Lách qua đám đông đứng ngồi gần như không còn chỗ trống ở nhà ga Sa Kỳ, tôi vào cảng. Tiếng còi tàu thúc giục. Suốt từ lúc vác ba lô lên mà đi, để được lướt qua huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đặt chân trên đỉnh Thới Lới, những giai điệu của bài tình ca cứ bật lên trong đầu, không dừng được: “Khi chia tay anh dạo trên bến cảng/ biển một bên và em một bên…”.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cổng Tò Vò ở đảo Lớn, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: N.S |
Biển êm.
Tôi đặt chân lên Lý Sơn. Ngày chang chang nắng. Cầu cảng chật như nêm. Tiếng người gọi nhau í ới, dồn dập trong hơi nung 40 độ của cái nóng miền Trung. Tàu cao tốc cập bến. Tàu siêu tốc cập bến. Tàu hàng cập bến…
Vài chuyện lẻ tẻ
Chỗ quán cà phê Đại Dương nhìn ra cảng, xe nườm nượp. Giới hạn tốc độ biển báo cắm ở đây là 40 nhưng có lẽ chẳng tài xế nào chạy tới tốc độ đó, với lượng xe như vậy. 12 giờ trưa cũng như 10 giờ tối, xe dập dìu. Bụi cuốn vào cả kẽ tay.
Ghé mắt trông ra dãy hàng quán tạm bợ chỗ cầu cảng: nước chai các loại, thuốc lá, mũ, nón, mực khô, và tỏi. Tỏi khắp nơi, những bịch tỏi có mặt ở Lý Sơn. Chừng 15 cái dù bên trái, và dăm bảy cái dù bên phải, chủ yếu là dù cà phê Trung Nguyên, lọt thỏm 1 - 2 cái dòng chữ quảng cáo của VNPT hay Viettel. Có vẻ như thương hiệu cà phê này đã làm “soái ca” ở đảo từ rất sớm; những tấm dù bạt màu đỏ gạch đã biến thành màu xám muối và phủ đặc bụi, chỉ còn chữ Trung Nguyên mờ mờ. Tự dưng khiến tôi nhớ đến bao lao xao mấy ngày qua, với những ý kiến trái chiều, thậm chí cả mỉa mai về con số 5 tỷ USD mà Trung Nguyên nói sẽ đầu tư cho tủ sách tặng người dân Việt. Chưa biết thực hư chuyện này thế nào, nhưng khi xem những hình ảnh về hành trình xuyên Việt tặng sách của cà phê Trung Nguyên, tôi dâng lên niềm trân quý. Và khi bảng hiệu lọt vào tầm nhìn một cách vô ý, tôi lại thèm vị đắng của thức uống này. Tôi gọi một ly Trung Nguyên rang xay.
Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của khách lưu trú ngắn hạn khi đến đảo, nhiều motel mọc lên. Những căn nhà nghỉ còn mới toanh. Các motel, cơ bản xây trên khoảnh đất phía trước nhà của chính họ, án ngữ hết mặt tiền. Motel cao vút phía trước, nhà chính họ ở lọt thỏm và thấp tè phía sau.
Nhà nghỉ Cẩm Thành nằm ở đoạn khá vắng. Cùng với motel, chị chủ mở luôn một quán nhậu bình dân, kiểu lắp ráp tạm bợ tôi thường thấy ở các vùng ngoại ô Tam Kỳ hoặc các khu đô thị mới mở, chỗ nhà dân chưa ở nhiều. Vì không phải khu vực trung tâm nên cũng khá ít khách. Nhưng chị bảo đủ sống. Người ở đảo năm bảy năm trở lại đây chủ yếu làm du lịch. Làm chuyên nghiệp có mấy người trẻ thế hệ 8X - 9X về sau, làm nghiệp dư thì những người độ tuổi trên dưới 50 như chị. Đàn bà thôi cũng đỡ hồn treo cột buồm. Mùa nắng làm mùa mưa nghỉ, như ngày xưa đi biển.
