(Xuân Đinh Dậu) - Tôi tình cờ đọc được bài viết Con đường tơ lụa trên biển và giao lưu văn hóa Việt - Nhật của GS.Bùi Chí Trung đang giảng dạy tại Đại học Aichi Shukutoku (Nhật Bản). Trong bài viết, ông có đề cập cuốn sách Matsuzaka Momen Oboegaki (Giác thư về vải dệt Matsusaka) của Tabata Yoshiho, viết về nghề dệt và nhuộm vải ở thành phố Matsusaka (tỉnh Mie, Nhật Bản).
1.Theo sách này thì từ thế kỷ 6, kỹ thuật nhuộm màu chàm cho bông vải của người Nhật đã ở mức thượng thừa, nhưng vải màu chàm bấy giờ chưa sử dụng rộng rãi ở Nhật. Đến thế kỷ 12, tầng lớp võ sĩ đạo ngày một lớn mạnh, nắm quyền chi phối xã hội Nhật Bản. Họ sử dụng vải màu chàm để may trang phục khiến cho nghề nhuộm vải chàm trở nên hưng thịnh. Vải màu chàm phổ biến ra toàn xã hội, từ giới quý tộc đến tầng lớp thương nhân hay thường dân đều dùng vải màu chàm để may trang phục, đặc biệt là kimono. Tuy nhiên, lúc đó người Nhật chưa biết kỹ thuật dệt sợi dọc và nghệ thuật phối màu tạo thành hoa văn từ các sợi vải được nhuộm chàm theo các sắc độ đậm lạt khác nhau, nên họ chỉ tạo ra những tấm vải màu chàm đơn sắc.
Nam nữ Nhật Bản mặc kimono may bằng vải chàm dệt sợi dọc của Matsusaka. |
Sang thế kỷ 17, mạng lưới hải thương giữa Nhật Bản và Đại Việt hình thành và phát triển, đỉnh cao là thời kỳ mậu dịch Châu ấn thuyền (Shuin-sen). Nhiều thuyền buôn Nhật Bản được chính quyền Mạc phủ cấp Châu ấn trạng (Shuin-jo), giấy phép đi giao thương ở hải ngoại, đã cập cảng Hội An (Quảng Nam) để buôn bán. Một trong những mặt hàng được thương nhân Nhật Bản ưa chuộng chính là loại vải nhuộm chàm dệt sợi dọc do các thợ dệt xứ Quảng làm ra.
Họ gọi tên loại vải này là shima watari (vải ngoại nhập vào xứ đảo), mua số lượng lớn đưa về để bán lại cho cư dân trong vùng Ise, nơi có ngôi đền Thần đạo nổi tiếng. Ise ở gần Matsusaka nên những người phụ nữ khéo tay ở Matsusaka, nơi có nghề dệt nhuộm rất hưng thịnh đã tiếp xúc và tham khảo kỹ thuật dệt các sợi vải có các sắc màu khác nhau để tạo hoa văn trên những mẫu vải nhập về từ xứ Quảng. Từ đó hình thành kỹ thuật dệt vải sợi dọc nổi tiếng ở Matsusaka. Loại vải này được sản xuất với số lượng lớn, cung ứng ra khắp nước Nhật thông qua mạng lưới thương mại ở Edo. Đến thời Minh Trị (1868 - 1912), vùng Matsusaka có tới 1.000 hộ làm nghề nhuộm chàm và dệt vải sợi dọc. Tác giả Tabata Yoshiho cho biết nhiều mẫu vải sợi dọc từ Quảng Nam đưa về trong thời kỳ Châu ấn thuyền, hiện vẫn được gìn giữ trân trọng ở Matsusaka.
Khung dệt cổ truyền trưng bày ở Trung tâm Matsusaka Momen. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn |
Sức hấp dẫn của câu chuyện về những mảnh vải dệt sợi dọc này đã khiến tôi, Phan Hải Linh và anh bạn người Nhật Nakamura Masami, là những người quan tâm đến mối quan hệ giao lưu văn hóa và thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, phải tìm về Matsusaka.
2. Chúng tôi bắt chuyến tàu sớm từ Nagoya (tỉnh Aichi) đến Matsusaka (tỉnh Mie) trong một ngày mưa tầm tã. Vừa ra khỏi tàu là đã thấy sắc màu chàm hiện diện nơi các gian hàng bán đồ lưu niệm ở ga Matsusaka. Đó là những trang phục, hàng lưu niệm và đồ gia dụng làm bằng thứ vải chàm truyền thống của Matsusaka. Nhìn xuyên qua màn mưa giăng phủ, anh Nakamura chỉ cho tôi tấm biển quảng cáo dựng trước sân ga, chụp hình một thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục kimono may bằng vải chàm dệt sợi dọc. Nakamura bảo tôi đọc dòng chú thích viết bằng tiếng Nhật ở phía dưới bức ảnh quảng cáo, đại ý: Thành phố Matsusaka giới thiệu sản phẩm dệt danh tiếng và lâu đời, làm từ bông vải và màu nhuộm có nguồn gốc tự nhiên. Kỹ thuật dệt hoa văn trên vải ở Matsusaka được tiếp thu từ kỹ thuật dệt vải sợi dọc từ Quảng Nam (An Nam quốc) trong thời kỳ mậu dịch Châu ấn thuyền.
