Đừng nhầm lẫn với loài cúc bất tuyệt, ngắt từng bông phơi khô có tên khoa học hẳn hoi (Xerochrysum bracteatum) và trồng phổ biến ở Đà Lạt. Loài hoa bất tử của tôi phải vun thành luống trước nhà. Nó có thể là vạn thọ, là lay ơn… được trồng đâu đó ở mảnh vườn nhỏ nơi xứ Quảng, chứ không phải loài thực vật thuộc họ cúc (Asteraceae) với những cánh hoa đã chết nhưng trở thành biểu tượng hẹn hò yêu đương mà giới trẻ mua tặng cho nhau.
Những luống hoa như thế được trồng ngay trước sân nhà, chờ tết.
Vạt vạn thọ nơi chợ hoa xuân. Ảnh: H.X.H |
Cứ vào quãng đầu tháng Chạp, khi bầu trời nặng trĩu và khung cảnh dần đông cứng theo từng giọt mưa buốt vào da thịt, những đứa trẻ ở vùng cát bắt đầu rủ nhau trồng hoa tết. Nhà nào cũng trồng. Hoa này trồng chơi, trồng để ngắm, để “đãi” khách đến thăm xuân một bữa-tiệc-nhìn đầy hào sảng theo cách của nhà nông, chứ không phải mang lên chợ bán.
Bắt đầu từ giống. Các củ hoa lay ơn phơi khô từ đầu hè, được vùi trong cát trắng và cất giữ cẩn thận nơi góc nhà, giờ mới mang ra. Còn vạn thọ? Loài hoa tưởng chừng lì lợm ấy cũng lụi tàn theo chu kỳ riêng, cuối xuân đầu hạ đã héo úa dần. Muốn “giữ” nguồn, đám trẻ chiết cành vạn thọ mang ra bờ ao để giâm, như một cách nhân giống thủ công lại có thể giúp hoa né được các đợt nắng gay gắt ở vùng cát. Cứ thế, kéo dài đến cuối thu rồi qua đầu đông, những bụi hoa xanh um kia lại được tỉ mỉ chiết cành lần nữa, mang ra trồng.
Ai đã từng đi qua những mùa hoa tết ở quê hẳn còn nhớ cảm giác sung sướng vào mỗi sáng sớm trở dậy chạy ra nhìn luống hoa trước nhà, thấy trong nách lá vừa nhú thêm một cành nho nhỏ, thấy trong các cành nho nhỏ hé một mầm mới. Thân cây cứ cao lên dần và được chăm sóc tận tình. Mà ở ven sông Trường Giang, rong được vớt thoải mái để bón cho cây… Ấy là loài vạn thọ. Còn với lay ơn, từ củ giống vùi sâu dưới đất và tưới tắm cẩn thận, một tược xanh ngắt trồi lên, chẻ ra thành hai, thành ba rồi cao lên mãi. Nhà nào “trữ” được nhiều củ giống, xem như tết năm ấy tưng bừng với cả một vạt hoa. Luống hoa được rào chắn cẩn thận để ngăn loài chuột cắn phá, bất cứ con sâu nào xuất hiện nơi kẽ lá cũng bị tiêu diệt gọn. Để rồi một sáng mai nào đó, nụ hoa thành hình, lớn dần, rồi hàm tiếu, rồi nở bung. Khi cả luống hoa rực rỡ trước sân nhà, thiên hạ đã biết xuân đang theo về trước ngõ…
Từ những loài hoa dễ nhân giống, dễ trồng như vạn thọ hay lay ơn, dần dà đám trẻ lùng sục ven bờ khe để mang về gốc mai vàng, hay tỉ mỉ uốn éo với chậu cây kiểng. Tết có thể nghèo, nhưng không thể thiếu vắng hoa.
Nhưng dường như các luống hoa tết tự trồng ngày một vắng bóng trước sân nhà ở vùng quê. Chừng 5 năm trở lại đây, hoa cúc bắt đầu “lên ngôi”, được trồng và bán với quy mô lớn. Cận tết, tiền rủng rỉnh trong túi, chủ nhà ra chở đôi ba chậu về chưng, kể cũng tiện… Gọi điện thoại về quê hỏi thăm, mới hay các luống hoa tự trồng “chết yểu” không chỉ bởi lý do duy nhất là hoa tết bày bán sẵn. Phần vì giống hoa cúc khó giữ, mua cũng khó; phần vì nhà cửa cứ san sát nhau, cả xóm chỉ còn một vài người chịu giâm giống hoa vạn thọ. Thành ra một thú chơi dân dã nhưng không kém phần tao nhã đã lụi dần. Và theo thời gian, luống hoa xưa chỉ còn trong ký ức.
Tôi rời quê đã ngót 20 năm. Cũng đã ngần ấy năm không còn chờ đến đầu tháng Chạp để ra trước sân nhà trồng hoa và đến đầu xuân ngắm luống hoa nở bung trong nắng mới. Nhưng trí nhớ đã tự “mặc định” một không gian quen thuộc về mảnh vườn quê, cứ đến cận tết là gợi nhớ, nhắm mắt lại cũng thấy rõ mồn một luống hoa chạy dọc trước sân nhà. Để rồi giờ đây, mỗi khi ngang qua chợ hoa ngày tết, thấy thương làm sao những chậu vạn thọ khép nép trước hào nhoáng mãn đường hồng và rực rỡ cúc đại đóa. Hoa xưa bất tử, hay mảnh vườn xuân quê cũ không bao giờ chết?
CHU THỤY