Mặt tiền các nhà nghỉ hướng ra biển. Con đê chắn sóng hơi xốn mắt. Tự dưng tôi ước giá con đê này được làm theo công nghệ ống địa kỹ thuật Geotube (vải địa kỹ thuật bọc bên ngoài để bơm cát bên trong tạo thành đê chắn sóng mềm), thay vì tường chắn bê tông thép như tôi đang nhìn thấy. Người ta đang xây dựng nhiều. Xây nhà nghỉ, nhà ở, cầu cảng. Năm sau, dự kiến cầu cảng mới chỗ khách sạn Mường Thanh sẽ hoàn thành. Bụi đỡ đi.
Bụi hy vọng đỡ đi, nhưng rác thì chắc khó. Chỗ cầu cảng, rác nhiều theo lượng khách đổ về. Trên cầu cảng, dưới chân đê. Điểm này khá giống ở xã đảo Tam Hải của huyện Núi Thành.
Nụ cười móm ở đảo Bé
Liêm, một hướng dẫn viên người địa phương giảng giải khi chúng tôi ghé thăm đảo Bé: xe điện ở đây được “độ” thành xe nổ. Xe điện trên đảo Bé là độc nhất vô nhị, vì không chạy bằng điện mà bằng dầu. Máy nổ được lắp vào, khi chạy nghe ầm ầm như máy xay xát. Anh tài xế chở chúng tôi một vòng quanh đảo Bé - đúng tay lái lụa với những đoạn cua gấp, xe lượn như chim. Không quen dễ rớt ngay xuống ruộng hành. Nhiều đoạn đường chưa làm xong, xe điện nhảy chồm chồm. Chúng tôi bảo không khác đi xe ngựa ở Tây Nguyên. Liêm cười khùng khục: “Ở đây gọi là mát xa đấm bóp miễn phí!”.
Khác với đảo Lớn, đảo Bé sạch sẽ và tinh khôi như thiên đường trong truyện cổ tích.
Hành xanh nghít. Trong cái nắng ban sớm, mùi hăng nồng của hành vương vương trong gió. Tôi hít hà rồi bỗng sợ mình nhầm lẫn vì không thể minh định được là hơi biển hay hương sản vật của đảo hay vị từ ký ức khứu giác, bởi bạn đường bảo, chẳng ai nghe được, trừ nông dân xứ đảo.
Chỗ vách đá cổ được cho là có từ hàng triệu năm trước, vút lên vài cánh yến. Mấy chấm trắng mềm dịu giữa trời trong và xanh không một gợn mây. Cụ Lực móm mém, tui tám tám rồi á, bả ít hơn mấy tuổi thôi. Mùa nắng, ngày cũng kiếm được dư trăm bạc. Vợ chồng già, ông đứng dưới, bà ngồi trên đê chắn sóng, bán nước giải khát, chủ yếu là nước nhà làm, từ rau cỏ của đảo. Chai nước rong biển ướp lạnh, 10.000 đồng, ngon tận cuối lưỡi. Cụ kêu mình ở đảo từ bé. Cả gần trăm năm ni, không thấy vách đá mòn đi chút mô, chỉ khách là mỗi ngày một nhiều. Ông bà bán mấy chai nước cho vui, chủ yếu là có người nói chuyện, cũng là coi ngó dân khắp nơi về chơi ở đảo ra răng, chớ con cái trưởng thành hết rồi, ông bà đâu lo chi cái ăn nữa. 6 gái, 4 trai. Cụ vừa khoe vừa liếc đuôi mắt nhìn bà, cái nhìn đằm thắm mà cũng ồn ào như sóng, thả câu hỏi cho tôi, bả nhỏ con rứa mà số dách hông? Không đợi tôi trả lời, dứt lời cụ ông, bà cười tỏm tẻm, cái cười nhẹ thênh nhưng lại khiến tôi hình dung ra quãng đường nuôi con gập ghềnh như bãi đá dưới chân.