Tôi muốn đến gần tấm biển quảng cáo để chụp một bức ảnh kỷ niệm với dòng chú thích đáng giá này, nhưng do trời mưa quá lớn, nên phải lên taxi để đi tham quan Trung tâm Matsusaka Momen ở cách ga Matsusaka khoảng 15 phút.
Trung tâm Matsusaka Momen là nơi trưng bày và tái hiện kỹ thuật dệt vải chàm sợi dọc truyền thống của Matsusaka, đồng thời cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm làm từ loại vải danh tiếng này. Có thể xem đây là bảo tàng lịch sử nghề dệt và nhuộm hơn 1.300 năm tuổi của Matsusaka nói riêng, Nhật Bản nói chung. Những hiện vật, sản vật trưng bày ở nơi này, cùng với lời diễn giải cho biết lúc thịnh thời, mỗi năm Matsusaka Momen bán ra nửa triệu mảnh vải chàm đến vùng Edo, trong khi cư dân Edo lúc đó chỉ khoảng một triệu người.
Tôi hỏi cô gái bán hàng rằng cô có biết về câu chuyện những thợ dệt cổ xưa ở Matsusaka học hỏi kỹ thuật dệt hoa văn sợi dọc trên vải chàm này từ Việt Nam không? Cô trả lời là có nghe về truyền thuyết như vậy, rồi dẫn tôi đến bán sách, chỉ vào một cuốn sách có bìa bọc bằng chính thứ vải chàm nổi tiếng của Matsusaka, nói: “Anh nên đọc cuốn sách này. Trong đó có viết về câu chuyện mà anh vừa nói đến”. Tôi cầm cuốn sách lên, hóa ra đó là cuốn Matsuzaka Momen Oboegaki của Tabata Yoshiho mà tôi đã đề cập trên đây. Vậy là bỏ ra 1.600 yên để mua cuốn sách này với hy vọng sẽ tìm thêm manh mối về mối lương duyên Việt - Nhật qua những tấm vải nhuộm chàm dệt sợi dọc.
3. Rời Trung tâm Matsusaka Momen, chúng tôi bắt taxi đi đến Bảo tàng Lịch sử dân tộc học Matsusaka, nơi đang trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử nghề dệt và nhuộm vải ở Matsusaka.
Bảo tàng nằm ở lưng chừng một ngọn núi, cách trung tâm thành phố chừng 30 phút taxi, trông giống như biệt phủ của một quý tộc hơn là một bảo tàng như tôi thường thấy ở Nhật Bản. Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Matsusaka – ông Kiyoshi Kado nói sơ lược về lịch sử của nơi này. Đúng như dự đoán của tôi. Tòa nhà nguyên là nơi nghỉ mùa hè của một quý tộc trong vùng, là người yêu thích lịch sử và văn hóa địa phương nên đã sưu tầm được nhiều sách vở, hiện vật có liên quan nghề dệt và nhuộm ở Matsusaka. Về sau, vị quý tộc nhượng tòa nhà này cho chính quyền làm bảo tàng. Chính quyền trùng tu tòa nhà, cùng một số kiến trúc phụ cận, thành lập Bảo tàng Lịch sử dân tộc học Matsusaka.
Sau tuần trà, Kiyoshi Kado đưa chúng tôi đi thăm các phòng trưng bày của bảo tàng. Ông đưa chúng tôi đến nơi trưng bày về nghề dệt và nhuộm, ở trong một tòa nhà khác nằm khuất sau một cánh rừng. Gần như lịch sử nghề dệt và nhuộm truyền thống của Matsusaka đều được lưu giữ và tái hiện nơi đây. Không thiếu chi tiết nào: từ khâu trồng bông, xe sợi, nhuộm màu chàm, dệt vải…
Chúng tôi trao đổi với Kiyoshi Kado về câu chuyện giao lưu Việt - Nhật trên thông qua kỹ thuật dệt vải sợi dọc để tạo hoa văn. Kiyoshi Kado nói rằng ông đã nghe nhiều về câu chuyện này và đưa chúng tôi đi thăm nơi trưng bày những mẫu vải chàm của các xưởng dệt ở Matsusaka từ hàng trăm năm qua. Đó là những cuốn sổ cũ kỹ, bên trong gắn hàng trăm mẫu vải để làm mẫu cho thợ dệt. Kiyoshi Kado cho hay, một trong những cuốn sổ có nguồn gốc từ một hào thương đã từng buôn bán với thương nhân An Nam trong thời kỳ mậu dịch Châu ấn thuyền. Tương truyền đó là những mẫu vải ông ấy mua ở Hội An và gửi về quê nhà để làm mẫu cho thợ dệt.
Kiyoshi Kado mở tủ trưng bày, cho phép chúng tôi tiếp cận và chụp hình tất cả những cuốn sổ gắn các mẫu vải. Sau cùng ông đưa chúng tôi đến nơi lưu giữ nhiều hiện vật có liên quan đến mối quan hệ Nhật - Việt trong lịch sử. Tôi thấy nơi đó có thác bản bia Phổ Đà sơn linh trung Phật, là bi ký khắc trên vách đá trong động Hoa Nghiêm ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) có khắc tên những thương nhân Nhật Bản sinh sống ở Hội An trong thế kỷ 17 đã cung tiến công đức để xây dựng chùa Bình An và lập bia tại danh thắng Ngũ Hành Sơn lúc bấy giờ...
TRẦN ĐỨC ANH SƠN