(QNO) - Ngồi với vài người bạn cũ là giáo viên hưu trí, nông dân thất nghiệp, nói đủ thứ chuyện trời biển, từ dịch bệnh đến bóng đá, từ hoạt động của hội người cao tuổi địa phương đến chuyện xã bỗng lên phường. Nói gì rồi cũng quay lại chuyện lụt!
1. Làng tôi ở vùng đồng bằng Điện Bàn, cực bắc tỉnh Quảng Nam, năm giữa hai sông lớn Thu Bồn và Vu Gia. Mùa mưa thường kèm theo những trận lụt, “lụt nguồn trôi trái lòn bon” và những cây củi mục. Lụt tràn bờ trong một hai ngày, mang về cho ruộng đồng lớp phù sa màu mỡ và giết được lũ chuột cắn phá mùa màng. Bởi vậy, sau mùa lụt thì tới vụ lúa tháng Mười. Cấy sau tháng Mười âm lịch và gặt tháng Ba năm sau.
Lụt cũng mang về đồng ruộng nhiều loại cá tôm. Sau lụt, cả làng ra đồng, mang theo nơm, lưới, lờ đi bắt cá. Trên các con suối, người ta dùng tre cây kết lại, trên lót những tấm tre đan và lưới chắn ngang dòng chảy, gọi là cái sa, để bắt cá trôi theo dòng nước chảy. Nước cạn hơn, người lớn lùa trâu và vác cày ra ruộng, bọn nhóc chúng tôi mang theo những chiếc giỏ nhỏ bên hông, lội sau đường cày, bắt những con rô, con tràu, con diếc nhỏ còn lại trên ruộng…Sau một mùa lụt là những bữa con ngon, dù có ghế khoai sắn, nhưng thơm lừng vị cá đồng. Có khi tôi gánh đôi giỏ tre đựng vài chục con vịt mới ra huê đi thả trên đồng cho chúng tự kiếm mồi như ốc, cá con, rồi đến các cái sa ven suối cũng kiếm được ít cá cấn, cá mại hay gọi chung là cá rầm, chỉ nhỏ bằng mút đũa về kho rim với nghệ tươi đập dập, tiêu bột và lá nghệ. Món này ăn với cơm nóng những ngày mưa thì rất… hao cơm.
Mỗi mùa lụt đi qua tuổi thơ tôi là một vùng ký ức tươi đẹp, mà bây giờ ngồi nhắc lại, vẫn còn nao nao.
Cho đến trận đại hồng thủy năm 1964 và sau đó là chiến tranh, những trận lụt thơ ấu ấy trôi luôn vào quá khứ.
2. Năm Nhâm Thìn 1964, toàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế chịu chung một trận lụt lịch sử kinh hoàng. Lụt rồi bão rồi lụt lớn nhận chìm hàng vạn ngôi nhà ở nông thôn suốt cả tuần lễ.
Sau này xem các phim tài liệu do chính quyền miền Nam chiếu lại, mới biết cả Quảng Nam có gần ba ngàn người chết, Quảng Ngãi hơn một ngàn và Huế thấp hơn một ít. Phim cho thấy cả thị xã Hội An nước ngập đến mái nhà. Các làng, người ta phải sống trên mái nhà chờ máy bay đến thả lương thực hoặc cứu đưa đi các nơi cao ráo hoặc các trường học ở Đà Nẵng.
Làng tôi có những con trâu trèo lên mái ngói để kéo lấy ngọn tre làm thức ăn. Bò chịu lạnh kém, chết đầy ruộng. Cả xóm tôi tập trung đến một ngôi nhà cao nhất làng, chỉ ăn sắn lát và uống nước bạc. Nửa đêm nghe những tiếng kêu cứu trên các mái nhà trôi ngoài sông mà nhói lòng. Nghe kể một làng trên phía nguồn đã bị nước cuốn trôi ra biển vì mưa quá nhiều ngày, lở núi…
Nhà thơ Tường Linh quê ở phía Đại Bường, Cà Tang (nay thuộc huyện Nông Sơn) đã viết những câu cay xé sau trận lụt: Cây đa cổ lụt năm Thìn trôi mất/Chim thôi về mùa trái chín tháng ba… (Cổng làng)
Sau trận lụt dữ đó, tôi mới bắt đầu nghe được tiếng lũ. Nghĩa là nước lớn nhưng chảy rất xiết, rất mạnh, rất bất ngờ. Lũ cuốn trôi tất cả những gì ngăn cản nó, không trở tay kịp!
3. Buổi chiều sau một đợt mưa bão giữa tháng Mười, lại là cuối tuần, tôi quay về làng.
Kể từ năm 1964 ấy đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Mọi chuyện, người và cảnh đã đổi thay. Người nông dân giờ chỉ còn trên danh nghĩa vì mấy sào ruộng đã được một chủ dự án “đô thị hóa” mua đứt để xây dưng khu dân cư mới cạnh làng. Mấy bạn trẻ đã đi làm công nhân ở các khu công nghiệp của thị xã, anh này là công nhân may, chị kia là thợ giày xuất khẩu... Lương tháng 3-5 triệu đồng, nhưng họ cam chịu vì không phải đi xa nhà. Các vị trung niên vừa tạnh mưa đã chạy xe máy đi Đà Nẵng làm phụ hồ, bốc vác gạch đá cho các công trình xây dựng. Ban ngày chỉ còn phụ nữ lớn tuổi ở nhà trông cháu, chăm vài con gà con vịt trong vườn.
Ngồi với vài người bạn cũ là giáo viên hưu trí, nông dân thất nghiệp, nói đủ thứ chuyện trời biển, từ dịch bệnh đến bóng đá, từ hoạt động của hội người cao tuổi địa phương đến chuyện xã bỗng lên phường. Nói gì rồi cũng quay lại chuyện lụt!
- Bây giờ làm gì còn lụt! Bây giờ là lũ ông ơi, lũ ống, lũ quét, xả lũ, điều tiết lũ, đỉnh lũ, chạy lũ, sơ tán dân vì lũ… chớ không còn cảnh lụt như xưa rồi! - một người lên tiếng.
Một người khác thêm vào:
- Đúng vậy! Hãy nhìn lên những con sông trong các trận lũ, dày đặc cây rừng trôi về không còn chỗ cho nước chảy nữa kia! Đó là rừng bị phá, phá vì lâm tặc ăn cắp chưa kịp chuyển đi. Đó là thủy điện phá rừng làm hồ chứa mà không trồng lại. Chữ lụt đã bị khai tử rồi, từ miền núi đến miền biển, cả đồng bằng và văn bản hành chính. Cái này là nguyên nhân của cái kia…
- Và do vậy, không còn khái niệm “lũ lịch sử” nữa. Lũ sau sẽ lớn hơn lũ trước, lịch sử các trận lũ sẽ bị xóa đi, làm lại…
Người nông dân làng tôi nói và luận bàn vậy. Tôi ra về, bầu trời trên kia vẫn đang xám xịt. Dự báo thời tiết cho biết sẽ có một đợt mưa lớn và áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông, rồi lại lũ cũng nên!