(Xuân Nhâm Dần) - Bất cứ đâu, trên tuyến đầu biên giới hay cửa ngõ phòng chống dịch, người lính vẫn luôn sẵn sàng, bằng mệnh lệnh vì Dân.
Nắng ấm vùng sạt lở
Như từ trong cổ tích, bức tranh của Hồ Văn Đệ, cậu học sinh lớp 9 ở Trà Leng (Nam Trà My) vẽ ngôi làng cũ nơi nóc Ông Đề được hiện thực hóa ở ngôi làng mới. Chốn trú chân của em và những người làng, nơi bão dông sẽ dừng sau cánh cửa mang tên mới Bằng La, trong những nóc nhà ấm yên, vững chãi.
Ngôi làng mới thành hình vào tháng 5.2021, rộng 6ha, nằm giữa sông Leng và núi La. Khu đất bằng phẳng được quy hoạch 81 lô làm nhà ở, trong đó có 39 ngôi nhà mới được xây cho dân nóc Ông Đề và làng Tắc Pát.
Giữa khu dân cư là nhà sinh hoạt cộng đồng do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xây dựng, mô phỏng kiến trúc nhà sàn truyền thống, vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi tránh trú bão cho người dân.
Suốt hành trình hồi sinh diệu kỳ nơi góc núi, đồng bào hẳn không quên được màu xanh áo lính, đội cứu hộ “thần tốc” chỉ một ngày sau thảm họa, và miệt mài với cuộc kiếm tìm người mất tích suốt nhiều tháng ròng sau đó.
Sau sạt lở, vẫn những người lính kiên cường ở lại, giúp dân dựng nhà tạm. Để rồi, đi qua nhiều gian khó, một cái kết đẹp mở ra cho nóc Ông Đề. Hồ Văn Đệ cùng 6 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ do sạt lở núi đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng cho đến lúc 18 tuổi.
Những vết thương dần lành. Thượng tá Lê Trung Thành - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ, sau thiên tai, đơn vị đã nỗ lực cùng chính quyền, các cấp ngành lo cho dân, như một cách để bù đắp những mất mát của vùng sạt lở.
“Đó là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính trong thời bình, phải luôn sát cánh, sẻ chia với đồng bào. Giúp dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống sau thiên tai, ứng trực trong các khu cách ly phòng ngừa Covid-19, cùng với nhiều nhiệm vụ khác, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn nỗ lực hết mình, với trách nhiệm, với lòng tự hào người lính” - Thượng tá Lê Trung Thành chia sẻ.
Xung kích nơi tuyến đầu
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt (cán bộ Cảnh sát giao thông Công an huyện Phước Sơn) hẳn sẽ không bao giờ quên những đêm trắng dưới mưa, trực chốt kiểm soát phòng chống dịch đèo Lò Xo đón đưa đoàn người hồi hương dằng dặc. Trong cuộc chiến chống dịch, vượt qua rất nhiều khó khăn, đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, tháng 10.2021, anh có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với Covid-19.
“Nếu ai cũng sợ vất vả, sợ hy sinh, sẽ không ai bước ra tuyến đầu. Chúng tôi là người lính Công an nhân dân, khi Tổ quốc cần, chúng tôi phải làm tròn bổn phận của mình. Đó còn là tình cảm, là trách nhiệm với dân, với những đồng bào đang đói rét trong cuộc hồi hương” - anh chia sẻ.
Đã có hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ công an tham gia các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. Không đếm hết bao nhiêu đêm trắng nơi tuyến đầu, bao nhiêu công sức đã đổ xuống vì mục tiêu chung: ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch Covid-19.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: "Toàn lực lượng đã vượt qua nhiều khó khăn, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác. Vừa đảm bảo an ninh trật tự trên toàn tỉnh, Công an tỉnh và công an các địa phương vừa bố trí, phân công hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ bám sát cơ sở, địa bàn giáp ranh, tuyến biên giới.
Trong công tác tuyên truyền, cán bộ chiến sĩ cũng nỗ lực vận động người dân, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt phương án chống dịch. Những nỗ lực đó đã góp sức cho Quảng Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống người dân” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng chia sẻ.
Giữ yên biên giới
Bình lặng nhưng cũng đầy cam go, là cuộc chiến của các chiến sĩ biên phòng nơi miền biên ải. Những chiến sĩ mang quân hàm xanh trực tại các chốt biên giới hàng tháng trời dựng lều bạt, ăn ngủ tại chỗ, túc trực 24/24 giờ. Qua đó, nhiều đối tượng xuất nhập cảnh trái phép bị phát hiện, bắt giữ kịp thời.
Những chuyến tuần tra, các chốt kiểm soát dựng lên khắp tuyến biên giới như một “lá chắn thép” của lực lượng biên phòng. Hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ biên phòng tỏa ra khắp các bản làng, tuyên truyền lưu động, cấp phát khẩu trang, tờ rơi, cập nhật những thông tin về tình hình dịch bệnh. Nỗ lực đó đã giúp người dân nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, chúng tôi có rất nhiều mô hình, chương trình, việc làm ý nghĩa, hiệu quả giúp dân. Biên phòng cũng là cầu nối huy động các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị chung tay làm cầu, làm đường, làm nhà cho dân.
Đặc biệt, các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, con giống, vật nuôi, cây trồng đã giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống và cùng với Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.
Nghĩa tình dày thêm. Dẫu còn nhiều khốn khó, gian nan vì thiên tai, dịch bệnh, song sự đồng hành, sẻ chia của các chiến sĩ bộ đội, công an, biên phòng đã viết thêm những câu chuyện đẹp về tình quân dân, từ biên giới xuống miệt biển, từ tuyến đầu chống dịch đến từng ngõ, từng nhà…