di dời được. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu về việc khó di dời các “linh vật lạ” của không ít địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc vận động, thực hiện tháo dỡ là điều không đơn giản do văn bản chỉ đạo từ Bộ VH-TT&DL rất mơ hồ, không rõ ràng dẫn đến sự lúng túng trong việc triển khai thực hiện.

Lúng túng

Theo bà Lương Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng VH-TT Điện Bàn, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, đơn vị đã tiến hành gửi công văn đến tất cả cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện nội dung không trưng bày các linh vật, biểu  tượng lạ, còn bước đi tiếp theo như kiểm tra, tháo dỡ… vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ ngành văn hóa cấp trên. “Thật ra ở Điện Bàn việc trưng bày linh vật lạ như sư tử là không nhiều, chủ yếu ở nhà thờ tộc họ nên quan điểm của phòng cũng chỉ vận động, tuyên truyền để các chủ sở hữu biết, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng những linh vật quen thuộc trong văn hóa người Việt như long, lân, quy, phụng” - bà Linh nói. Ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An cho rằng, vướng mắc chính là làm sao để phân biệt “linh vật lạ, trái thuần phong mỹ tục” với các linh vật “quen” phù hợp thuần phong mỹ tục. Thậm chí, con nghê (hay còn gọi là long mã phụ hà đồ) cũng chưa phải là linh vật của Việt Nam, còn sư tử lại là con vật đã xuất hiện trong kinh Bát Nhã của nhà Phật từ rất lâu. “Văn bản của bộ mơ hồ nên khi triển khai thực hiện xuống địa phương rất lúng túng” - ông Lanh nhận xét. Theo ông Lanh, tuần tới đơn vị sẽ phối hợp với một số cơ quan như Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản Hội An, Đội kiểm tra liên ngành… tiến hành rà soát kiểm tra trên địa bàn thành phố, mục đích cũng chỉ nhắc nhở, đánh động các chủ di tích, cá nhân, tập thể, cơ quan để sau này ai cúng, tặng thì biết mà từ chối. “Với các di tích được xếp hạng thì việc kiểm tra di dời linh vật lạ tương đối đơn giản vì chỉ căn cứ vào hồ sơ di tích gốc để đối chiếu, nhưng tại những cơ quan, đơn vị, nhà thờ, đền, miếu… thuộc sở hữu của cá nhân hay tập thể thì rất khó nên chúng tôi phải kiên trì vận động” - ông Lanh cho biết.

Thực tế, sự lúng túng của các cơ quan văn hóa không chỉ thể hiện ở việc định nghĩa thế nào là linh vật lạ hay linh vật khác với vật trang trí ra sao, vì điều này còn liên quan đến quyền sở hữu và sở thích thẩm mỹ của cá nhân và tập thể nên không thể cấm đoán hoặc bắt buộc tháo dỡ được. Đơn cử tại Ngân hàng Vietcombank (Tam Kỳ) hay nhà hàng Lê Bá Truyền, khách sạn Thanh Bình I và II (Hội An)…, trang trí bên ngoài là 2 con vật hình dáng tựa kỳ lân nên việc xử lý sẽ không hề đơn giản vì không thể xác định đây là con vật gì hoặc biểu tượng gì, có “lạ và trái thuần phong mỹ tục” hay không do chưa có quy chuẩn, hình mẫu cụ thể từ Bộ VH-TT&DL để thẩm định đối chiếu nên mọi nhận xét chỉ là cảm tính. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, văn bản của bộ còn quá chung chung, trong đó chưa nói rõ “linh vật lạ” là con gì, vật gì, cách thức xử lý ra sao, ai di dời, di dời về để đâu… Chính sự mơ hồ đó nên không chỉ các địa phương mà sở cũng rất lúng túng khi triển khai xuống cơ sở. “Sở đang làm văn bản gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để địa phương áp dụng thực hiện” - ông Tịnh nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lúng túng trước "linh vật lạ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO