Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam đang tiến hành việc khảo sát, thống kê mộ cổ để xếp hạng di tích. Tuy nhiên, đã qua 2 năm triển khai nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Ngoài ra, còn có không ít ý kiến trái chiều từ các địa phương tham gia khảo sát.
Đến nay vẫn chưa có tiêu chí nào cụ thể để xác định mộ cổ.Ảnh: V.LỘC |
Khó xác định
Trong 4 tiêu chí phân loại để xếp hạng di tích (nhân vật lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh thắng), đối với mộ cổ chủ yếu dựa trên tiêu chí “nhân vật lịch sử” - dựa trên công trạng của chủ nhân gắn với ngôi mộ đó như mộ Trần Văn Dư, Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài… Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam đã phát hiện 113 mộ có những đặc trưng của mộ cổ như: vật liệu xây dựng bằng vôi vữa, mật mía, đá ong hoặc sa thạch có chạm khắc họa tiết trang trí… tại 13 huyện, thành phố trong tỉnh (các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My qua khảo sát không phát hiện có mộ cổ trên địa bàn). Tuy nhiên, việc xác định đó có phải mộ cổ hay không vẫn còn lúng túng do chưa có tiêu chí cụ thể đối với loại hình di tích này.
Theo ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam, đến nay Bộ VH-TT&DL vẫn chưa có văn bản nào để xác định tiêu chí một mộ cổ mà trung tâm phải tự đề ra các tiêu chí xác định của riêng mình, như mộ phải trên 100 năm tuổi, có văn bia khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, có kiến trúc đặc trưng (trang trí con dơi, quả trám, bầu bí, cuốn sách, cây kiếm…). Tuy vậy, theo ông Cẩm, việc tự đặt ra tiêu chí để xác định mộ cổ cũng chỉ mang tính tương đối vì hầu hết hiện trạng các ngôi mộ cổ đã bị thay đổi nhiều. Trong đó, do tác động của chiến tranh, thiên tai, ảnh hưởng trong quá trình cải tạo đồng ruộng những năm sau ngày giải phóng..., nhiều ngôi mộ đã bị thất lạc văn bia hoặc không còn kiến trúc nguyên vẹn. Ngoài ra, một số ngôi mộ cổ đã được con cháu trong gia tộc quy tập về nghĩa trang địa phương hoặc khuôn viên gia đình nên kiến trúc bị thay đổi.
Trong số 113 di tích được khảo sát, các mộ chủ yếu được lập bia vào thời nhà Nguyễn, trong đó bia mộ Trần Đăng Long và phu nhân (ở Tam Hiệp, Núi Thành) có niên đại sớm nhất được lập vào năm thứ 11 đời vua Minh Mạng (1829). Còn lại hầu hết đã bị mất văn bia hoặc còn văn bia gốc nhưng kiến trúc đã được xây mới nên rất khó xác định niên đại cụ thể. “Với những ngôi mộ không còn văn bia, dù kiến trúc có độc đáo chúng tôi cũng không thể xác định chính xác được là mộ cổ hay không” - ông Cẩm thừa nhận.
Lúng túng
Việc không có tiêu chí rõ ràng về loại hình mộ cổ, thậm chí không có hướng dẫn cụ thể từ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng đã gây lúng túng cho các địa phương, nhiều nơi phải tự mò mẫm thống kê mộ cổ theo ý chủ quan. Bà Nguyễn Thị Hiệp, cán bộ Bảo tàng Điện Bàn cho rằng, Trung tâm Quản lý Di tích danh thắng Quảng Nam yêu cầu khảo sát thì làm chứ thấy mơ hồ lắm. “Thời gian qua việc xác định mộ cổ trên địa bàn huyện chủ yếu bằng mắt thường. Trung tâm Quản lý di tích danh thắng chỉ gửi công văn yêu cầu khảo sát số lượng mộ cổ trên địa bàn huyện, còn mộ cổ là thế nào thì không có văn bản nào hướng dẫn cả” - bà Hiệp nói. Chính vì không có tiêu chí cụ thể nên các cán bộ bảo tàng địa phương chỉ còn cách “trông mộ nào được xây bằng vôi vữa có bia khắc chữ Hán, Nôm là đưa vào danh sách mộ cổ”. Điều này dẫn đến việc số lượng mộ cổ các huyện báo cáo về và kết quả khảo sát lại của Trung tâm Quản lý di tích danh thắng chênh lệch nhau khá lớn.
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho rằng, việc Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam tiến hành khảo sát thống kê mộ cổ trên địa bàn tỉnh là việc làm hay, tuy nhiên điều này không cần thiết. Bởi, về mặt kiến trúc, loại hình di tích mộ cổ không có gì độc đáo, còn những ngôi mộ có giá trị về mặt lịch sử nhân vật thì đã được thống kê xếp hạng cả rồi. Theo ông Nguyễn Chí Trung, thời gian qua Hội An đã có nhiều di tích mộ cổ được xếp hạng dựa trên 2 tiêu chí là “nhân vật lịch sử” và “kiến trúc nghệ thuật”. Ông Phan Văn Cẩm cho biết, mục đích của việc khảo sát mộ cổ ngoài việc thống kê phân loại các mộ hiện còn, trên cơ sở nội dung những văn bia được dịch, sẽ chọn ra 10 mộ tương đối đáp ứng tiêu chí kết nối với gia phả, lịch sử địa phương để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh. “Trong trường hợp nếu ngôi mộ không xếp hạng được cũng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử vùng đất, văn hóa và con người Quảng Nam” - ông Cẩm nói.
Ý tưởng là vậy, nhưng qua hơn 2 năm tiến hành khảo sát mộ cổ trên địa bàn tỉnh, công tác tổng hợp số liệu đối với loại hình di tích này vẫn còn lúng túng. Việc dập bản các văn bia để làm cơ sở lưu trữ, dịch thuật, nghiên cứu vẫn chưa được triển khai. Những điều đó khiến nhiều địa phương không hào hứng trong việc khảo sát mộ cổ trên địa bàn. Mỗi loại hình di tích đều ẩn chứa những thông điệp khác nhau, với mộ cổ dù không có nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật (nếu so với các loại hình kiến trúc khác) nhưng vẫn mang những giá trị đặc trưng có thể góp phần giải mã quan niệm và suy nghĩ của người xưa về một giai đoạn lịch sử nhất định.
Xác định kiến trúc mộ cổ như một loại hình di tích là điều cần thiết. Nếu như các đơn vị, địa phương tiến hành một cách đồng bộ và khoa học, khi đó hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn chứ không chỉ “mơ hồ lúng túng” như nhận xét của nhiều cán bộ bảo tàng địa phương trong tỉnh thời gian qua.
VĨNH LỘC