Chọn cây cỏ tại vùng thượng nguồn Thu Bồn để làm thuốc, suốt mấy chục năm qua, ông luôn là người thầy thuốc hiền từ để những người dân nơi đây tìm đến. Ông là lương y Nguyễn Đình Khôi, năm nay đã ngoài 80 tuổi.
Lương y Nguyễn Đình Khôi bốc thuốc cho người bệnh.Ảnh: LÊ QUÂN |
Bốn đời lương y
Nói đến lương y Nguyễn Đình Khôi, hầu như người dân Nông Sơn nào cũng biết. Nhỏ nhẹ, từ tốn, vị thầy thuốc già luôn là địa chỉ đáng tin cậy của người dân bởi những bài thuốc dân gian của mình. Với ông, mỗi loài thực vật tồn tại trên mảnh đất này đều có công dụng riêng của nó. “Chủ yếu là biết nó giá trị như thế nào để tận dụng cho đúng” - ông nói. Với những người dân quê nghèo khó, hễ có bệnh lại tìm đến ông. Họ đặt tất cả kỳ vọng vào vị lương y này. Mỗi loại dược liệu, mỗi loại bệnh, ông thông thuộc như thể đó là cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Gia đình lương y Nguyễn Đình Khôi là một nhà thuốc gia truyền. Ông Nguyễn Thiện - ông nội của lương y Nguyễn Đình Khôi - là một trong những nhà Nho có học vấn uyên thâm tại làng Trung Phước hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Sau này ông theo thầy Huỳnh Ký, một thầy nho, thầy lang có tiếng của tổng Trung Lộc (huyện Nông Sơn bây giờ) để học nghề y. Bén duyên với thuốc Nam từ đó, ông Nguyễn Thiện hướng con cháu mình đi theo con đường này. Sau đó, con trai ông - Nguyễn Ta cũng là một trong số ít những hội viên Hội Y dược Việt Nam sống tại vùng núi non hiểm trở này. Ông Nguyễn Ta cũng là thầy thuốc mà thời Mỹ-ngụy dám đứng ra thành lập phòng mạch riêng để chữa trị cho bà con vùng tạm chiếm. Lúc này cậu con trai Nguyễn Đình Khôi chưa tròn 20 tuổi cũng được cha hướng theo nghề thuốc gia truyền. Trong những năm đó, ông Khôi theo cha đi khắp các dãy núi của vùng Đức Dục (Quế Sơn, Nông Sơn bây giờ) để tìm những cây thuốc quý chữa bệnh cho dân. Tình yêu nghề, yêu người, hết lòng vì người bệnh của cha đã truyền cảm hứng cho ông Khôi. “Sau này, mỗi lần gặp ca bệnh khó, tôi lại nhớ đến tâm huyết của cha mình để quyết tâm chữa trị cho người bệnh” - lương y Nguyễn Đình Khôi chia sẻ.
Lòng say nghề được truyền từ đời này sang đời khác. Bất chấp việc càng ngày những phương thuốc Đông y càng khó tìm được chỗ đứng, ông Nguyễn Đình Khôi vẫn hướng người con trai duy nhất của mình theo học ngành này. Ông Khôi chia sẻ, mỗi ngày có khoảng 10 lượt người tìm đến phòng khám của ông. Có những bệnh nhân bị chứng thấp khớp lâu năm, hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để chữa trị theo tây y, lại tìm về ông.
Thuốc trong vườn nhà
Người dân vùng thượng nguồn Thu Bồn, ngoài việc biết tiếng lương y Nguyễn Đình Khôi là một thầy thuốc mát tay, nhiều người còn thường xuyên tìm và bán cho ông những cây thuốc trong vườn nhà mình hoặc tìm trên núi cao, rừng sâu. Anh Nguyễn Văn Thuận (ở xã Quế Lộc) là người hay đi tìm cây thuốc sa nhơn về bán cho ông. Mỗi ký sa nhơn được ông mua với giá 200 - 300 nghìn đồng. Đây là một vị thuốc quý, chỉ có thể tìm thấy tại những vùng núi cao. Ngoài ra, với những vị thuốc như ngải cứu, hoắc hương, rang sòng, thiên niên kiện… đều là những cây cỏ ông thu mua từ vườn của người dân. Lương y Nguyễn Đình Khôi chia sẻ, từ xưa đến nay, những bài thuốc của gia đình ông đều lấy nguồn dược liệu từ quê hương. Chính sự nghiên cứu cẩn trọng có từ đời ông nội về công dụng của mỗi loại rễ, lá cây…đã hình thành nên những bài thuốc chữa bệnh rất hay cho mọi người. Thêm nữa, với vùng thổ nhưỡng đặc biệt của Nông Sơn, vừa có sông, núi lại có đồng bằng, việc tìm cây thuốc Nam là điều rất dễ dàng.
Tận dụng cây cỏ tại địa phương, ông Nguyễn Đình Khôi bào chế thuốc với tất cả tấm lòng và tâm huyết của một người thầy thuốc muốn điều tốt nhất đến với bệnh nhân của mình. Ông còn bày cho người dân tại đây biết được giá trị của những cây cỏ trong vườn.
Tính đến nay, lương y Nguyễn Đình Khôi đã hành nghề gần 50 năm. Chừng ấy thời gian đủ cho một đời người làm nên những điều có ý nghĩa. Và điều lớn nhất vị lương y này làm được, đó chính là lòng tin và sự yêu mến mà những người dân quê dành cho ông. Y đức - với người lương y già, chỉ đơn giản là những thang thuốc từ cây lá vườn nhà được bào chế đúng quy cách, chữa đúng bệnh. Ông luôn hướng đến những bệnh nhân khó khăn của vùng núi non trắc trở này với tấm lòng chân thành của một người con quê hương.
LÊ QUÂN