Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về thơ Tường Linh, tôi thường nhớ bài thơ “Nhớ hai miền Huế - Quảng” trong mấy câu thơ: Quê hương tôi bên ni đèo Hải/ Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại/ Già nua nếp phố Hội An…/ Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển/ Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô. Và. lại nhớ. Khổ thơ cuối của bài “Ngọn đèn”: Còn nguyên vẹn những đêm dài thao thức/ tựa bao lơn, anh ngắm chấm đèn xưa/ đóm sáng nhỏ hay mắt sầu rưng rức/ không gian buồn như có rắc tơ mưa. Cả hai bài thơ đều được viết vào năm 1958, khi mà quê nhà Quảng Nam đã trở thành niềm thương dằng dặc của nỗi “không về”.
Bằng hữu tổ chức mừng thọ 85 tuổi cho nhà thơ Tường Linh (áo trắng, người thứ 2, từ bên trái). |
Đây chưa phải là những bài thơ tiêu biểu của Tường Linh: thật khó chọn một vài bài cho cả một đời thơ của những nhà thơ đã định hình danh phận với giọng điệu riêng và cả ngàn bài. Riêng với tôi, cái cảm nhận rất chủ quan vừa nói, lạ thay, lại trở thành “bằng chứng” khi muốn đưa ra một nhận xét khái quát về thơ của anh. Đó là hai nét chung nhất về thơ Tường Linh: nỗi sầu cố quận và chất trữ tình êm đềm. Cảm nhận mơ hồ này từ những ngày niên thiếu, về sau, lại tình cờ tìm thấy nơi nhận định của các nhà chuyên nghiệp: “... Tiếng thơ ông đã tỏa ngát niềm trong sáng của ca dao và nỗi buồn mênh mang trên xứ sở cùng sự cơ hàn của thân phận... (Văn học hiện đại, tr.180-183)
* *
*
Thơ Tường Linh đã xuất bản: Thơ tập làm thuở nhỏ (in thạch bản, Tam Kỳ-1950), Mùa di (in thạch bản, Bồng Sơn - 1953), Mùa hoa cải (Huế - 1955), Mây cố quận (Tao Đàn, Sài Gòn -1962), Nghìn khuya (Tao Đàn, Sài Gòn - 1965), Thu ơi từ đó (Tao Đàn, Sài Gòn - 1972), Giọt cổ cầm (Đà Nẵng-1998), Về hỏi lại (Đà Nẵng - 2001), Thơ Tường Linh tuyển tập (Văn học - 2011). |
Tóm tắt một chút về… lý lịch, nhà thơ Tường Linh có tên khai sinh Nguyễn Linh, sinh ngày 12.12.1931 tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là Quế Trung, Nông Sơn). Anh xa quê từ năm 1954, ra sống ở Huế, Quảng Trị. Đến năm 1956 thì vào ở hẳn tại Sài Gòn cho đến nay. Tường Linh thuộc lớp các thi sĩ Quảng Nam xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ “Chị Điện Hòa” (1950) và “Năm cụm núi quê hương” (1954) của anh được nhiều người thuộc lòng, mãi cho đến nay. Đó là loại thơ-kể-chuyện, rất phù hợp với điều kiện lịch sử - xã hội vào thời điểm ấy: Anh thương binh trở về nguyên quán/ Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường/ Anh trở lại với bàn tay còn lại/ Vẫy vẫy chào Non Nước quê hương…
Dễ dàng thống nhất rằng, đặc điểm nổi trội trong thơ Tường Linh là tình yêu quê hương, quê hương Việt Nam và quê nhà xứ Quảng. Đó là hình ảnh về những con người -những cuộc đời cùng những phong tục và sinh hoạt truyền thống ở chốn làng quê Việt. Rồi xa quê, đi về phương Nam mà lòng không nguôi thương nhớ chốn quê nghèo. Từ ký ức ấy, không gian trong thơ Tường Linh được làm nên bởi mối sầu “cố quận”: Ngoài ấy bây giờ chưa nắng lắm/ Nhiều hoa gạo đỏ nở bên sông/ Tháng giêng có tiếng chim tu hú/ Khung biếc trời mai én lượn vòng. Rồi, như quy luật vận động nội tại trong sáng tạo thơ, tình cảm riêng tây biến thành không gian văn hóa của chốn làng quê Việt qua hình ảnh những “cổng làng buồn” (Cổng làng), “bờ lau nắng sáng” (Lý qua cầu); và những lũy tre, ngọn đèn xóm vạn, những ao nước, những vườn cải hoa vàng, những chuyến đò…