Và chuyện tỏi
“Tỏi Lý Sơn có vị cay the khi vừa nhai. Nhai chút nữa, vị ngòn ngọt sẽ đọng lại. Giống như mùi lá tỏi lúc vò nát rứa”. (Ông Năm, chủ quán nước dưới chân núi Thới Lới) |
Tôi không muốn ra Lý Sơn mua tỏi của xứ khác. Liêm bảo, khoảng 70% tỏi bán ở đảo là tỏi ở các nơi chuyển về. Tôi rằng, khó có thống kê và điều tra nhỉ? Nói như vậy có mích lòng nhau? Tỏi ở Lý Sơn không cung cấp đủ cho khách du lịch nên mới mang tỏi các nơi về? Liêm lắc đầu: “Không hẳn là không đủ. Bởi người ta bán công của người khác dễ nhưng không dễ dãi bán công của mình”.
Sau câu nói của bạn đường người bản địa, tôi hiểu. Trồng tỏi ở Lý Sơn nhọc nhằn, không ai đi bán rẻ cả; chưa nói chất lượng tỏi Lý Sơn không hẳn là vô địch thiên hạ, nhưng vị thì thiên hạ không đâu có. Vì Lý Sơn chỉ có một.
Giá tỏi Lý Sơn rất đắt, mà khách du lịch thì ham rẻ, rẻ dễ bán chạy. Dần dà người ta bán toàn tỏi ở đâu đâu. Tỏi Lý Sơn thì cất kỹ, cũng bán nhiều, nhưng không phải bày biện lung tung ngoài đường. Ở đây không có chuyện đầu mối thu mua mà khi cần lượng lớn thì đi quanh gom mỗi nhà một ít. Người trồng tỏi trữ cất tỏi như của để dành. Chỉ cần anh là dân đảo thì mua được tỏi Lý Sơn. Người nơi khác đến, không thật tâm để ý, sẽ chỉ mua được tỏi bán ở Lý Sơn.
Lại nghe mấy anh xe ôm ở chợ đêm buôn chuyện, rằng có lệnh cấm mang tỏi với lượng lớn ra đảo; rằng công an vừa bắt kiện hàng tỏi gửi ra đảo theo đường bưu điện, cả mấy trăm ký…
Trước khi ra đảo, tôi dò la một người bạn, cách nào mua được tỏi Lý Sơn. “Cứ xác định tỏi không chính hiệu, sẽ mua được tỏi chính hiệu”, bạn ỡm ờ. Nhưng ngẫm cũng đúng, cứ lọc hết hàng giả đi, sẽ chạm tay vào hàng thật. Ở đời, thật giả không cùng, làm sao đủ sức tường minh? Hốt nhiên nhớ chuyện vị thiền sư ở dãy Hy Mã Lạp Sơn giải công án, rằng: một ông vua chẳng bao giờ phơi bày ngọc ngà châu báu cho mọi người coi chơi. Cũng như đạo sĩ chân tu giấu kín pháp môn của mình, không khi nào đem rao bán ngoài chợ.
Bạn từng mang tham vọng về một tour du lịch để phát triển xứ đảo. Nhưng mấy năm rồi, vẫn dang dở ý tưởng. Liêm nói, đang tơ tưởng đến một “bảo tàng” tỏi của riêng mình. Và một tour trồng tỏi mùa giáp tết cho những ai muốn trải nghiệm - kiểu ở làng rau Trà Quế ở Hội An mà anh từng tham quan. Giấc mơ thường hằng và thôi thúc bạn tôi, hay anh chàng hướng dẫn viên người địa phương, mốt mai rồi thành sự thật?
Nhưng nếu không giữ lại vẹn nguyên như ban sơ những gì Lý Sơn có, nếu cứ đầu tư xây dựng ầm ào dọc con đường bé như chỉ tay quanh đảo, khách sẽ chẳng tìm về...
Ghi chép của PHAN HOÀNG