Nhưng quê hương của Tường Linh không chỉ khu trú từ đèo Hải Vân đến Dốc Sỏi. Những năm tháng lưu lạc được ghi lại trong phần II của tập Thơ tuyển dưới tiêu đề chung: Chim bay bể Bắc qua các nhan đề mang địa danh như Qua cầu Thạch Hãn, Nhắn hoàng thành có người Tôn nữ, Mai giã từ Đà Lạt, Phượng Huế… Rồi suốt mấy mươi năm sống dưới bầu trời phương Nam, quê hương trong anh đã trở thành nỗi thao thức không nguôi, với những Chiều gió Tân Qui, Qua phà sông Hậu, Đêm Văn Thánh bắc…
* *
*
Thơ Tường Linh hiếm khi đề cập chuyện chính trị. Nếu phải bày tỏ, thì thái độ của anh là nụ cười kín đáo: Lão trượng ngồi nghiêm ngoài chiếu rượu/ Nghe người giành kể chuyện “Nguyên Phong”/ Đài thiêng đâu vắng hồn chinh khách/ Men bốc, lời đưa nét sử cong! (Lão trượng). Phải chăng, đây là một trong những lý do khiến cho nhiều người đến với thơ anh? Và khi đã không màng đến thị phi, thì hẳn nhiên, vận động của dòng tâm thức dễ hướng đến những suy niệm tâm linh: Giữa bao mắt đời nghiệt ngã nhìn ta/ Ta mừng gặp còn nhiều đôi mắt Phật/ Như đôi mắt của những người chân đất/ Gặt lúa đồng mỗi hạt sánh kim cương (Tạ ơn những đôi mắt).
Nếu phải nói thêm điều gì, về thơ, chỉ xin trích bài thơ cuối trong tập tuyển gồm 396 bài thơ của anh: Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn/ Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình/ Đi tay trắng thì trở về tay trắng/ Thơ một đời gửi lại phía bình minh.
Đó là một hạnh phúc khác. Của thi sĩ: hiểu-ngộ sự thật của Dòng Sống.
Vài nhận xét khác về thơ Tường Linh Năm 1986, nhà văn Võ Phiến than thở: “Chọn thơ Tường Linh quả khó, chọn bài này e mất lòng bài kia”. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt thì nhìn thấy “... nỗi buồn trong thơ anh không là nỗi buồn bi đát của thanh niên hôm nay mà là nỗi buồn thăm thẳm của quê hương, nỗi buồn đó là nguồn sống của dân tộc chúng ta cần phải có. ” (Thi ca Việt Nam hiện đại). Và trong bộ sách đồ sộ Văn học miền Nam nơi miền đất mới (2006), nhà biên khảo Nguyễn Q.Thắng cũng có cùng nhận xét với Võ Phiến: “... Thơ Tường Linh, phần lớn, bài nào cũng như bài nào, tuyển nhiều càng tốt, không bài nào đáng bỏ...”. Hoặc như nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ: “... Thơ Tường Linh ra đi từ gốc rạ, để cuối cùng quay về lại với gốc rạ, trở thành máu thịt của quê hương”. Trong một chuyên luận dài, nhà phê bình Hà Khánh Quân tổng kết: “Thơ hay là thơ đến và ở được lâu dài trong lòng người đọc. Người đọc tôi muốn nói ở đây là người-Việt-trung-bình của nhà văn Võ Phiến. Và Tường Linh là chủ nhân của một số thơ như thế”. GS-TS. Huỳnh Như Phương thì gọi ông là “con ngựa thồ văn chương, thồ nhân nghĩa và ân tình xứ Quảng”; và đã chính xác khi cho rằng, “phong vị cổ điển trong thơ Tường Linh còn thể hiện ở chỗ dường như nhà thơ làm nhòa đi hình ảnh chính mình mặc dù những điều ông nói đều bắt nguồn từ gan ruột. Phải chăng ông nghĩ rằng những “gió dập sóng nhồi” của cuộc đời ông có thấm gì so với những chìm nổi của đất nước quê hương...”. |
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT